Hát vang khúc hát tự hào về người lính
(BDO) Trải qua các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, hình ảnh người lính luôn là niềm tự hào của dân tộc. Tôn vinh người lính bằng âm nhạc, nhiều tác giả, nhạc sĩ đã viết nên những bản hùng ca bất hủ… Trong nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật ở Bình Dương, hình ảnh người lính luôn tỏa sáng trên các mặt trận dựng xây quê hương.
Một tiết mục văn nghệ của Trung tâm Văn hóa Thông tin - Thể thao TP.Thủ Dầu Một
Hát vang bài ca người lính
Hòa mình trong không khí ấm áp nghĩa tình của ngày họp mặt Kỷ niệm 60 năm thành lập Đoàn Văn công giải phóng tỉnh Thủ Biên (nay là Đoàn Ca múa nhạc Dân tộc Bình Dương), chúng tôi càng cảm nhận sâu sắc hơn tinh thần yêu nước của những nghệ sĩ cách mạng Bình Dương. Hình ảnh người lính trong các tiết mục văn nghệ chào mừng càng gợi nhớ trong mỗi người về những năm tháng đầy hoa lửa của tuổi trẻ với: “Hát cho dân tôi nghe”, “Nhạc rừng”, “Đường Trường Sơn xe anh qua”, “Tình ca”, “Qua sông”, “Hành khúc ngày và đêm”, “Cuộc đời vẫn đẹp sao”…
Cùng nhau chia sẻ kỷ niệm, cùng nhau hát vang những bài ca về người lính, để cùng nhau tự hào “Chúng tôi là người lính Bác Hồ. Mang trên mình màu xanh đất nước. Màu xanh quê hương, màu xanh yêu thương. Từng tấc đất thấm máu cha ông. Dù cho gian lao, dù cho hy sinh. Có chúng tôi người lính sẵn sàng...” (trích trong bài hát “Chúng tôi là người lính Bác Hồ” của Hoàng Mạnh Toàn).
Kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22.12.1944 - 22.12.2020), 31 năm ngày Hội Quốc phòng toàn dân (22.12.1989 - 22.12.2020), TX.Tân Uyên đã tổ chức chương trình họp mặt. Đông đảo các đại biểu đã có dịp thưởng thức nhiều tiết mục ca ngợi người lính đầy cảm xúc. Các tiết mục được dàn dựng sân khấu hóa tái hiện tinh thần quả cảm của Quân đội nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ như: “Hò kéo pháo”, “Giải phóng Điện Biên”, “Vị tướng của chúng ta”, “Màu cờ Tổ quốc”, “Vững bước dưới cờ Đảng”, “Tân Uyên những ước mơ xanh”…
Tự hào người lính Việt Nam
Ngược dòng lịch sử tìm hiểu về quá trình hình thành và phát triển của quân đội ta, ngay từ những ngày đầu thành lập, hình ảnh người chiến sĩ với dép lốp, gậy tầm vông, giáo mác... cho tới những thời khắc “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, dũng cảm ôm bom ba càng lao vào tiêu diệt xe tăng địch, đến những chiến sĩ “nhằm thẳng quân thù mà bắn”, những câu chuyện cảm động dọc đường hành quân, bên chiến hào... thể hiện tinh thần dũng cảm, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh của bộ đội Cụ Hồ, vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Truyền thống ấy đang được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ hôm nay viết tiếp. Đó là hình ảnh những sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam tự tin, trách nhiệm khi tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; là hình ảnh Đội tuyển xe tăng Việt Nam lần đầu tiên giành huy chương vàng tại Hội thao Quân sự quốc tế Army Games năm 2020 trong cảm xúc vỡ òa của hàng triệu trái tim Việt Nam... Hình ảnh bộ đội Cụ Hồ xông pha tuyến đầu trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh Covid-19, gác mọi việc riêng để cùng cả nước làm nên điều mà nhiều quốc gia trên thế giới ngưỡng mộ, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch nguy hiểm.
Dịp này, Trung tâm Văn hóa Thông tin - Thể thao TP.Thủ Dầu Một cũng đã tổ chức biểu diễn chương trình văn nghệ tại trường Tiểu học Phú Mỹ. Bên cạnh các tiết mục ngợi ca quê hương đất nước và người chiến sĩ, chương trình còn tuyên truyền đến khán giả nhiều thông tin bổ ích về an toàn giao thông qua tiểu phẩm “Giao thông phải an toàn” của đạo diễn Đức Dũng.
Với sự dàn dựng công phu và đặc sắc, chương trình đã góp phần tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, niềm tự hào về lịch sử, truyền thống vẻ vang của đất nước và quân đội, qua đó, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, yêu đất nước; giáo dục, nâng cao nhận thức về chủ quyền biển, đảo Việt Nam cho cán bộ và nhân dân; củng cố niềm tin vào những chiến sĩ đã và đang sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; giáo dục truyền thống yêu nước, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc đối với toàn quân, toàn dân ta.
THỤC VĂN