Hãy có trách nhiệm sau tay lái!

Thứ tư, ngày 15/06/2022

(BDO) Hơn ai hết, những gia đình có người thân bị tai nạn giao thông (TNGT) hiểu được nỗi đau mà nó mang lại là không gì bù đắp được. Trong một lá đơn gửi đến báo Bình Dương, anh D. cho biết sau khi anh trai mình qua đời vì TNGT, gia đình anh gặp nhiều khó khăn vì đây là lao động chính của gia đình. Hai đứa con của nạn nhân giờ cũng chỉ biết trông cậy vào ông bà nội đã già vì trước khi xảy ra vụ tai nạn, cha mẹ chúng đã ly hôn. Họ cũng là những “nạn nhân” của TNGT.

Theo người nhà nạn nhân, tai nạn xảy ra khi anh T. đang trên đường đi làm về. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do tài xế xe ô tô thiếu chú ý quan sát và không giữ khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền kề phía trước, dẫn đến gây tai nạn với anh T. là người điều khiển xe máy khiến nạn nhân tử vong do chấn thương sọ não.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân TP.Thủ Dầu Một thì tài xế chạy xe ô tô bị truy tố theo khoản 1, Điều 260 Bộ luật Hình sự, có khung hình phạt cao nhất đến 5 năm tù giam. Người có lỗi nếu bị tuyên án tù thì sau thời gian chấp hành án có thể về với gia đình, làm lại cuộc đời. Còn người không có lỗi, những nạn nhân mãi mãi không về được nữa! Còn nỗi đau nào hơn dành cho người thân của họ?

TNGT luôn để lại nỗi đau cho biết bao gia đình. Tuy nhiên, hiện nay con số đáng lo ngại là tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ vẫn đang ở mức cao. Số vụ tai nạn khó giảm theo các tiêu chí mà cơ quan chức năng đặt ra. Có nhiều nguyên nhân gây tai nạn, nhưng chủ yếu vẫn là ý thức của người tham gia giao thông. Đáng nói là sau khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn có hiệu lực, nhiều người tỏ ra “nhát” với rượu bia khi tham gia giao thông, tuy nhiên tình hình hiện nay lại trở về như cũ. Dần dần nhiều người có lẽ đã quên mức xử phạt rất nghiêm khắc đối với hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong hơi thở có nồng độ cồn.

Thực tế thời gian qua các tổ công tác của lực lượng Cảnh sát giao thông đã phát hiện nhiều trường hợp sau khi “quá chén” vẫn ôm vô lăng bon bon trên đường, đặc biệt là về đêm và trong những ngày cuối tuần. Có lẽ chính vì vậy mà nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến tài xế đã “quá chén” xảy ra nhiều hơn.

Để không còn những nỗi đau vì TNGT, đừng để vi phạm rồi bị xử lý bởi các chế tài, có lẽ ý thức khi tham gia giao thông của mỗi người là điều cần thiết nhất. Đừng để khi xảy ra sự cố thì cần các cơ quan chức năng phân định ai đúng, ai sai, khi đó người đúng mãi mãi không hiểu vì sao mình mất mạng. Hãy có trách nhiệm sau tay lái để có cách ứng xử phù hợp!

L.T.PHƯƠNG