“Hạt giống đỏ” vùng Chiến khu Đ
Kỳ 1: Dưới ngọn cờ của Đảng
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, quân và dân Bình Dương đã anh dũng đứng lên đấu tranh giành lấy độc lập, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc, giải phóng đất nước. Lịch sử đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân Bình Dương là những bản anh hùng ca, với sự ra đời của các tổ chức Đảng; trong đó, việc thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Tân Uyên tại xã Mỹ Lộc, Tân Hòa (Tân Uyên) năm 1936, cho thấy sức lan tỏa rộng khắp của phong trào đấu tranh trong nhân dân.
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tân Mỹ Nguyễn Tấn Sỹ cho biết nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên khu vực chùa Gò Đá
Tình hình cách mạngTừ những năm cuối thập kỷ 20 của thế kỷ 20, phong trào giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp tại Việt Nam đã dần đi vào quỹ đạo cách mạng vô sản. Lúc bấy giờ, phong trào đấu tranh của công nhân (CN) cũng diễn ra mạnh mẽ. Tại khu vực đồn điền cao su Đông Nam bộ nói chung và Phú Riềng (Bình Phước) nói riêng được người ta thường ví von như “địa ngục trần gian”, nơi mà mỗi cây cao su mọc lên là có một người CN Việt Nam ngã xuống. “Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh”, chân lý ấy đã thể hiện rất rõ ở đội ngũ CN ngành cao su Việt Nam ngay từ khi mới ra đời. Đêm 28-10-1929, được sự chỉ đạo của đồng chí Ngô Gia Tự, đại diện của Ban Chấp hành Đông Dương Cộng sản Đảng (thành lập ngày 17-6-1929) đồng chí Nguyễn Xuân Cừ thành lập Chi bộ Phú Riềng Đỏ. Đây là chi bộ Đảng đầu tiên ở đồn điền cao su Đông Nam bộ.
Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) ra đời. Từ những cuộc đấu tranh lẻ tẻ, tự phát đòi quyền sống sơ đẳng nhất của những người phu cao su, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh của CN cao su đã được tổ chức chặt chẽ, có mục tiêu và phương pháp đấu tranh cách mạng đa dạng phong phú.
Hòa chung không khí cách mạng đang dâng cao, phong trào đấu tranh của nhân dân trong cả nước đã có sự chuyển biến về chất từ tự phát sang tự giác. Các cuộc đấu tranh của nhân dân diễn ra mạnh mẽ. Nhận thức vai trò quan trọng của Đảng, Chi bộ Bình Nhâm, An Sơn, An Thạnh, Tân Phước Khánh, Chi bộ Đề-pô xe lửa Dĩ An (Nhà máy Xe lửa Dĩ An) lần lượt ra đời. Các cuộc bãi công bị thực dân Pháp đàn áp và dập tắt, thế nhưng, “ngọn lửa” đấu tranh của CN Nhà máy Xe lửa Dĩ An vẫn bùng cháy, sau đó họ còn nổi dậy đấu tranh. Mặc dù thất bại nhưng phong trào đấu tranh của CN Nhà máy Xe lửa Dĩ An đã gây được những tiếng vang nhất định trong phong trào CN cả nước, tạo ra cho Pháp nhiều thiệt hại. Tháng 1-1930, Chi bộĐề-pô xe lửa Dĩ An ra đời, đánh dấu một bước ngoặt trong sựnghiệp đấu tranh cách mạng của CN nhàmáy. Việc ra đời các chi bộ Đảng là một sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu bước ngoặt của phong trào cách mạng trong tỉnh Bình Dương, đưa phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân lên một bước mới.
Vị trí hồ nước tại xã Tân Mỹ, nơi các đảng viên chi bộ Đảng đầu tiên thường xuyên đến sinh hoạt, ăn uống
Chi bộ Đảng Mỹ Lộc, Tân Hòa ra đờiTheo ông Trịnh Tấn Nhàn, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Mỹ (Tân Uyên): Hiện nay xã Tân Mỹ đang xác định địa điểm chính xác nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên Mỹ Lộc, Tân Hòa để đặt tấm bia di tích lịch sử. Qua đó, giúp thế hệ trẻ dễ dàng trong quá trình tìm hiểu về lịch sử tỉnh Bình Dương nói chung, lịch sử xã Tân Mỹ nói riêng. Đồng thời, nhằm giúp thế hệ trẻ biết được truyền thống đấu tranh anh dũng của cha ông để giành độc lập, tự do. Từ đó, bản thân ý thức, nỗ lực xây dựng quê hương thêm giàu đẹp.
Tân Hòa, Mỹ Lộc (Tân Uyên) là địa phương có truyền thống yêu nước chống ngoại xâm là môi trường thuận lợi cho các phong trào cách mạng phát triển. Sau ngày Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập (3-2- 1930), cũng như sự ra đời của các chi bộ Đảng địa phương lân cận, nhiều cán bộ được cử về Mỹ Lộc, Tân Hòa gầy dựng cơ sở Đảng. Trên cơ sở những phong trào yêu nước chống Pháp trước đó, đồng chí Trương Văn Bang, nguyên Bí thư Xứ ủy Nam kỳ được liên Tỉnh ủy miền Đông được cử về Biên Hòa lãnh đạo phong trào, gầy dựng cơ sở Đảng.
Theo bà Hồ Thị Hoa (SN 1937, Tân Mỹ), từng là Ủy viên Ban vận động Tỉnh đoàn Phước Thành, nguyên Bí thư xã Tân Mỹ, kể lại: Bà sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng. Từ nhỏ bà đã được làm giao liên nên có nhiều cơ hội gặp các cô chú là “hạt nhân” của cách mạng. Bà thường được nghe các cô chú kểchuyện về những ngày đầu thành lập chi bộ Đảng Mỹ Lộc. Năm 1936, ông Trương Văn Bang thường qua lại Mỹ Lộc để vận động nhân dân và xây dựng phong trào. Một số quần chúng tích cực của 2 làng Mỹ Lộc, Tân Hòa trưởng thành từ các phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ thời gian này trở thành quần chúng ưu tú của Đảng, như: Năm Tôn, Ba Liễn, Chín Quỳ, Ba Cờ… được Đảng giác ngộ, ít lâu sau các đồng chí được kết nạp Đảng. Ngay sau đó, tại khu vực chùa Gò Đá (xã Mỹ Lộc), Chi bộ Mỹ Lộc, Tân Hòa thành lập gồm 6 đồng chí Lê Văn Tôn (Năm Tôn), Nguyễn Hồng Kỳ, Huỳnh Văn Liễn (Ba Liễn), Ba Cờ, đồng chí Phiên và Trần Văn Quỳ (Chín Quỳ). Sau khi thành lập, các đảng viên của chi bộ đã tích cực hoạt động, củng cố phong trào đấu tranh của nhân dân, xây dựng cơ sở trong hàng ngũ quân địch, lấy vũ khí phục vụ cách mạng, đòi lại quyền bình đẳng cho nhân dân…
Theo lịch sử xã Tân Mỹ: Dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng cấp trên, trực tiếp là Chi bộ Mỹ Lộc, Tân Hòa, phong trào đấu tranh của nhân dân địa phương tiếp tục phát triển lên một bước mới. Trong năm 1936- 1939, nổi bật trong đấu tranh công khai là đấu tranh chống thuế thân, đấu tranh đòi tự do dân chủ. Đầu năm 1937, các đồng chí Năm Tôn, Ba Liễn, Ba Cờ được bầu làm Tỉnh ủy viên. Cũng trong thời điểm này, chi bộ đã lãnh đạo trên 100 bà con Tân Hòa, Mỹ Lộc đứng lên đấu tranh chống đi xâu kéo ở Hố Nai.
Ông Phạm Mạnh Dũng (Mười Dũng) (SN 1929, xã Tân Mỹ, huyện Tân Uyên), thiếu tá, Tham mưu phó Tỉnh đội Phước Thành, cho biết: Tôi được biết, những ngày đầu thành lập, chi bộ gặp không ít khó khăn trong việc tập hợp, tuyên truyền đấu tranh trong nhân dân, vì thường xuyên đối mặt với bọn tay sai, chỉ điểm. Tuy nhiên, với sức mạnh đoàn kết dân tộc, nhân dân đã cùng những đảng viên ưu tú đã xây dựng cơ sở Đảng vững mạnh. Việc chi bộ Mỹ Lộc, Tân Hòa ra đời không chỉ thúc đẩy phong trào cách mạng của địa phương phát triển mà đây còn là hạt nhân nòng cốt để phát triển phong trào cách mạng trong vùng và là nơi “ươm mầm” những “hạt giống đỏ”, góp phần làm cho phong trào đấu tranh cách mạng tại địa phương nói riêng, vùng Chiến khu Đ sau này nói chung phát triển lên một bước mới.
Có thể thấy, nếu việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam là một bước ngoặt trọng đại của cách mạng Việt Nam thì việc Chi bộ Đảng Mỹ Lộc, Tân Hòa, một bộ phận của tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã đánh dấu son quan trọng trong phong trào cách mạng của nhân dân Tân Mỹ thời bấy giờ. Chi bộ đã lãnh đạo nhân dân địa phương, trong huyện Tân Uyên và cùng với nhân dân trong tỉnh sẵn sàng bước vào giai đoạn cách mạng mới đấu tranh giải phóng dân tộc, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc.
Kỳ 2: Những hạt nhân tiêu biểu
TỐ TÂM