Hãy tôn trọng ý dân
Thời sự sôi nổi nhất trong những ngày gần đây chắc có lẽ là chuyện thu phí xe mà Bộ trưởng GTVT đề xuất, nó được quan tâm nhất vì đụng chạm đến túi tiền của hầu hết người dân. Ở Việt Nam hiện nay, hầu như gia đình nào cũng có xe để di chuyển kể cả xe rẻ tiền nhất đó là phương tiện cơ bản để sinh hoạt và mưu sinh, nếu phải đóng thêm phí thì trở thành gánh nặng trong cuộc sống buộc mọi người phải chắt chiu hơn nữa, nhất là trong tình cảnh thu nhập của người dân còn ở mức trung bình thấp như hiện nay.
Sau khi có các ý kiến phản ứng quyết liệt từ người dân và báo chí thì mới đây, bộ trưởng có đăng đàn trả lời nhưng xem ra không thuyết phục lắm và cũng không làm dư luận dịu bớt, người ta còn cho rằng Bộ GTVT chưa có một cuộc khảo sát thực tế nghiêm túc để có luận cứ khoa học vì đã dễ dàng thay đổi định mức phí theo đề xuất của mình... Thực ra việc thu phí các phương tiện giao thông ở các nước tiên tiến người ta đã làm từ lâu rồi và người ta cũng làm rất bài bản, có cân nhắc đến khả năng thu nhập của các tầng các giới, có cân nhắc đến nhu cầu phát triển chung của xã hội, hạ tầng giao thông được đầu tư bài bản để thể hiện tiền đóng góp được sử dụng đúng mục đích... Ở Việt Nam, khi đề xuất thu phí này dễ gặp phản ứng vì nhiều địa phương hạ tầng giao thông chưa tới đâu, thậm chí một số địa phương có đường tốt nhưng do doanh nghiệp đầu tư và mật độ thu phí BOT dày đặc nay lại thu thêm phí này vậy thì có quá nhiều phí tập trung cho một phương tiện sao? Cái người dân lo không chỉ là số tiền phải đóng mà còn tính tới việc thu phí cao có ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa tăng trong thời kỳ lạm phát này không? Chất lượng đường giao thông đa phần là quá tệ, mau xuống cấp, hư hỏng như vậy cứ phải liên tục tăng phí mới có đường tốt để đi và liệu có công bằng trong việc thu phí sử dụng hạ tầng giao thông hay không? Các bác tài còn lo khi quy định có hiệu lực thì phương tiện luôn bị dừng để kiểm tra bởi lực lượng kiểm soát giao thông... Hãy tạm quên việc thu phí như thế nào sẽ hạ hồi phân giải, cái chúng ta muốn bàn ở đây là việc hoan nghênh một số chủ trương dần dần được công khai hóa để người dân biết và có ý kiến phản biện. Thú thật trước đây có nhiều quy định, quyết sách mà người dân ít được biết đến mặc dù nó tác động trực tiếp đến họ chỉ đến khi va chạm thì mới tìm hiểu và phải chấp nhận, lần này Bộ trưởng GTVT có hứa sẽ đưa ra lấy ý kiến người dân là một điều tốt, thể hiện tính dân chủ cao, nhưng không biết quy trình lấy ý kiến như thế nào? Bởi đến nay các quy trình này còn rất mù mờ, theo cách làm hiện nay thì Chính phủ sẽ trình Quốc hội thông qua sau đó tổ chức thực hiện, các đại biểu Quốc hội là đại diện nhân dân, thay mặt dân thông qua quy định pháp luật và giám sát thực hiện, nhưng nhiều nơi đại biểu tiếp xúc với số lượng cử tri rất hạn chế và cũng không thu thập được đại đa số ý kiến của cử tri.
Có thể nói, đối tượng của các quyết sách là người dân và cũng chính người dân thực hiện, nên các chủ trương, chính sách nếu được đưa ra cho nhân dân phản biện là luận cứ khoa học tốt nhất để có thể đi vào cuộc sống. Chúng ta đang định hướng xây dựng một xã hội dân chủ, văn minh đòi hỏi phải có quy trình để thực thi một xã hội như vậy. Tôn trọng ý kiến nhân dân là bước đi tích cực để xây dựng thể chế dân chủ, cũng tức là tạo sự đồng thuận của mọi người trong việc quản lý xã hội.
XÀ CỪ