Hãy hành động mạnh mẽ để ngăn chặn hành vi tự tử
(BDO) Tự tử là một nỗ lực trong tuyệt vọng nhằm trốn tránh nỗi đau đã trở nên quá mức chịu đựng. Người tự tử không thể thấy biện pháp giải tỏa nào ngoài cái chết. Họ mong ước có một giải pháp khác ngoài việc tự tử nhưng không thể tìm được. Do đó, cần có người giúp đỡ, nói chuyện cởi mở, tư vấn để giúp người có ý định tự tử đưa ra một chọn lựa khác hoặc suy nghĩ lại quyết định tự tử của mình.
Bác sĩ Khoa Tâm thần Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám, tư vấn cho bệnh nhân trầm cảm
Điều gì khiến nhiều người tự lấy đi mạng sống của mình?
Chúng tôi đến Khoa Tâm thần Bệnh viện Đa khoa tỉnh vào một ngày cuối tuần. Đôi mắt sâu hoắm, thâm quầng sau nhiều đêm mất ngủ, người phụ nữ trung niên đang ngồi thu mình một góc, tránh sự dò xét của người khác. Sau khi khám, người phụ nữ được bác sĩ cho làm trắc nghiệm tâm lý. Trong lúc chờ kết quả, chúng tôi hỏi chuyện, người phụ nữ tỏ ra sợ sệt, e dè, ánh mắt đầy nghi ngại. Một lúc sau người phụ nữ mới chịu mở lời, trò chuyện.
Chúng tôi được biết chị lấy chồng từ năm 28 tuổi, sinh được 2 con, một trai một gái, đến cuối năm 2022 phát hiện mình bị bệnh ung thư máu. Chồng bỏ đi, một mình nuôi 2 con nhỏ lại mang căn bệnh hiểm nghèo, sức khỏe chị suy kiệt. Áp lực kiếm tiền để nuôi con nhỏ và chi phí điều trị bệnh khiến chị ám ảnh, triền miên mất ngủ, bỏ ăn, rồi thu mình trong 4 bức tường, mất hết hứng thú với mọi việc và luôn có ý định tự tử nhưng bất thành. Thấy chị quá mệt mỏi, gia đình đưa chị tới bệnh viện khám, tư vấn.
Bác sĩ Phan Đăng Cửu, Trưởng khoa Tâm thần Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: “Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, quá trình đô thị hóa, những khó khăn, áp lực trong công việc ngày càng gia tăng đã tạo ra mâu thuẫn trong gia đình, xã hội. Nếu chúng ta không đáp ứng được áp lực, sự thay đổi sẽ dễ dẫn đến tình trạng trầm cảm và hàng loạt bệnh lý khác. Lâu ngày người bệnh càng trở nên buồn chán, suy nghĩ bi quan, nặng hơn nữa là có ý định tự tử”.
Điều gì đã khiến nhiều người tự lấy đi mạng sống của mình? Theo bác sĩ Phan Đăng Cửu, ở những người không bị trầm cảm hay tuyệt vọng, khó có thể hiểu được nguyên do. Thống kê cho thấy nhóm người có nguy cơ tự tử thường mắc các chứng bệnh tâm thần, đặc biệt là trầm cảm; người mắc các bệnh mãn tính dai dẳng, ung thư; người có sử dụng các chất ma túy, bia rượu quá mức; người gặp khó khăn, bế tắc trong công việc, học tập, trong tình yêu và hạnh phúc gia đình; những người đã có hành vi tự tử bất thành trước đây. Đặc biệt gần đây, điều đáng chú ý là có đối tượng trẻ vị thành niên tự tử khi có những xung đột nhất thời trong gia đình, bạn bè và xã hội.
Một người có ý định tự tử thường đau khổ đến mức họ không thể thấy một lựa chọn nào khác. Tự tử là một nỗ lực trong tuyệt vọng nhằm trốn tránh nỗi đau đã trở nên quá mức chịu đựng. Họ không thể thấy biện pháp giải tỏa nào ngoài cái chết. Tuy nhiên, những người đang có ý định tự tử thường cảm thấy mâu thuẫn sâu sắc về việc tự kết thúc cuộc đời mình. Họ mong ước có một giải pháp khác ngoài việc tự tử, nhưng họ không thể tìm được. Do đó, cần có người nói chuyện cởi mở, giúp đỡ tư vấn, quan tâm để giúp người có ý định tự tử đưa ra một chọn lựa khác hoặc suy nghĩ lại quyết định của mình.
Dấu hiệu cảnh báo, trợ giúp người có ý định tự tử
Để giúp ngăn ngừa tự tử trong cộng đồng, điều quan trọng là biết các dấu hiệu cảnh báo, quan tâm chia sẻ, thấu hiểu, trợ giúp những người có ý định tự tử.
Khi nghi ngờ một ai đó có ý định tự tử thì cần ngăn chặn bằng cách sử dụng những biện pháp sau:
- Tiếp cận với đối tượng, trao đổi để tìm hiểu về những khó khăn, bế tắc hiện tại, giúp họ vượt qua khủng hoảng và có suy nghĩ, hành động tích cực hơn. Hãy điềm tĩnh, chấp thuận những lời họ nói mà không phán xét, không tranh luận đúng sai về những gì họ đang nói. Tạo niềm tin, hy vọng cho họ để họ nhận ra rằng xung quanh họ còn nhiều sự giúp đỡ, còn nhiều người thân, nhiều việc quan trọng với họ và cuộc sống của họ rất có ý nghĩa.
- Khuyến khích họ thay đổi lối sống lành mạnh, lạc quan như tham gia vào các hoạt động thể dục thể thao, ăn, ngủ điều độ, không sử dụng các chất kích thích.
- Thường xuyên liên lạc và cung cấp cho họ những địa chỉ tư vấn tâm lý tin cậy để khi gặp khó khăn họ có thể tìm kiếm sự giúp đỡ.
- Loại bỏ những phương tiện mà đối tượng có khả năng dùng để tự tử, không cho họ đến gần những địa điểm nguy hiểm như nhà cao tầng, cầu, sông, hồ...
- Khi học sinh và trẻ vị thành niên gặp áp lực, phụ huynh cần kiên nhẫn lắng nghe, quan tâm, thầy cô gần gũi bảo ban nhẹ nhàng để giúp các em vơi bớt ý nghĩ tiêu cực nhất thời. Gia đình và người thân có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nhận biết sớm các hành vi bất ổn về tâm lý dù là nhỏ nhất.
Tự tử là một cái chết có thể ngăn chặn được, điều quan trọng đối với mỗi chúng ta là không ngừng quan tâm, chăm sóc sức khỏe tinh thần của bản thân, gia đình, bạn bè và cộng đồng để phòng ngừa tự tử.
“Tự tử là một vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi. Mỗi trường hợp tự tử là một bi kịch bởi nó tác động mạnh mẽ và rất lâu đối với gia đình, bạn bè và cộng đồng. Gánh nặng tự tử không chỉ đè nặng lên ngành y tế mà còn tác động đến nhiều lĩnh vực. Tổ chức Y tế Thế giới đã chọn ngày 10-9 hàng năm là ngày ngăn ngừa tự tử thế giới. Với chủ đề “Tạo niềm hy vọng thông qua hành động”, Ngày Thế giới phòng, chống tự tử như một lời kêu gọi tất cả chúng ta, thành viên gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, thành viên cộng đồng, nhà giáo dục, lãnh đạo tôn giáo, chuyên gia chăm sóc sức khỏe, quan chức chính trị và chính phủ hãy hành động mạnh mẽ để ngăn chặn hành vi tự tử”. (Bác sĩ Phan Đăng Cửu, Trưởng khoa Tâm thần Bệnh viện Đa khoa tỉnh) |
HOÀNG LINH - DIỆU HƯƠNG