Hãy đưa trẻ 7 tuổi tiêm bổ sung vắc xin uốn ván - bạch hầu giảm liều

Thứ sáu, ngày 23/10/2020

(BDO) Thực hiện kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin uốn ván - bạch hầu giảm liều (Td) cho trẻ 7 tuổi trong tiêm chủng mở rộng năm 2020, ngành y tế Bình Dương đã triển khai, hoàn thành đợt 1 đạt kết quả. Hiện nay, ngành y tế đang triển khai đợt 2 tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn cho những trẻ không đi học và tiêm vét cho những trẻ hoãn tiêm ở đợt 1.

 Trẻ 7 tuổi được tiêm vắc xin Td tại điểm tiêm lưu động phường Dĩ An, TP.Dĩ An

 Hoàn thành đợt 1 đạt kết quả

Từ ngày 5 đến 16-10, ngành y tế tỉnh đã tổ chức chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin uốn ván - bạch hầu giảm liều (Td) cho trẻ 7 tuổi tại các điểm tiêm lưu động ở các trường tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh. Theo ghi nhận của chúng tôi, tại các điểm tiêm lưu động đều có cán bộ trung tâm y tế huyện, thị, thành phố thường trực hỗ trợ, giám sát. Các điểm tiêm được tổ chức khoa học từ khâu đón tiếp, bàn khám phân loại, bàn tiêm, khu vực chờ và khu vực theo dõi trẻ 30 phút sau tiêm. Công tác tiếp nhận, bảo quản, cấp phát vắc xin và vật tư tiêm chủng cũng được thực hiện nghiêm ngặt theo đúng quy định, bảo đảm chất lượng vắc xin... Có thể khẳng định, thành công trong đợt 1 là do sự chỉ đạo từ Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cùng sự quan tâm vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, ngành giáo dục - đào tạo. Trong đó, hơn hết là tỉnh thực hiện tốt công tác truyền thông nên các huyện, thị, thành phố đều thực hiện đúng kế hoạch đề ra.

Số liệu thống kê trong đợt 1 triển khai chiến dịch, toàn tỉnh dự kiến có khoảng 45.000 trẻ 7 tuổi được tiêm bổ sung vắc xin Td. Tổng kết đợt 1, số trẻ 7 tuổi trên toàn tỉnh được tiêm bổ sung vắc xin Td đạt 59,3%. Thực tế quá trình triển khai đợt 1 tuy được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Y tế, sự phối hợp của ngành giáo dục - đào tạo nhưng do ảnh hưởng của thời tiết khiến trẻ mắc các bệnh đường hô hấp cao dẫn đến trường hợp hoãn tiêm nhiều, như trường Tiểu học Tân Phước Khánh A, trường Tiểu học Thường Tân. Trong khi đó, một số phụ huynh còn e ngại về vắc xin tiêm chủng và chiến dịch tiêm được tổ chức tại trường học nên đề nghị cho trẻ tiêm chủng tại các cơ sở tiêm ngừa dịch vụ. Để khắc phục hạn chế này, các địa phương trong tỉnh cần phối hợp chặt với nhà trường, vận động phụ huynh đưa trẻ đi tiêm trong đợt 2.

Tiếp tục triển khai chiến dịch đợt 2

Theo kế hoạch, đợt 2 của chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin Td diễn ra từ ngày 19 đến 23-10 hoặc đến hết tháng 10 tại trạm y tế xã, phường, thị trấn cho những trẻ không đi học và tiêm vét tại các trường học cho những trẻ hoãn tiêm ở đợt 1. Rút kinh nghiệm từ đợt 1, trong đợt 2 này, các địa phương tăng cường phối hợp chặt chẽ với nhà trường đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động phụ huynh tiêm vét cho học sinh; rà soát đối tượng trong cộng đồng, bảo đảm không để sót các đối tượng trong diện tiêm. Công tác tổ chức tiêm luôn bảo đảm an toàn tiêm chủng, phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ở các khu vực theo dõi sau tiêm, các điểm tiêm bố trí nhân viên y tế tư vấn sau tiêm và nâng cao khả năng xử trí trong trường hợp có các ca phản ứng nhẹ sau tiêm.

Bác sĩ Quách Hoàng Mỹ, phụ trách khoa phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: “Ở chiến dịch này, đối tượng áp dụng dành cho tất cả học sinh đang học lớp 2, năm học 2020-2021 và trẻ không đi học đang ở tại địa phương, không phân biệt hộ khẩu thường trú hay tạm trú, có ngày sinh từ ngày 1-1-2013 đến 31-12-2013. Nguyên tắc thực hiện, mỗi trẻ chỉ tiêm bổ sung 1 mũi vắc xin Td để ngăn chặn sự quay trở lại của bệnh bạch hầu. 2 trường hợp không được tiêm vắc xin Td là trẻ đã tiêm vắc xin có chứa thành phần uốn ván hoặc bạch hầu trong thời gian 1 tháng trước khi triển khai tiêm bổ sung vắc xin Td. Trường hợp nữa là trẻđãđược tiêm vắc xin Td tại 30 tỉnh, thành phốnguy cơ cao năm 2019 theo Quyết định số3777/QĐ-BYT của BộY tếvề việc phê duyệt kế hoạch tiêm bổ sung vắc xin Td năm 2019.

Liên quan đến vắc xin Td, ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: “Tiêm vắc xin Td cho trẻ 7 tuổi có vai trò quan trọng, giúp củng cố miễn dịch của trẻ, chủ động phòng bệnh uốn ván - bạch hầu. Vắc xin Td được sử dụng trong chiến dịch lần này là vắc xin do Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) sản xuất và được cấp phép, lưu hành tại Việt Nam, lọ 10 liều, dạng dung dịch. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), để chủ động phòng bệnh uốn ván - bạch hầu cần tiêm vắc xin có thành phần uốn ván - bạch hầu cho trẻ em với lịch tiêm chủng 6 mũi lần lượt là trước 1 tuổi tiêm 3 mũi, 12 - 23 tháng tiêm mũi 4, 4 - 7 tuổi tiêm mũi 5 và khi 9 - 15 tuổi tiêm mũi 6. Các nước nên triển khai vắc xin phối hợp uốn ván - bạch hầu giảm liều thay vì dùng vắc xin bạch hầu đơn giá sẽ giúp phòng hiệu quả đồng thời hai bệnh truyền nhiễm nguy hiểm”.

 Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: Tại Bình Dương, từ năm 2018 đến thời điểm hiện tại chưa ghi nhận ca bệnh bạch hầu, uốn ván sơ sinh nào. Hiện do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, trong 6 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ tiêm chủng vắc xin DPT-VGB-HIB mũi 3 của các trẻ còn thấp. Hơn nữa, Bình Dương lại là tỉnh đông công nhân lao động, dân cư thường xuyên biến động, nhiều trường hợp đến tiêm ở các cơ sở dịch vụ bên ngoài chưa được thống kê, báo cáo mũi tiêm đầy đủ. Điều này dễ dẫn đến việc trẻ bị bỏ sót mũi tiêm và có thể gây bùng phát dịch bệnh. Vì vậy để chủ động phòng ngừa bệnh bạch hầu, uốn ván, tất cả trẻ 7 tuổi trên địa bàn”.

 KIM HÀ