Hát vang những ca khúc tháng tư
(BDO) “Tiến về Sài Gòn, ta quét sạch giặc thù. Hướng về đồng bằng, ta tiến về thành đô. Nước nhà còn chờ, trận cuối là trận này. Tiến về đồng bằng, giải phóng thành đô...” (trích từ bài hát Tiến về Sài Gòn của cố nhạc sĩ Lưu Hữu Phước).
Trong khí thế của những ngày tháng tư lịch sử, cùng nghe lại những ca khúc mừng Đại thắng mùa xuân 1975, chúng tôi như có dịp ngược dòng thời gian trở về với những năm tháng hào hùng của mùa xuân năm ấy. Theo dòng lịch sử, những năm 1969, phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” được khởi xướng và phát triển mạnh mẽ. Những sinh viên đến giảng đường để trở thành kỹ sư, giáo sư nhưng lòng yêu nước đã tự ôm đàn. Miệng hát, tay vỗ, đôi mắt rực sáng ý chí đấu tranh, kêu gọi đồng bào cùng “dậy mà đi” đứng lên quyết giành lại dòng sông, giành lại thành phố, giành lại quê hương.
Tiết mục “Những người con của mảnh đất anh hùng” của vũ đoàn Quang Lâm trong chương trình văn nghệ chào mừng 42 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước tại đường Nguyễn Du (TP.Thủ Dầu Một). Ảnh: M.HIẾU
“Hát cho dân tôi nghe tiếng hát tung cờ ngày nào/ Hát cho đêm thiên thu lửa cháy bên trại giặc thù/ Hát âm u trong đêm muôn cánh tay đang dậy lên/ Hát cho anh công nhân xiềng xích như mây tan hoang/ Hát cho anh nông dân bỏ cày theo tiếng loa vang…”. Từ buổi lửa trại nhỏ cho đến những đêm văn nghệ lớn, từ vài chục, vài trăm cho đến hàng ngàn sinh viên, học sinh tuổi mười tám đôi mươi ở các đô thị miền Nam trong vùng bị tạm chiếm đã nhờ những ca khúc “Hát cho dân tôi nghe”, “Dậy mà đi” mà tìm đến nhau, mà nắm tay nhau cùng xuống đường đấu tranh, giành lại hòa bình, độc lập cho đất nước, bất chấp lựu đạn cay, dùi cui của cảnh sát luôn chực chờ dội xuống đầu, bất chấp những chiếc còng sắt, những cánh cửa nhà tù hăm he khóa chặt tuổi xuân. “Hôm qua (hôm qua) chưa hề vác nặng em chưa từng vượt suối qua bưng/ Em chưa từng dãi nắng dầm mưa/ Hôm nay (hôm nay) em là chiến sĩ vai dạn dày vững vàng bước chân/ Lòng người đang độ mùa xuân/ Trào dâng niềm vui đánh Mỹ dẫu hiểm nguy em không nề…”. Những sinh viên xếp bút nghiêng xuống đường tranh đấu. Những bà mẹ tóc bạc da mồi vẫn âm thâm nuôi giấu quân giải phóng, những cô gái tuổi xuân phơi phới không ngại mưa bom lửa đạn, dù tiền tuyến hay hậu phương… đều chung lòng và chung niềm tin tất thắng.
Sau 42 năm hòa bình, Bình Dương đang từng bước vươn mình phát triển và được nhiều người biết đến là nơi “đất lành chim đậu”. Nơi đây còn là quê hương thứ hai của biết bao người con từ khắp mọi miền đất nước đến sinh sống và lập nghiệp. Bên cạnh đó, Bình Dương cũng là nơi lưu lại những giá trị văn hóa truyền thống và tinh thần của dân tộc. Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua tỉnh luôn quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, một trong số đó là nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ. Và mới đây, trong tháng 4-2017, Bình Dương đăng cai tổ chức Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ II, góp phần tích cực vào việc bảo tồn, phát triển và lan tỏa nghệ thuật đờn ca tài tử, giúp các thế hệ tiếp nối, kế thừa và phát huy mạnh mẽ những giá trị văn hóa của dân tộc.
Hòa trong không khí của những ngày tháng tư mang đầy dấu ấn lịch sử này, cùng nghe lại những ca khúc hát về Bình Dương, nhiều người yêu nhạc đã trào dâng những cảm xúc phấn khởi tự hào. Từ dạt dào tình cảm với những ca từ lãng mạn với Bình Dương một khúc tình quê của Võ Đông Điền, Tháng tư Bình Dương của Phan Hữu Lý… hay sôi động trẻ trung với Hát về thành phố trẻ của Phạm Đắc Hiến, Bình Dương thành phố tôi yêu của Thanh Sử, Mùa xuân trên thành phố mới Bình Dương của Nguyễn Văn Luân…
Trong những chương trình văn nghệ chào mừng 42 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2017), chúng tôi đã có dịp cùng các bạn trẻ khắp nơi trong tỉnh nhìn lại quá khứ hào hùng của dân tộc, để từ đó hun đúc trong tim những lý tưởng sống tốt đẹp. Phải sống, rèn luyện, phấn đấu và cống hiến nhiều hơn nữa để góp phần xây dựng quê hương Bình Dương ngày càng giàu mạnh, vững bền.
THỤC VĂN