“Hạt giống cách mạng” nẩy mầm, sinh sôi - Bài 9

Thứ ba, ngày 27/01/2015

(BDO) Bài 9: Chủ động khai thác tiềm năng, lợi thế

Từ một tỉnh chủ yếu sản xuất nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, qua gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) và gần 20 năm tái lập tỉnh, Bình Dương đã trở thành một tỉnh phát triển công nghiệp trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đó là kết quả từ sự lãnh đạo, điều hành sáng suốt của Đảng bộ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh.

Bước ngoặt từ một chính sách

Bắt nhịp với không khí đổi mới của đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Sông Bé - Bình Dương đã thu được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, cho đến đầu thập niên 90, kinh tế tỉnh Sông Bé - Bình Dương tính chất nông nghiệp vẫn phổ biến. Nền kinh tế nói chung chưa thật sự ổn định do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V, tỉnh đã xác định một số mục tiêu quan trọng trên cơ sở tận dụng những thuận lợi của chủ trương đổi mới, mở cửa hội nhập về kinh tế của Đại hội VII của Đảng.

 

Năm 1996 là năm tỉnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài cao nhất trong thập niên 90 với 136 dự án, tổng giá trị 1 tỷ 235,3 triệu USD. Trong ảnh: Sản xuất dây dẫn điện xe ô tô tại Công ty TNHH Yazaki Eds Việt Nam (TX.Dĩ An), một doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đến Bình Dương sản xuất, kinh doanh năm 1995. Ảnh: T.SƠN

Một trong những chính sách được tỉnh sớm đề ra trên lĩnh vực phát triển kinh tế đối ngoại và thu hút đầu tư trong và ngoài nước mà sau này được nhiều địa phương khác nghiên cứu áp dụng đó chính là chính sách “Trải chiếu hoa mời gọi các nhà đầu tư”. Mục đích của chính sách này nhằm tạo ra một không gian mở để nền kinh tế phát triển nhanh, từng bước trở thành địa phương phát triển kinh tế năng động và hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả, có kết quả nổi trội về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với các doanh nghiệp, buộc doanh nghiệp phải nỗ lực vươn lên để tồn tại và phát triển; mặt khác nếu các doanh nghiệp yếu kém không đủ sức cạnh tranh sẽ phải nhường vị trí cho các doanh nghiệp mới năng động và có khả năng vươn lên ở những ngành, lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế so sánh. Nhờ đó, cơ cấu kinh tế được chuyển đổi, các nguồn lực xã hội được phân bổ có hiệu quả cao hơn. Quá trình này làm cho các doanh nghiệp, các nhà quản lý quen dần với tư duy làm ăn mới, lấy hiệu quả kinh tế làm động lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chính việc thực hiện chủ trương này đã tạo bước chuyển đổi quan trọng về chất trong nền kinh tế.

Tăng trưởng nổi bật

“Vào Đảng là để phấn đấu suốt đời…” 

“Mục đích lý tưởng của tôi khi bước vào hàng ngũ của Đảng là để phấn đấu trọn đời. Là người đảng viên, tôi càng phải cố gắng rèn luyện, nêu gương dẫn dắt quần chúng, xứng đáng với truyền thống vẻ vang của Đảng ta. Để làm tốt điều này, tôi sẽ còn phải phấn đấu rất nhiều để vừa có năng lực công tác tốt, vừa có phẩm chất chính trị vững vàng”, anh Nam nói.Năm 2010, anh Danh Hứa Quốc Nam hoàn thành luận văn thạc sĩ và về công tác tại trường Đại học Thủ Dầu Một, kiêm nhiệm chức vụ Bí thư Chi đoàn khối chuyên viên của trường. Ngoài công tác khoa học, giảng dạy, anh Nam còn tích cực tham gia các phong trào do Đoàn trường, Tỉnh đoàn phát động. Tháng 11-2014 vừa qua, anh Danh Hứa Quốc Nam vinh dự nhận được bằng khen của UBND tỉnh vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2013-2014. Anh Nam cũng 4 năm liền nhận được giấy khen của Tỉnh đoàn vì đạt thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên.Đó là chia sẻ của đảng viên trẻ Danh Hứa Quốc Nam, giảng viên trường Đại học Thủ Dầu Một. Từ một giáo viên dạy toán (trường THPT Long Thạnh, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang), anh Nam luôn không ngừng phấn đấu trong giảng dạy, học tập để nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn; đồng thời tích cực tham gia hoạt động phong trào. Tháng 8-2008, anh Nam được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm 1996, đúng 10 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Sông Bé - Bình Dương đã có những bước tiến dài trong phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều chỉ tiêu chủ yếu đề ra trong kế hoạch 5 năm 1991- 1995 được hoàn thành và hoàn thành vượt mức, điều mà các kế hoạch 5 năm trước đó chưa đạt được. Những số liệu phản ánh sự tăng trưởng vượt trội trong giai đoạn này đã phản ánh rõ thực tế đó. Đó là GDP bình quân mỗi năm trong thời kỳ này đạt 15%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra là 7,8%. Trong đó, nông - lâm nghiệp - thủy sản tăng 9,22%, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng 37,87%, dịch vụ tăng 24,5%, thương mại - xuất nhập khẩu tăng 74%. Các số liệu này đều cao hơn so với bình quân của cả nước. Năm 1996 cũng là năm tỉnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài cao nhất trong thập niên 90 với 136 dự án có tổng giá trị 1 tỷ 235,3 triệu USD.

Nhờ định hướng đúng đắn của Đảng bộ và sự quản lý điều hành chặt chẽ của chính quyền các cấp nên hầu hết các ngành, các doanh nghiệp trên địa bàn của tỉnh hoạt động ổn định, phát triển. Trong giai đoạn này đánh dấu sự trưởng thành của Công ty Thương nghiệp tổng hợp Bến Cát (sau này là Tổng Công ty Becamex) đã đóng góp tích cực vào nền kinh tế của tỉnh. Đây là một trong những doanh nghiệp có công đầu trong đổi mới thương nghiệp quốc doanh, góp phần xây dựng mô hình doanh nghiệp Nhà nước đóng vai trò chủ công, dẫn dắt các thành phần kinh tế khác cùng thực hiện tốt các chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh. Trong những doanh nghiệp đi đầu về đổi mới kinh doanh có thể kể đến Công ty Sản xuất và Xuất nhập khẩu Sông Bé, một công ty làm kinh tế của Đảng được thành lập năm 1992. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Sông Bé, công ty đã mở rộng quan hệ kinh doanh với đối tác nước ngoài, tăng cường sản xuất và xuất khẩu thu nhiều ngoại tệ.

Với xuất phát điểm là một tỉnh nông nghiệp bước vào công nghiệp hóa, hàng năm tỉnh đã dành 37% trong tổng số chi ngân sách Nhà nước để đầu tư xây dựng cơ bản, cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới đường sá, mở thêm mạng lưới điện, bưu chính-viễn thông, nhà ở, công trình văn hóa, giáo dục… nhằm tạo điều kiện thuận lợi, đồng bộ cho quá trình phát triển toàn diện của tỉnh thời kỳ tiếp theo.

Người tạo bước tiến mới về công tác xây dựng Đảng

Đồng chí Nguyễn Quang Việt tên thật là Nguyễn Ngọ, hay còn gọi là Bảy Việt, quê xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, là một cán bộ tiền khởi nghĩa. Trước năm 1945, đồng chí từng là Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Thái Bình, bị bắt và đày ra Côn Đảo năm 1942.

Tháng 8-1945, đồng chí được phân công công tác tại miền Tây Nam bộ, cụ thể là phụ trách chính trị Vệquốc Đoàn Sa Đéc (Khu 8). Tháng 7-1946, khi Chi đội 18 được thành lập trên cơ sở các đơn vị Vệquốc Đoàn Sa Đéc, đồng chí Nguyễn Quang Việt được cử giữ chức vụ Chính ủy. Ngày 18-11-1949, Bộ Tư lệnh Nam bộ ra mệnh lệnh số 137 thành lập các Liên trung đoàn, Trung đoàn 301 sáp nhập với Trung đoàn 310 thành Liên trung đoàn 301-310, đồng chí Nguyễn Quang Việt được Xứ ủy điều từ Khu 8 về Khu 7 làm Chính ủy Liên trung đoàn và giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Thủ Dầu Một.

Trong 2 năm 1949-1950 là giai đoạn chẳng những đánh dấu bước tiến mới về công tác xây dựng Đảng ở Thủ Dầu Một, mà còn là sự áp dụng thành công chiến thuật đánh phá hàng loạt các tháp canh, phá âm mưu chia cắt chiến trường của địch trên địa bàn Thủ Dầu Một cũng như trên chiến trường miền Đông Nam bộ, đẩy địch vào thế lúng túng, bị động đối phó. Tháng 5-1951, Trung ương Cục quyết định tổ chức, bố trí lại chiến trường. Toàn Nam bộ được tổ chức thành hai phân liên khu: Phân liên khu miền Đông và phân liên khu miền Tây. Hai tỉnh Biên Hòa và Thủ Dầu Một sáp nhập thành tỉnh Thủ Biên, đồng chí tiếp tục giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Thủ Biên, kiêm Chính trị viên Liên trung đoàn 301-310, đồng thời là Phân liên khu Ủy viên, kiêm Chính trị viên Tỉnh đội.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, đồng chí Nguyễn Quang Việt, trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy Thủ Biên kiêm Chính trị viên Tỉnh đội, phụ trách việc thực thi hiệp định trên địa bàn tỉnh, cũng như việc chuyển quân tập kết và chuẩn bị cho thời kỳ đấu tranh cách mạng mới. Đến cuối năm 1954, đồng chí ra Bắc. Từ năm 1960 đến 1980, đồng chí là Thứ trưởng Bộ Công an.

(Nguồn: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

 

Bài 10: Tiến nhanh trên đường đổi mới

TRÍ DŨNG