Hãy “hát về cây lúa hôm nay”...

Thứ ba, ngày 18/10/2011

Từ bao đời nay, cây lúa luôn giữ vai trò quan trọng trong đời sống của người dân Việt Nam. Ngoài là cây lương thực chính, những năm gần đây cây lúa đã đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước và đưa nước ta vươn lên vị trí thứ hai, sau Thái Lan về xuất khẩu gạo trên thế giới.

    Tuy nhiên, hơn 10 năm trở lại đây cùng với quá trình công nghiệp hóa - đô thị hóa nhiều diện tích đất lúa đã bị thu hẹp, đất lúa được dành để chuyển sang nhiều mục đích khác, cho rằng việc chuyển đất trồng lúa sang đất đô thị hay khu công nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, nhiều địa phương không còn quan tâm đến việc giữ lại đất trồng lúa. Bên cạnh đó, do nôn nóng trong việc phát triển kinh tế và thu hút đầu tư trong, ngoài nước, nhiều địa phương đã quy hoạch nhiều KCN không phù hợp với điều kiện hạ tầng, khả năng và nhu cầu phát triển thực tế.

     Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong 10 năm qua cả nước ta đã giảm khoảng 270.000 ha đất trồng lúa, bình quân mỗi năm đất trồng lúa bị thu hẹp khoảng 27.000 ha nguyên nhân chủ yếu là do chuyển sang các mục đích phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phát triển kinh tế và chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Cũng theo Bộ Tài nguyên và Môi trường một số địa phương chưa sử dụng tiết kiệm đất nông nghiệp, nhất là đất trồng lúa, vẫn còn tình trạng quy hoạch sử dụng đất phi nông nghiệp trên đất nông nghiệp có năng suất cao, thậm chí trên đất chuyên trồng lúa, mặc dù ở địa phương vẫn còn các loại đất khác.

       Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện đang trong xu hướng tăng mạnh, nhiều chuyên gia nhận định giá gạo sẽ tăng nữa do Thái Lan tăng giá mua lúa nội địa từ ngày 7-10, có thể Việt Nam sẽ hưởng lợi vì nhiều khả năng khách hàng sẽ chuyển từ mua gạo Thái Lan sang mua gạo Việt Nam. Song song đó, Cục Trồng trọt khẳng định, mặc dù một số vùng, miền ở nước ta bị tác động tiêu cực bởi thiên tai nhưng sản lượng lúa của cả nước năm nay sẽ tăng hơn 1 triệu tấn so với năm 2010 (tương đương đạt khoảng 41 triệu tấn lúa), do vậy sẽ có đủ nguồn cung để ổn định thị trường trong nước đồng thời lượng gạo hàng hóa để xuất khẩu vẫn đạt 7 triệu tấn theo kế hoạch vì tính đến hết tháng 9-2011 cả nước đã xuất khẩu 6 triệu tấn gạo với kim ngạch 2,816 tỷ USD, tăng 9,13% về lượng và 23,71% về giá trị so với cùng kỳ năm trước...

     Như vậy, vấn đề cần tính đến trong thời gian tới là các địa phương nên thận trọng khi có ý định chuyển đất trồng lúa sang mục đích khác nhằm vừa góp phần bảo đảm an ninh lương thực, ổn định thị trường và ngày càng nâng cao sản lượng gạo xuất khẩu. Nhiều người, nhiều ngành chức năng đã cho rằng thời gian qua chúng ta quá dễ dãi khi để cho các địa phương tự động giảm đất trồng lúa mà chưa có biện pháp hữu hiệu nào nhằm kiểm tra, ngăn chặn, thậm chí xử lý kỷ luật. Do đó, để cho người nông dân thấy được lợi ích khi giữ đất lúa thì mỗi địa phương cần xác định rõ vị trí, diện tích đất lúa nào phải giữ, sau đó cắm mốc trên thực địa và tuyên truyền cho người dân biết để giám sát. Mặt khác, cần có chính sách hỗ trợ cho người dân và địa phương trồng lúa như tăng cường đầu tư về hạ tầng xã hội, tăng phân bổ ngân sách cho địa phương, giảm thuế, trợ giá... Làm sao để người dân và chính quyền địa phương thấy được rằng khi trồng lúa thì thu nhập, đời sống của họ không kém hơn so với chuyển đất sang làm chuyện khác... có như vậy mới có thể khuyến khích được người dân, chính quyền địa phương gắn bó với nghề nông và giữ đất trồng lúa...

 

VÕ HƯƠNG