Hát loa “kẹo kéo” gây ồn ào: Cần siết chặt quản lý
(BDO) Những thùng loa di động có gắn đầy đủ chức năng của một dàn hát karaoke (hay còn gọi là loa “kẹo kéo”) đang phổ biến ở rất nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, việc sử dụng những chiếc loa này đang khiến nhiều người tỏ ra phiền lòng bởi tiếng ồn… Mới đây, cái chết đau lòng của một thầy giáo vì nhắc nhở nhóm thanh niên vừa nhậu, vừa hát karaoke bằng loa “kẹo kéo” gây ồn ào xảy ra trên địa bàn TX.Thuận An đã gióng lên hồi chuông cảnh báo tình trạng mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến đời sống của người dân từ các loa “kẹo kéo”!
Án mạng từ… loa “kẹo kéo”!
Thêm một vụ án mạng nghiêm trọng mà nguyên nhân được cơ quan chức năng xác định là hát karaoke bằng loa “kẹo kéo” gây ồn ào. Vụ việc xảy ra khoảng 21 giờ ngày 7-10, Trương Văn Sĩ và La Văn Liêm (cùng 30 tuổi, quê Bạc Liêu) tổ chức ăn nhậu cùng 2 người bạn tại đường Lái Thiêu 02, thuộc KP.Bình Hòa, phường Lái Thiêu, TX.Thuận An.
Người dân theo dõi cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường vụ thầy giáo bị đâm vì nhắc nhở nhóm thanh niên hát hò gây ảnh hưởng đến sự yên tĩnh của khu dân cư
Trong lúc nhậu, nhóm của Liêm sử dụng loa “kẹo kéo” để hát karaoke. Anh N.V.P. (28 tuổi, ngụ Quảng Bình; người thuê ki-ốt đối diện khu nhà trọ để kinh doanh đồ dùng học sinh) là giáo viên dạy thể dục tại trường Tiểu học Lái Thiêu (phường Lái Thiêu, TX.Thuận An) đã qua gặp nhóm của Liêm nhắc nhở giảm bớt âm thanh thì dẫn đến mâu thuẫn, xô xát. Liêm và Sĩ dùng dao truy sát anh P. tới tận ki-ốt, đâm chém nhiều nhát khiến nạn nhân gục xuống trước sự hoảng loạn của vợ và con anh. Anh P. được người dân đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng đã tử vong.
Trở lại nơi gia đình anh P. sống, chúng tôi gặp nhiều người dân là hàng xóm của gia đình anh P., họ vẫn chưa hết bàng hoàng trước cái chết của anh. Họ cho biết nạn nhân còn trẻ, hiện đang chung sống cùng vợ và con gái nhỏ 4 tuổi. Chị Phạm Thị Thu Hường, buôn bán tạp hóa gần đó, cho biết: “Gia đình thầy giáo P. đến đây thuê ki-ốt sống được khoảng 6 năm rồi, hai vợ chồng đều làm giáo viên cùng dạy chung một trường. Mặc dù gia cảnh vợ chồng thầy P. chẳng mấy khá giả nhưng hai người này thường xuyên dạy phụ đạo không lấy tiền cho mấy đứa nhỏ trong xóm nên từ trẻ nhỏ đến người lớn đều quý gia đình thầy P.”.
Anh Đinh Văn Tuấn, ở trọ sát căn ki-ốt của anh P., cho biết: “Việc các thanh niên tổ chức ăn nhậu rồi hát loa “kẹo kéo” ở xóm diễn ra thường xuyên. Trong xóm, ai cũng bức xúc vì âm thanh chát chúa suốt ngày bên tai. Khi phản ánh đến chủ trọ thì họ đến nhắc nhở những người thuê trọ này không được hát karaoke quá lớn vào đêm khuya, gây ảnh hưởng đến bà con, nhưng chỉ được một lúc rồi đâu lại vào đó”.
Việc hát karaoke trong lúc ăn nhậu, tưởng chừng như là vui chơi lành mạnh nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự, không tự chủ bản thân sẽ dẫn đến xô xát, hậu quả khó lường.
Cần siết chặt quản lý
Theo ghi nhận, nhiều khu nhà trọ, khu dân cư ở các địa phương thuộc địa bàn TX.Thuận An, TX.Dĩ An, TX.Tân Uyên… tình trạng người dân sử dụng loa “kẹo kéo” để hát karaoke rất phổ biến. Bên cạnh đó, nhiều khu vui chơi, sinh hoạt cộng đồng như công viên Dĩ An, bờ kè Lái Thiêu… đang xuất hiện nhiều tụ điểm cho thuê loa “kẹo kéo”. Các loa này sử dụng công suất lớn gây ô nhiễm tiếng ồn nơi công cộng. Hiện đã có quy định xử lý hành vi “gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau”, tuy nhiên ngành chức năng chưa thực sự quan tâm xử lý mà vẫn chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, nhắc nhở.
Ông Phạm Phú Nam, Chủ tịch UBND phường Lái Thiêu, TX.Thuận An, cho biết: “Sự việc một thầy giáo bị đâm chết khi nhắc nhở nhóm thanh niên nhậu say hát loa “kẹo kéo” gây ồn ào xảy ra tại địa phương là việc đáng tiếc! Ngay sau khi sự việc xảy ra, chính quyền địa phương đã yêu cầu cán bộ chuyên môn phối hợp cùng lực lượng công an rà soát lại toàn bộ khu vực tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, nơi thường xuyên hát hò gây ồn ào để có giải pháp ngăn chặn. Tuy nhiên, việc xử lý tiếng ồn chưa thực sự hiệu quả, trường hợp phát hiện nơi tụ tập đông người hát karaoke gây ồn ào sẽ phải thành lập đoàn phối hợp với lực lượng chức năng liên ngành đo tiếng ồn, nhưng khi đoàn đến nơi thì các tụ điểm này đã giải tán, không hát hò lớn tiếng nữa. Hiện, chính quyền địa phương tập trung tuyên truyền, nhắc nhở các chủ kinh doanh nhà trọ, người ở trọ không hát hò lớn tiếng, gây ồn ào vào giờ cao điểm. Người dân phát hiện những tụ điểm ăn nhậu, hát karaoke quá 22 giờ sẽ thông báo đến đường dây nóng của công an phường để kịp thời xử lý”.
“Song song đó, UBND phường phối hợp với lực lượng bảo vệ công viên Lái Thiêu tiến hành kiểm tra và xử lý những tụ điểm cho thuê loa “kẹo kéo”… UBND phường cũng kiến nghị đến các cấp cần tăng cường công tác kiểm tra các trung tâm điện máy, cửa hàng buôn bán thiết bị điện tử có bán loa “kẹo kéo” nhằm kịp thời phát hiện những chiếc loa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm về điều kiện âm thanh và chất lượng sử dụng. Có như vậy, tình trạng loa “kẹo kéo” đại náo khu dân cư mới được kiểm soát, tránh gây ồn ào, xảy ra sự việc đáng tiếc!”, ông Phạm Phú Nam nhấn mạnh.
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng, chống bạo lực gia đình: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000- 300.000 đồng đối với hành vi “gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau”.
Nếu việc mở karaoke gây ra tiếng ồn vượt quá tiêu chuẩn cho phép thì có thể bị xử lý theo quy định tại Điều 17 Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18-11-2016, phạt tiền từ 1 - 160 triệu đồng. Người bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn karaoke của hàng xóm có quyền phản ánh sự việc đến UBND xã, phường hoặc công an nơi cư trú để được giải quyết, xử lý.
H.PHƯỚC - Q.TÁM