Hậu phương vững chắc

Thứ hai, ngày 25/08/2014

 “Hiện mẹ không còn nghe ai nói gì, những câu chuyện con cháu, làng xóm xung quanh đã khép lại. Nhưng câu chuyện cuộc đời mẹ, thế hệ con, cháu chúng tôi mãi mãi khắc ghi”, đó là lời tâm sự của cán bộ Xóa đói giảm nghèo - Trẻ em xã Phú An (TX. Bến Cát) Nguyễn Thái Hiền về Mẹ VNAH Nguyễn Thị Đã (ấp Bến Liễu, xã Phú An).

(BDO)

Dù sức khỏe đã yếu nhưng mẹ vẫn theo dõi cháu học tập và thường xuyên nhắc nhở cố gắng học tốt  Ảnh: THIÊN LÝ

Ở cái tuổi 81, tai mẹ Đã không còn nghe gì dù nói lớn tiếng. Để biết về cuộc đời mẹ, sự hy sinh của các liệt sĩ (LS) trong gia đình, chúng tôi phải nhờ sự trợ giúp của anh Võ Văn Vững - con trai mẹ. Anh Vững hiện đã có vợ và 2 con. Anh sống với mẹ từ lúc lọt lòng. Từ chuyện ba anh đi theo cách mạng, ngày hy sinh; chuyện anh trai làm du kích xã Phú An từ khi còn rất trẻ, anh được mẹ kể tường tận.

Ba anh Vững, LS Võ Văn Chánh, sinh năm 1923. Ông hoạt động cách mạng năm 1955 tại xã Phú An. Trong một lần đi công tác, ông bị phục kích và hy sinh (1971) lúc đang giữ chức vụ Trưởng ban Tài chính xã Phú An. Ông Chánh mất được 1 năm, năm 1972, người con của mẹ Đã tên Võ Văn Minh (SN 1952) tham gia du kích xã Phú An cũng hy sinh. Hai năm mẹ chịu đựng nỗi đau mất đi 2 người thân trong gia đình. Thế nhưng, mẹ cũng như những người phụ nữ thời đó luôn kiên định, dù đau thương vẫn không mềm lòng. Mẹ và chị em phụ nữ xã tiếp tục làm kinh tế, góp gạo nuôi quân.

Chiến tranh ác liệt vô tình cướp đi của mẹ chồng (LS Võ Văn Chánh), người con trai (LS Võ Văn Minh). Mẹ còn mất đi 5 người con, các anh chị chết do bệnh tật, vất vả của những ngày chạy giặc. Những năm 1971, 1972, giặc càn vùng đất Phú An, nhiều người dân trong xã phải tản cư ra các khu vực lân cận. Mẹ Đã đưa các con về Sài Gòn ở nhờ nhà bà con, sau đó đưa về sống tại Tân Định và về lại Phú An năm 1975. Cuộc sống nay đây mai đó, lần lượt cướp đi của mẹ 5 người con khi tuổi đời còn rất trẻ. Mẹ còn lại 4 người con, Võ Văn Hòa (SN 1955), Võ Thị Thuận (1958), Võ Văn Vững (1960), Võ Thị Trót (1963).

Giờ đây, mẹ cùng các con sống đầm ấm tại ấp Bến Liễu, xã Phú An. Mẹ luôn tự hào vì có chồng, con hy sinh cho cách mạng. Các con mẹ mất đi, cũng đã mồ yên mả đẹp. Mẹ sức khỏe yếu, tai không nghe gì nhưng chưa bao giờ ngừng giáo dục con cháu đạo lý làm người, sống thương yêu, nỗ lực học tập để mai này giúp cho đất nước. Được mẹ giáo dục từ nhỏ, 4 người con của mẹ đều có việc làm ổn định, có người làm ở Hội Nông dân xã Phú An, người buôn bán, làm nông nghiệp… Mẹ còn tự hào hơn khi các cháu có đứa làm sĩ quan tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, dân quân thường trực Ban Chỉ huy Quân sự xã Phú An; nhiều cháu nỗ lực học tập, liên tục đạt thành tích cao.

Anh Vững tâm sự: “Mẹ thường hay kể ba tôi là người đàn ông chuẩn mực của gia đình. Dù tham gia cách mạng ít khi về nhà nhưng mỗi khi ghé về ông đều nhắc nhở các con nghe lời mẹ. Biết mẹ vất vả để nuôi các con nên ông động viên mẹ cố gắng. Nghe những lời tâm sự về kháng chiến, lời động viên của chồng, mẹ càng hiểu giá trị của một người phụ nữ có chồng, con tham gia cách mạng. Mẹ phải nỗ lực là hậu phương vững chắc cho chồng, con yên tâm công tác”.

 THIÊN LÝ