“Hạt giống đỏ” vùng Chiến khu Đ
Kỳ 2: Những hạt nhân tiêu biểu
>>Kỳ 1: Dưới ngọn cờ của Đảng
Những ngày đầu thành lập, Chi bộ Đảng Mỹ Lộc, Tân Hòa có 6 đồng chí: Năm Tôn, Chín Quỳ, Ba Liễn, Ba Cờ… Những đảng viên đầu tiên đã cùng nhân dân xây dựng lực lượng, đứng lên đấu tranh giành độc lập. Trong giai đoạn đó, 2 nhân vật kiệt xuất làm quân thù nghe danh khiếp sợ phải nhắc đến ông Năm Tôn (Lê Văn Tôn), ông Chín Quỳ (Trần Văn Quỳ).
Bà Nguyễn Thị Ga kể về cuộc đời, hoạt động cách mạng của ông Chín Quỳ
Nguời bí thư đầu tiênĐược sự hỗ trợ nhiệt tình của UBND xã Tân Mỹ (Tân Uyên), chúng tôi tìm hiểu về con người, sự nghiệp cách mạng của 2 nhân vật Lê Văn Tôn và Trần Văn Quỳ. Tại nhà thân nhân liệt sĩ Lê Văn Tôn, bà Lê Thị Chấp (SN 1931, ấp 3, xã Tân Mỹ, cháu gọi bằng cậu), chúng tôi nghe kể nhiều về người cậu, người bác dũng cảm Năm Tôn. Ông sinh năm 1904, tại Mỹ Lộc (Tân Uyên) trong gia đình có 4 người con. Ba là ông Lê Văn Lễ (mất năm 1939), mẹ Nguyễn Thị Dừa (mất năm 1938). Sau khi Chi bộ Đảng Mỹ Lộc, Tân Hòa được thành lập, ông Tôn được bầu làm bí thư chi bộ Đảng đầu tiên. Ông Tôn có vợ là Nguyễn Thị Tâm (SN 1907), con gái Lê Thị Kiều (SN 1934).
Với cương vị là bí thư, ông chọn khu vực chùa Gò Đá là nơi chi bộ thường xuyên hoạt động. Ngoài ra, ông còn liên hệ với các thầy giáo mượn trường học làm điểm tập hợp nhân dân địa phương tuyên truyền về Đảng. Trong 2 năm 1937-1938, chi bộ cử ông Tôn vận động gây cơ sở trong binh lính địch đóng tại Mỹ Lộc. Chi bộ đã góp 5 cắc bạc mua 1 bộ đồ cho ông vào gần bót địch để cắt tóc. Tại đây, ông đã vận động và gầy dựng cơ sở trong hàng ngũ địch. Thực hiện công tác chuẩn bị khởi nghĩa theo chỉ thị của Xứ ủy, Tân Uyên được chọn làm nòng cốt cho phong trào trong toàn tỉnh. Tại Mỹ Lộc, Tân Hòa, chi bộ do ông Tôn lãnh đạo đã tổ chức vận động người dân xây dựng các nhóm quần chúng trung kiên rèn dao, sắm ná, gậy tầm vông vạt nhọn chuẩn bị khởi nghĩa.
Bà Lê Thị Chấp bên bàn thờ ông Lê Văn Tôn
Ngày 24-11-1940, tại Tân Uyên, giặc Pháp phối hợp các lực lượng tay sai, chỉ điểm bao vây các làng Mỹ Lộc, Tân Hòa, Tân Tịch… chúng đốt nhiều nhà, bắn giết, bắt bớ các cán bộ, đảng viên yêu nước. Nhà ông Năm Tôn, Ba Cờ, Ba Liễn, Rỡ… cũng bị chúng đốt sạch, phá sạch. Lúc này, chi bộ đang họp tại chùa Gò Đá (Mỹ Lộc) bị Pháp bao vây. Các đồng chí Năm Tôn, Chín Quỳ, Ba Cờ, Huỳnh Liễn, Rỡ, Út Chiếp thoát thân rút vào rừng. Tại đây, ông Năm Tôn và Ba Cờ cải trang xuống Sài Gòn. Ông Năm Tôn hoạt động mật ở Sài Gòn một thời gian thì bị phát hiện, bắt đày ra Côn Đảo và bị kết án 20 năm tù.Theo lời kể của bà Lê Thị Chấp, lúc cậu Năm bị bắt, gia đình có nghe tin nhưng không biết làm gì chỉ mong sao cậu kiên cường, sống sót trở về. Sau đó, gia đình được ông Năm Lợi, người ở tù với cậu Tôn kể lại, tại Côn Đảo, cậu bị tra tấn, đánh đập dã man. Mỗi ngày chúng hành hạ bắt ông khai hoạt động của chi bộ, nhưng ông thà chết chứ không hé nửa lời. Bị đánh đập, tra tấn nhiều lần, ông Năm đã hy sinh trong tù. Cũng theo bà Chấp, ông Năm Tôn là một người đàn ông cao, gương mặt luôn điềm tĩnh. Ngày trước, ông tham gia cách mạng nhưng gia đình không ai hay biết. Hàng ngày, ông Tôn giả là người đi buôn lúa, chở lúa gạo ở nhà đi buôn nhưng không mang tiền về. Nhiều lần, ông mới cho gia đình biết đi hoạt động cách mạng. Những năm 1940, khi bà còn nhỏ, bà thường ngồi canh miệng hầm cho mẹ bà (bà Lê Thị Giỏi) đào hầm cho cậu Năm hoạt động và trú thân. Hiện nay, bà Chấp là người thờ cúng liệt sĩ Lê Văn Tôn. Phần mộ của liệt sĩ hiện đang được chôn tại Côn Đảo.
Bà Hồ Thị Hoa (Tân Mỹ), cán bộ lão thành cách mạng, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tân Mỹ, cho biết: “Trước đây tôi từng nghe ba mình kể chuyện về ông Năm Tôn là người lãnh đạo nhạy bén, khéo léo trong việc tập hợp quần chúng nhân dân đứng lên đấu tranh. Ngày ra Côn Đảo tìm gặp mộ liệt sĩ Lê Văn Tôn, tôi rất mừng vì mình được tận tay thắp cho người anh hùng đất Tân Mỹ nén nhang tri ân”.
Cướp nhân văn
Đó là ông Trần Văn Quỳ (tức Chín Quỳ, SN 1914, mất năm 1961). Theo lời kể của cháu dâu ông Chín Quỳ, bà Nguyễn Thị Ga (SN 1939, xã Tân Mỹ): Ngày bà lấy chồng là ông Nguyễn Văn Lã (SN 1929), phía gia đình nhà chồng chỉ còn mẹ chồng là bà Trần Thị Trát và ông Chín Quỳ. Những thành viên khác trong gia đình bà chưa từng được nghe kể lại. Ông Chín không có vợ con, nên phần thờ cúng do vợ chồng bà Ga lo lắng. Trong ký ức của người cháu dâu, ông Chín Quỳ là người đàn ông điềm tĩnh, da ngăm đen, phong thái ung dung. “Lúc tôi về làm dâu, ông Chín cũng hay ghé về thăm nhà. Buổi tối ông ghé nhà ngủ lại và sáng lại vào rừng. Ông thường nhắc chúng tôi, sống ở đời phải biết quý trọng, yêu thương mọi người, nỗ lực hết sức để làm ra của cải nuôi sống gia đình, giúp đỡ cách mạng”, bà Ga tâm sự.
Bà Hồ Thị Hoa, người cách mạng lão thành bên phần mộ liệt sĩ Lê Văn Tôn
Theo ghi nhận từ các bậc lão thành cách mạng, ông Chín Quỳ là một trong 6 đảng viên đầu tiên của Chi bộ Đảng Mỹ Lộc, Tân Hòa. Trước khi là đảng viên, ông Chín Quỳ thường làm quân thù khiếp sợ với việc cướp của nhà giàu chia cho nhà nghèo. Mọi người thường nhắc đến ông với 3 từ thân thương “cướp nhân văn”. Sau khi thành lập Chi bộ Đảng Mỹ Lộc, Tân Hòa, đầu năm 1939, chi bộ quyết định thành lập đội du kích vũ trang của xã gồm 8 đội viên do ông Chín Quỳ chỉ huy đóng tại chùa Gò Đá (Mỹ Lộc). Giai đoạn này, ông Chín Quỳ đã nhiều lần dùng mưu cướp được súng giặc, lánh vào rừng. Trong lúc bị địch phát hiện, truy bắt, ông Chín Quỳ cùng Hai Liễn, Út Chiếp vẫn ở lại để nắm bắt tình hình. 3 người ở lại nằm vùng tại khu rừng khu vực Hố Thảo (Giáp Lạc), đến tháng 7-1941, bị lộ ông Út Chiếp bị bắt đày ra Côn Đảo, ông Ba Liễn bị bắn chết. Riêng ông Chín Quỳ thoát được, rút vào rừng liên hệ với ông Nguyễn Văn Tra, Huỳnh Văn Cữu vận động giúp đỡ về lương thực và máy móc xây dựng lực lượng.Suốt giai đoạn 1942 đến 1955, ông hoạt động bí mật trong rừng, xây dựng và củng cố lực lượng. Sau năm 1955 hoạt động hợp pháp bị lộ, ông Chín Quỳ rút vào rừng thành lập tổ vũ trang gồm 4 người. Ở đây, ông hoạt động công khai và trừng trị các tên ác ôn, nợ máu với nhân dân. Năm 1961, ông bị bệnh nặng và mất tại Đất Cuốc. Bà Ga cho biết thêm thời gian ông bị bệnh, vợ chồng bà là người trực tiếp chăm sóc ông. Bệnh của ông mỗi ngày một nặng, sức khỏe yếu dần nhưng ông vẫn lạc quan, vui vẻ. Ngày nào, ông cũng hỏi thăm mọi người về kháng chiến. Ngày ông mất, rất nhiều anh em chiến sĩ đến viếng và chôn cất tại Đất Cuốc.
Hiện nay, phần mộ của ông Chín Quỳ đã được chôn cất tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Tân Uyên và bà Ga là người thờ cúng ông tại tư gia (Tân Mỹ, Tân Uyên, Bình Dương).
Kỳ 3: Sức lan tỏa của Chi bộ Đảng Mỹ Lộc - Tân Hòa
THIÊN LÝ