Hãy hành động vì tương lai của thế hệ trẻ

Thứ sáu, ngày 01/06/2012

Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành khá nhiều thời gian, công sức và trí tuệ để quan tâm, chăm sóc thế hệ trẻ. Bác viết: “Thiếu niên nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ... Vì tương lai của con em ta, dân tộc ta, mọi người, mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc và giáo dục các cháu bé cho tốt”. Tất cả các quốc gia dân tộc trên thế giới muốn tồn tại và phát triển bền vững, đều phải quan tâm bảo vệ chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng. Xác định được vai trò quan trọng của lực lượng hậu bị, Bác Hồ thường nhắc nhở các cấp, các ngành, đoàn thể phải làm tốt công tác chăm sóc và giáo dục thiếu nhi.

Khắc ghi lời dạy của Bác, trong suốt quá trình phát triển của đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn có chủ trương, chính sách thể hiện sự quan tâm chăm sóc thế hệ mầm non tương lai của đất nước. Thể hiện rõ nhất là Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành năm 2005. Trong đó có một số điều khoản quy định: Trẻ em, không phân biệt gái, trai, con trong giá thú, con ngoài giá thú, con đẻ, con nuôi, con riêng, con chung; không phân biệt dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội, chính kiến của cha mẹ hoặc người giám hộ, đều được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, được hưởng các quyền theo quy định của pháp luật. Các quyền của trẻ em phải được tôn trọng và thực hiện. Mọi hành vi vi phạm quyền của trẻ em, làm tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em đều bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật. Đó là khung pháp lý cơ bản giúp các ngành và chính quyền địa phương xây dựng chương trình hành động cụ thể để thực hiện chính sách liên quan đến trẻ em.

Tuy nhiên, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì hiện nay cả nước có trên 1,4 triệu trẻ em sống trong hoàn cảnh khó khăn. Trong số đó có hơn 21.000 em là nạn nhân chất độc da cam, 141.000 trẻ mồ côi, bị bỏ rơi, hơn 4.600 trẻ nhiễm HIV/AIDS... cần sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng. Đáng chú ý trong số này hiện nay có không ít trẻ em bị ngược đãi, bị lạm dụng khi phải vào đời sớm như: ăn xin, bán vé số, sống lang thang cơ nhỡ mà không có sự chăm sóc, giáo dục của gia đình và cộng đồng xã hội. Mặc dù các vụ bạo hành ngược đãi trẻ em đã được pháp luật trừng trị thích đáng như  2 vụ bảo mẫu ở TP.Biên Hòa (Đồng Nai) và TX.Thuận An (Bình Dương) cách nay không lâu là một phần nổi của tảng băng chìm mà còn đâu đó không ít vụ việc chưa được phát hiện đưa ra ánh sáng để trả lại sự công bằng cho các em.

Nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6 năm nay, nhắc nhở chúng ta hãy luôn dành sự yêu thương, quan tâm chăm sóc đến thế hệ trẻ, tạo mọi điều kiện cho trẻ em đều được tiếp cận các dịch vụ xã hội để phát triển một cách toàn diện cả về thể chất, trí tuệ và đạo đức vì thế hệ tương lai của nước nhà.

MINH DÂN