“Hạt giống cách mạng” nẩy mầm, sinh sôi - Bài cuối
Bài cuối: Vững bước vào tương lai
(BDO) Trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Sông Bé - Bình Dương đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giành được những thành quả quan trọng trên các lĩnh vực, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển chung của cả nước. Tiếp nối truyền thống vẻ vang đó, các thế hệ cán bộ, đảng viên, nhân dân không ngừng xây dựng Bình Dương ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Một góc thành phố mới Bình Dương đã hiện hữu Ảnh: Q.C
Tiền đề vững chắc
Kể từ khi đất nước được thống nhất, đặc biệt sau gần 20 năm tái lập tỉnh, từ một tỉnh nghèo, bị chiến tranh tàn phá, cơ sở hạ tầng thấp kém, thiếu đồng bộ và điểm xuất phát thấp về kinh tế, song nhờ biết kế thừa và phát huy thành quả của tỉnh Sông Bé trước đây; Đảng bộ, quân và dân Bình Dương tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới, phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh, khai thác tốt các nguồn lực thuộc các thành phần kinh tế, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi. Với chủ trương tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ làm động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Bình Dương đã thực hiện tốt chính sách “Trải thảm đỏ” mời gọi đầu tư, đồng thời quan tâm thu hút đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao dân trí. Nhờ sự quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, huy động được sức mạnh tổng hợp, nên hàng năm, kinh tế luôn tăng trưởng cao và ổn định, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện và từng bước nâng lên đáng kể, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn ổn định và được giữ vững.
Từ một tỉnh thuần nông, đến nay, Bình Dương đã trở thành tỉnh có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa cao nhất trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và hội nhập kinh tế quốc tế. Kết thúc năm 2014, mặc dù tình hình chung còn khó khăn do ảnh hưởng suy giảm kinh tế thế giới, song Bình Dương vẫn đạt được những kết quả tích cực trên lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tiếp tục đạt khá, tăng 13% so với năm 2013. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, với tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp tương ứng là 60,8% - 36,2% - 3,0%. Nhiều chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, cụ thể: GDP bình quân đầu người đạt 61,2 triệu đồng; tổng thu ngân sách đạt 32.000 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ. Thu hút đầu tư nước ngoài tăng cao, đạt 1,65 tỷ USD (vượt 65% kế hoạch năm 2014 và đứng thứ 3 cả nước); lũy kế đến cuối năm 2014, toàn tỉnh có 2.375 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng số vốn đầu tư là 20,380 tỷ USD (đứng thứ 5 cả nước). Nếu tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bình Dương đã thu hút được 6,3 tỷ USD (vượt 26% kế hoạch cả nhiệm kỳ). Kim ngạch xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng tốt và tiếp tục có xuất siêu (xuất siêu đạt trên 4 tỷ USD). Hiện Bình Dương đã quy hoạch và xây dựng 29 khu công nghiệp với tổng diện tích gần 10.000 ha, với hạ tầng hiện đại đáp ứng tốt các yêu cầu của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Hướng đến tương lai
Nhằm tạo ra nhiều cơ hội rộng lớn trong thời kỳ phát triển mới, thực hiện mục tiêu đưa Bình Dương trở thành đô thị công nghiệp vào năm 2020, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Bình Dương đã quyết định đầu tư xây dựng Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị (khởi công năm 2004). Đầu năm 2014, Bình Dương đã long trọng tổ chức lễ động thổ xây dựng phát triển thành phố mới và khánh thành Trung tâm Hành chính tập trung. Đây là cột mốc quan trọng của tỉnh trong quá trình vươn lên tầm cao mới và hội nhập quốc tế.
Theo quy hoạch được Chính phủ phê duyệt, thành phố mới Bình Dương với quy mô 1.000 ha sẽ trở thành một khu đô thị văn minh, hiện đại và là quận trung tâm của thành phố Bình Dương trực thuộc Trung ương trước năm 2020. Thành phố mới Bình Dương chính là “bộ não và trái tim”, là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của tỉnh Bình Dương và là hạt nhân của thành phố Bình Dương hiện đại, năng động, bền vững trong tương lai.
Sự hình thành và phát triển của thành phố mới Bình Dương cùng với sự ra đời của Trung tâm Hành chính tập trung mới là cụ thể hóa của định hướng kiên trì kiến tạo xung lực và quy tụ mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa địa phương, thực hiện mục tiêu đưa Bình Dương thành đô thị công nghiệp vào năm 2020. Trong những năm qua, trong tình hình suy thoái kinh tế của nền kinh tế thế giới, những khó khăn của kinh tế trong nước, thành phố mới Bình Dương vẫn được tập trung xây dựng ngày càng hoàn thiện theo quy hoạch. Nhiều dự án quan trọng đã và đang định hình trong thành phố mới, trong đó có những dự án lớn có tầm quốc tế như dự án khu phức hợp thương mại căn hộ cao cấp Sora Garden của Tập đoàn Tokyu Nhật Bản; Khu công nghệ kỹ thuật cao Mapletree của Singapore; dự án về các trường đại học và tiểu học quốc tế cũng đã lần lượt hình thành và đi và hoạt động. Trong tương lai không xa, cùng với sự hoạt động của Trung tâm Hành chính tập trung, thành phố mới Bình Dương sẽ phát triển mạnh mẽ vươn lên gia nhập hệ thống các đô thị văn minh của cả nước và khu vực.
Bình Dương đã bước đầu thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa một địa phương thuần nông, bị chiến tranh tàn phá nặng nề trở thành một trong những thương hiệu hàng đầu của cả nước về phát triển kinh tế. Dưới sự lãnh đạo của một Đảng bộ đoàn kết, trí tuệ, năng động, sáng tạo, tin rằng trong tương lai không xa, Bình Dương sẽ trở thành một thành phố giàu đẹp, văn minh, thân thiện và hiện đại.
TRÍ DŨNG