Hậu Covid-19, nhiều người đi khám tâm lý, tâm thần

Thứ tư, ngày 27/10/2021

(BDO) Tháng 8.2021, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM có 62 lượt bệnh nhân mới; sang tháng 9 con số này tăng lên 253. Đáng chú ý, chỉ 2 tuần đầu tháng 10 đã có đến 535 lượt bệnh nhân khám mới.

Trầm cảm vì thấy nhiều người mắc Covid-19

Sáng 20.10, một nam bệnh nhân (BN) đến khám tại Bệnh viện (BV) Tâm thần TP.HCM và kể với bác sĩ (BS) rằng cả mùa dịch anh không có việc làm, phải đi vay mượn để sinh sống qua ngày, bản thân anh có bệnh rối loạn lo âu đang điều trị. Khi số tiền mượn nhiều lên nhưng vẫn không có việc làm để trả nợ, BN cảm thấy những vấn đề của mình mỗi ngày lại trầm trọng hơn và đề nghị BS điều chỉnh toa thuốc để BN có thể ngủ được, không nhức đầu, chóng mặt, không khó chịu thường xuyên nữa…

 

Bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Tâm thần TP.HCM ngày 20.10

Một nữ BN khác ngoài 60 tuổi đến khám với tâm sự: Khi thấy hàng xóm nhiễm Covid-19, có người qua đời, bà rơi vào trạng thái trầm cảm, không nói chuyện, không tiếp xúc với ai, luôn sợ sệt và không dám ở nhà một mình. “Với BN này, BS cho dùng thuốc, kết hợp tâm lý và phải có người thân bên cạnh nâng đỡ, động viên”, BS Chu Thị Dung, Phó khoa Khám bệnh, BV Tâm thần TP.HCM, nói.

Còn theo BS Trần Minh Khuyên, Trưởng khoa Tâm thể, Phòng khám BV Đại học Y Dược 1, có BN gọi điện tham vấn ý kiến BS vì lo lắng kéo dài về chuyện thiếu ăn, thiếu thu nhập…, những điều mà trước đây họ chưa bao giờ phải đối mặt. Có người thì bị ám ảnh bởi số ca nhiễm, số ca tử vong…

Coi chừng “đi lạc” chuyên khoa

BS Chu Thị Dung cho biết, sau thời gian giãn cách xã hội, người dân bị tác động về mặt kinh tế và về tâm thần. Hiện số BN mới (chưa có vấn đề tâm thầm trước đó) đến khám nhiều hơn so với trước khi có dịch Covid-19, chủ yếu là người ở TP.HCM. Tháng 8.2021, BV có 62 lượt BN mới; tháng 9 tăng lên 253; và chỉ 2 tuần đầu tháng 10 đã có đến 535 lượt BN khám mới. Các BN khám mới chủ yếu là lo âu, trầm cảm. Ngoài ra, cũng có BN cũ nặng hơn do dịch bệnh không đến khám được dù mua thuốc uống ở nhà.

Theo BS Trần Minh Khuyên, sau giãn cách xã hội, những người chưa bao giờ bị bệnh liên quan tâm thần thì nay đến khám với triệu chứng stress, lo âu rất nhiều. “Trong đó có nguyên nhân từ trạng thái sinh hoạt bình thường, đột ngột phải ở yên tại nhà, không được phép ra đường, không được thoải mái sinh hoạt, giải trí, giao tiếp… dẫn đến bức xúc, căng thẳng”, BS Khuyên lý giải và cho biết thêm: Người bị stress có những biểu hiện như lo lắng, bồn chồn, bất an, mất ngủ, hồi hộp… và dễ dẫn đến tình trạng nặng hơn là rối loạn lo âu lan tỏa.

“Có ngày tôi khám đến 15 BN. Có BN vào phòng khám chỉ ngồi khóc. Không chỉ người dân mà thậm chí nhân viên y tế cũng gặp phải những vấn đề này, nhiều nhân viên y tế bị ám ảnh chết chóc”, BS Khuyên cho biết.

Theo BS Trần Minh Khuyên, nhiều người chưa hiểu stress tác động đến hệ thống thần kinh thực vật đưa đến tình trạng rối loạn lo âu và xảy ra hàng loạt hội chứng… Nếu điều trị riêng lẻ từng chuyên khoa, BN sẽ không bao giờ khỏi bệnh. Nhưng bản thân BN cũng không biết họ bệnh gì nên “đi lạc” chuyên khoa. “BN xuất hiện một số triệu chứng dễ nhầm lẫn với các bệnh khác và được điều trị nhưng không khỏi thì nên nghĩ đến đi khám chuyên khoa tâm thần, tâm lý để được chẩn đoán và điều trị cho đúng”, BS Khuyên nói.

Theo TNO