“Hạt giống cách mạng” nẩy mầm, sinh sôi - Bài 8

Thứ hai, ngày 26/01/2015

(BDO) Bài 8: Hòa mình vào không khí đổi mới

Giai đoạn đổi mới từ năm 1986 có ý nghĩa hết sức quan trọng, cả nước nói chung và Sông Bé nói riêng đã được hòa mình vào luồng gió mới. Đây cũng chính là bước ngoặt để đất và người Bình Dương hôm nay hiện thực hóa được những ước mơ, hoài bão vươn lên.

Từ luồng gió đổi mới

Cột mốc quan trọng đánh dấu sự đi lên của tỉnh Sông Bé là năm 1986. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cho cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành trong tỉnh. Đây chính là luồng gió mới, mở toang cánh cửa phát triển để Sông Bé phát huy hết tiềm năng, nội lực của mình. Từ đây, công cuộc đổi mới bắt đầu diễn ra mạnh mẽ.

Đường lối đổi mới của Đảng là một bước ngoặt lớn, tạo tiền đề cho Bình Dương hôm nay tiến hành thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong ảnh: Sản xuất mặt hàng điện tử tại Công ty TNHH Estec Vina (KCN Việt Nam - Singapore 1). Ảnh: T.SƠN

Thực hiện đường lối đổi mới đất nước của Đảng, Đảng bộ và nhân dân Sông Bé đã đoàn kết, tự lực, tự cường khắc phục những khó khăn, trở ngại, phấn đấu vươn lên. Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sông Bé lần thứ IV họp từ ngày 28-10 đến 1-11-1986 đã chỉ rõ cần phải đổi mới cách suy nghĩ, cách làm; đổi mới tư duy kinh tế; đổi mới phong cách làm việc gắn bó với quần chúng; đổi mới tổ chức cán bộ và hành động theo quy luật, giải phóng cho kỳ được lực lượng sản xuất hiện có, khai thác và phát huy mọi tiềm năng của tỉnh để phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất, ổn định tình hình kinh tế - xã hội, ổn định và cải thiện đời sống nhân dân trong tỉnh...

Để cụ thể hóa chủ trương đổi mới của Đảng, đến đầu năm 1987, Tỉnh ủy đã đề ra 3 chương trình mục tiêu lớn là: Lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Đây là các chương trình có ý nghĩa thực tiễn cao, tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển của Sông Bé - Bình Dương sau này. Các nút thắt trong quản lý kinh tế được giải quyết, cùng với đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp ngày càng thích ứng và năng động với thị trường trong nước và thị trường quốc tế, chỉ trong thời gian ngắn, tỉnh đã huy động được mọi thành phần kinh tế tham gia sản xuất, kinh doanh và đã tận dụng, phát huy được các tiềm năng, thế mạnh của từng ngành, từng vùng. Do vậy kinh tế - xã hội của tỉnh dần ổn định, từng lĩnh vực của ngành kinh tế đều đạt được những thành tựu và tiến bộ quan trọng. Từ đó, cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ.

Đường lối đổi mới đã có tác động mạnh mẽ đến sản xuất nông nghiệp, tiếp tục chuyển đổi mạnh về cơ cấu, tạo ra nguồn hàng tương đối lớn có giá trị xuất khẩu. Tỉnh đã đề ra một số chủ trương, chính sách phù hợp; khuyến khích phát triển kinh tế hộ gia đình, bước đầu giải phóng năng lực sản xuất trong nông thôn, nông dân mạnh dạn đầu tư thâm canh tăng năng suất, tăng diện tích. Đến năm 1991, giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã đạt trên 278 tỷ đồng. Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, Nghị quyết 16/BCT của Bộ Chính trị năm 1988 đã mở rộng đường cho ngành sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Sông Bé. Trên những cơ sở đó, đến năm 1990, nhiều công ty, xí nghiệp đã dần thích ứng với cơ chế mới, phát huy được nguồn vốn, kỹ thuật, năng lực quản lý và từng bước phát triển, mở rộng sản xuất.

Trong suốt thời gian dài sau đổi mới, nền kinh tế Sông Bé phát triển đều và liên tục với tốc độ tăng trưởng nhanh. GDP của tỉnh trong năm 1990 chỉ đạt 5,7 tỷ đồng, nhưng đến năm 1991 lên trên 390 tỷ đồng. Đặc biệt giai đoạn 1991-1996, tổng sản phẩm trong tỉnh tăng mạnh. Năm 1996 đạt trên 2.324 tỷ đồng, gấp 61 lần so với năm 1991. Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh lúc này đã là 3.132.000 đồng/năm. Thu ngân sách trong giai đoạn sau đổi mới cũng tăng nhanh, năm 1996 đạt trên 693 tỷ đồng.

Tạo đà vươn lên

Đường lối đổi mới của Đảng cũng đã cải thiện mạnh mẽ đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp dân cư. Các chương trình xóa đói, giảm nghèo được đông đảo nhân dân đồng tình và nhiều doanh nghiệp hưởng ứng. Các đoàn thể tổ chức các phong trào vận động quyên góp, tương trợ lẫn nhau, góp phần giải quyết khó khăn cho những hộ nghèo. Các dự án nhỏ vay vốn quốc gia giải quyết việc làm đã góp phần ổn định cuộc sống cho người lao động.

Từ nguồn thu từ kinh tế, tỉnh có điều kiện đầu tư cho các chương trình quan trọng khác là giáo dục, y tế, văn hóa. Chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục đã góp phần huy động sự đóng góp của các ngành và nhân dân cùng với ngân sách đầu tư cho sự nghiệp phát triển giáo dục, sửa chữa và xây dựng thêm nhiều trường lớp, khắc phục được tình trạng các lớp học ca 3. Từ đây số trường phổ thông trong tỉnh không ngừng tăng. Đến năm 1995, tỉnh có 296 trường phổ thông với 7.182 lớp học, 7.684 giáo viên, 246.987 học sinh. Tỉnh đã chú trọng đa dạng hóa các hình thức trường lớp, chú ý phát triển các trường bán công, dân lập, bán trú… Mạng lưới trường lớp được mở rộng, 100% số xã có trường tiểu học. Chất lượng học tập được nâng cao, số học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp toàn quốc tăng lên. Hệ thống các trường chuyên nghiệp, dạy nghề được củng cố, phát triển và đạt được chỉ tiêu hàng năm về số lượng. đào tạo. Về y tế, tỉnh đã xây dựng được mạng lưới y tế cơ sở có y sĩ phụ trách, sắp xếp lại bộ máy y tế cấp huyện. Số lượng y, bác sĩ tăng lên, cứ 10.000 dân có 12 y, bác sĩ phục vụ. Hệ thống dịch vụ y tế mở rộng, trang thiết bị ở một số bệnh viện được cải tiến, nhằm tăng cường chất lượng khám chữa bệnh và tạo được niềm tin của nhân dân. Công tác vệ sinh, phòng chống dịch bệnh được đẩy mạnh. Công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc các đối tượng chính sách có chuyển biến tích cực, góp phần giảm bớt khó khăn trong đời sống kinh tế, nâng mức sống của các đối tượng chính sách lên ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân trong vùng.

Có thể nói, từ khi có chủ trương đổi mới của Đảng, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Sông Bé đã vận dụng sáng tạo, phù hợp các chủ trương, chính sách của Trung ương vào hoàn cảnh thực tế của địa phương, từng bước tháo gỡ khó khăn, ổn định dần tình hình kinh tế - xã hội và đạt được một số thành quả đáng khích lệ. Đây là giai đoạn có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo đà vươn lên mạnh mẽ cho Bình Dương trong giai đoạn phát triển mới sau ngày tái lập tỉnh năm 1997.

Một chiến sĩ cộng sản kiên trung

Tháng 5-1948, đồng chí Vũ Duy Hanh, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ty Thông tin Tuyên truyền được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Thủ Dầu Một (TDM) giữa lúc phong trào cách mạng đang phát triển toàn diện và mạnh mẽ.

Với cương vị công tác mới, đồng chí Vũ Duy Hanh đã tỏ rõ năng lực công tác của mình, tiếp tục lãnh đạo phong trào cách mạng ở TDM phát triển mạnh mẽ. Để chống lại sự càn quét đánh phá của địch, đồng chí tăng cường xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang và dân quân, du kích. Theo “Báo cáo tình hình dân quân Khu 7 từ năm 1945 đến tháng 6-1949, ngày 13- 11-1950” về dân quân tự vệ, TDM đứng hàng đầu toàn Khu 7 với 24.922 trong tổng số 56.375 chiến sĩ dân quân tự vệ toàn khu. Về vũ khí, TDM đứng hàng đầu toàn khu với 343 khẩu các loại so với 678 khẩu toàn Khu 7 (hơn phân nửa số súng toàn khu). Song song đó, đồng chí Vũ Duy Hanh rất quan tâm đến công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Công tác phát triển Đảng càng được đặc biệt chú trọng. Cuối năm 1948 và những tháng đầu năm 1949, cơ sở Đảng phát triển khá mạnh. Lần lượt các cơ quan cấp tỉnh đều có đủ đảng viên để thành lập chi bộ riêng. Ở 48 xã trong toàn tỉnh đều có chi bộ và các chi bộ đều có từ 3 đến 5 đồng chí chi ủy. Việc xây dựng tổ chức cơ sở Đảng ở các xã có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cuộc kháng chiến của Đảng bộ và nhân dân TDM. Mỗi chi bộ tại cơ sở trở thành Ban tham mưu lãnh đạo quần chúng đánh địch tại chỗ rất lợi hại, làm cho địch khó lòng đối phó.

Tháng 10-1949, Xứ ủy Nam bộ điều đồng chí Nguyễn Quang Việt từ một tỉnh miền Tây về TDM giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy TDM kiêm Chính trị viên Tỉnh đội. Đồng chí Vũ Duy Hanh làm Phó Bí thư. Đến giữa tháng 9-1956, đồng chí Vũ Duy Hanh đi họp Thường vụ Tỉnh ủy tại huyện Châu Thành, khi trở về ngang qua xã Phú Hữu thì bị một tên phản bội phát hiện, xua bọn dân vệ ra bắt một lượt cùng đồng chí Lưu Hồng Thoại. Đồng chí Vũ Duy Hanh bị địch đưa về giam ở nhà tù của tỉnh, sau đó địch đưa đồng chí đày ra Côn Đảo. Đồng chí hy sinh năm 1962.

(Nguồn: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

 

CAO SƠN