Hậu quả khó lường từ những chiêu lừa bằng công nghệ
(BDO) Khi công nghệ ngày càng phát triển, bên cạnh những mặt tích cực cũng đi kèm những hệ lụy phức tạp. Thời gian qua, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ ngày càng phổ biến với diễn biến ngày càng phức tạp. Trên địa bàn tỉnh Bình Dương, nhiều vụ án liên quan đến tội phạm internet, viễn thông đã xuất hiện, gây hậu quả và tạo tâm lý hoang mang trong dư luận xã hội…
Phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh tổ chức hội thảo công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin năm 2018 cho đại diện hơn 100 doanh nghiệp trú đóng trong Khu công nghiệp Sóng Thần, thuộc TX.Dĩ An. Ảnh: PX15
Phương thức, thủ đoạn lừa đảo tinh vi
Sự phát triển của internet và mạng viễn thông đã mang lại nhiều hiệu quả đáng kể, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển. Bên cạnh những ưu điểm, sự đi lên của khoa học công nghệ cũng bộc lộ những mặt trái cho xã hội khi tội phạm mạng, tội phạm công nghệ cao xuất hiện ngày càng nhiều với phương thức, thủ đoạn tinh vi.
Dựa vào công nghệ, nhiều đối tượng xâm nhập tài khoản của các tổ chức, cá nhân để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản một cách hết sức tinh vi. Đối tượng thường tấn công, xâm nhập vào cơ sở dữ liệu của một số doanh nghiệp, ngân hàng để đánh cắp hoặc giả mạo thông tin cá nhân, từ đó lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chẳng hạn, chúng lợi dụng sự bất cẩn trong việc giao dịch qua email của nhân viên khi không kiểm tra kỹ địa chỉ email đến trước khi gửi (thường sử dụng chức năng “forward”, “reply” và đặc biệt là không xác nhận bằng điện thoại, fax khi có thay đổi ngân hàng, tài khoản).
Ngoài việc tạo các địa chỉ email giả mạo, kẻ gian còn tấn công và chiếm quyền điều khiển hệ thống máy chủ Email (Mail server) của doanh nghiệp. Qua đó, nắm được thông tin về các hợp đồng kinh tế với các khách hàng của doanh nghiệp; tạo ra một địa chỉ Email giả mạo gần giống địa chỉ Email thật của doanh nghiệp để thực hiện giao dịch với khách hàng, từ đó chiếm đoạt tiền của khách hàng.
Phổ biến nhất trong thời gian gần đây là thực trạng lừa đảo trên mạng xã hội (Facebook, zalo, viber, intergram…). Các đối tượng xấu thường gửi tin nhắn thông báo trúng thưởng đến nạn nhân. Cuối tin nhắn là mục hướng dẫn người bị hại truy cập vào website để làm hồ sơ thủ tục nhận giải thưởng và liên hệ vào số điện thoại của đối tượng. Để tạo sự tin tưởng cho các nạn nhân, các đối tượng thường tạo ra các trang web với nhiều giấy chứng nhận của cơ quan chức năng đã được cắt dán từ các trang web chính thống, xây dựng kịch bản để trao đổi với nạn nhân. Để nhận thưởng, nạn nhân phải nộp phí nhận thưởng qua thẻ cào điện thoại vào số điện thoại trên website thông báo trúng thưởng. Từ đó, toàn bộ số tiền bị chiếm đoạt.
Nắm bắt tình hình phổ biến của mạng xã hội hiện nay, đối tượng xấu thường tạo tài khoản để kết bạn làm quen với đối tượng là phụ nữ. Sau đó nói chuyện về tình cảm, hứa hẹn kết hôn và gửi tặng quà, tiền để chuẩn bị làm đám cưới. Khi bị hại tin tưởng, đối tượng tiếp tục giả danh nhân viên hải quan yêu cầu đóng phí, tiền phạt thông qua tài khoản ngân hàng và nhanh chóng rút toàn bộ số tiền trong tài khoản.
Theo Thượng tá Phan Thanh Bình, Phó Trưởng phòng An ninh kinh tế - Công an tỉnh, một phần nguyên nhân là do công tác quản lý của nhà nước về công nghệ thông tin (CNTT), viễn thông, internet còn nhiều sơ hở; hệ thống pháp luật chưa đầy đủ và chưa theo kịp tình hình thực tế; lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm mạng, tội phạm công nghệ cao còn hạn chế về số lượng; trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng ngừa, đấu tranh đối với loại tội phạm này còn thiếu, lạc hậu, chưa đáp ứng sự phát triển của CNTT. Mặt khác, quan trọng hơn là nhận thức của các tổ chức, cá nhân về tội phạm mạng, tội phạm công nghệ cao còn hạn chế, chưa quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu về phương thức, thủ đoạn để nâng cao cảnh giác và chủ động phòng ngừa. Do chủ quan nên người dùng mạng thường không để ý khi trao đổi thông tin trên không gian mạng, không bảo mật thông tin cá nhân cũng như chia sẻ những thông tin cá nhân, riêng tư trên mạng xã hội, từ đó tạo cơ hội cho kẻ gian lợi dụng để thực hiện hành vi lừa đảo”.
Cần nâng cao tinh thần cảnh giác
Hậu quả từ những trò lừa trên “thế giới mạng” là có thật. Từ giữa năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận nhiều đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Toàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ liên quan đến sử dụng tài khoản email, chiếm đoạt số tiền 139,847.52 USD. Trên địa bàn tỉnh cũng xảy ra 8 vụ lừa đảo trên mạng xã hội với số tiền chiếm đoạt là hơn 365,961,000 VNĐ.
Liên quan đến mạng viễn thông, xảy ra 4 vụ, trong đó đối tượng sử dụng phương thức gửi tin nhắn, gọi điện đe dọa, thông báo người thân gặp nạn, vi phạm pháp luật… từ đó yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản của chúng để chiếm đoạt. Số tiền chiếm đoạt lên đến 1,7 tỷ đồng.
Trước diễn biến phức tạp của tội phạm sử dụng công nghệ cao, lực lượng Công an tỉnh đã chủ động nắm tình hình, kịp thời phát hiện những phương thức, thủ đoạn mới của đối tượng xấu cũng như những địa bàn trọng điểm để kịp thời có biện pháp phòng ngừa.
Nói về công tác đấu tranh phòng ngừa, Thượng tá Phan Thanh Bình, Phó Trưởng phòng An ninh kinh tế - Công an tỉnh, cho biết thêm: “Chúng tôi thường xuyên phối hợp với cơ quan hữu quan tổ chức tuyên truyền giáo dục, thông báo tình hình, phương thức thủ đoạn tội phạm mạng, tội phạm công nghệ cao cho các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh biết để chủ động phòng ngừa. Phòng An ninh kinh tế cũng phối hợp với các đơn vị truyền thông, các ngân hàng, kho bạc triển khai biện pháp bảo mật cơ sở dữ liệu, thông tin khách hàng; kịp thời cảnh báo khách hàng chuyển tiền qua tài khoản với mục đích không rõ ràng, không rõ địa chỉ người nhận, ngân hàng ở nước ngoài; đồng thời, tổ chức hội thảo về an toàn, an ninh thông tin tại các khu, cụm công nghiệp, các địa phương trong tỉnh. Chúng tôi khuyến cáo người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, tránh chủ quan trong các giao dịch thương mại bằng Email. Trước khi tìm hiểu kỹ thông tin, khách hàng không nên xác nhận bằng điện thoại, Fax khi có thay đổi về số tài khoản, địa chỉ ngân hàng”.
TÂM TRANG