“Hạt giống cách mạng” nẩy mầm, sinh sôi - Bài 11
(BDO) Bài 11: Tăng tốc ấn tượng
Sau khi tái lập tỉnh, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và các lực lượng vũ trang trong tỉnh đã nỗ lực vượt qua khó khăn và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Những kết quả đạt được đã tiếp tục khẳng định đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng, sự vận dụng phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, khẳng định bước tiến vững chắc của tỉnh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa…
Động lực mới
Ngày 1-1-1997, tỉnh Bình Dương chính thức được tái lập. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu chặng đường phát triển mới của tỉnh. Sau khi ổn định tình hình, cuối tháng 1-1997, Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh đã họp hội nghị lần thứ nhất (mở rộng). Tại hội nghị này, Ban Chấp hành đã họp bàn các chuyên đề nhằm phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong năm 1997, những chương trình mục tiêu quan trọng đến năm 2000.
Quy mô các khu công nghiệp phát triển nhanh, đưa giá trị sản xuất tăng mạnh từ 94,7 tỷ đồng (năm 1997) lên 3.081 tỷ đồng (năm 2000). Trong ảnh: Sản xuất mặt hàng hóa mỹ phẩm tại Công ty Rohto Việt Nam (KCN Việt Nam - Singapore 1). Ảnh: T.MINH
Tháng 2-1997, Tỉnh ủy Bình Dương đã ban hành Nghị quyết về phương hướng nhiệm vụ năm 1997. Nghị quyết xác định nhiệm vụ tổng quát trong năm là tập trung mọi nguồn lực, nhanh chóng ổn định tư tưởng, tổ chức cán bộ để đi ngay vào hoạt động bình thường, thực hiện nhanh chóng việc điều tra, khảo sát, nắm chắc đặc điểm tình hình, những khó khăn, thuận lợi, tiềm năng và thế mạnh của tỉnh để xác định đúng đắn cơ cấu kinh tế và phương hướng phát triển. Trên cơ sở đó huy động mọi nguồn lực, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục và ổn định theo yêu cầu của thời kỳ mới; đồng thời với nâng cao hiệu quả của nền kinh tế, giải quyết tốt những vấn đề bức xúc về văn hóa, xã hội, tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và tăng cường các hoạt động đối ngoại. Ngoài các mặt công tác thường xuyên, trọng tâm công tác của lãnh đạo trong năm là chỉ đạo chia, tách và thành lập các huyện mới; bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử bổ sung HĐND tỉnh, chuẩn bị Đại hội Đảng bộ cấp huyện và tỉnh, xây dựng cơ sở hạ tầng và cải cách thủ tục hành chính.
Song song đó, trong giai đoạn này tỉnh đã có nhiều cố gắng trong việc giải quyết những yếu kém về cơ sở hạ tầng, xây dựng và mở rộng thêm nhiều hệ thống giao thông, điện, nước, phát triển mạng lưới thông tin viễn thông. Tỉnh cũng đã tiến hành cải cách thủ tục hành chính với cơ chế “một cửa”, từng bước tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Tăng tốc phát triển
Sau khi Bình Dương được tái lập, kế thừa những thành tựu của Sông Bé, việc hình thành và phát triển các khu công nghiệp (KCN) tập trung là mục tiêu xuyên suốt vô cùng quan trọng trên con đường phát triển tỉnh nhà. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương đã nỗ lực tập trung thực hiện đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trước hết là ưu tiên phát triển các KCN tập trung, tạo môi trường thông thoáng thu hút đầu tư trong và ngoài nước để thúc đẩy việc xây dựng và phát triển có chiều sâu, tạo đà kinh tế địa phương phát triển ổn định và bền vững.
Từ thực tiễn 10 năm đổi mới, lãnh đạo tỉnh xác định, chỉ có phát triển công nghiệp và xây dựng mới tạo động lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng. Vấn đề đặt ra là phải nhanh chóng tận dụng lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, tạo môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút vốn đầu tư của mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Một trong các hình thức kinh tế đó là phát triển tập trung loại hình kinh tế được nhiều nước trên thế giới ứng dụng thành công, luôn tạo sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Với tư duy đó, bắt đầu từ KCN đầu tiên của tỉnh (Sóng Thần 1), đến sau ngày tái lập tỉnh, Bình Dương đã có 7 KCN được Chính phủ cấp phép xây dựng và đi vào hoạt động với tổng diện tích trên 1.500 ha gồm Sóng Thần I, II, Đồng An, Bình Đường, Việt Hương, Tân Đông Hiệp và KCN Việt Nam- Singapore. Quy mô của các KCN phát triển nhanh, đưa giá trị sản xuất tăng mạnh từ 94,7 tỷ đồng (1997) lên 3.081 tỷ đồng (2000). Các KCN hoạt động hiệu quả là Sóng Thần, Việt Hương, Việt Nam - Singapore…
Các dự án đầu tư vào KCN đã đóng góp tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Mặt khác, sự hình thành các KCN đã thu hút, thúc đẩy các loại hình dịch vụ phát triển, hình thành những khu đô thị mới. Hiệu quả rõ nét nhất của các KCN là đã đóng góp lớn vào sự tăng trưởng kinh tế, làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt kinh tế - xã hội của tỉnh. Kết quả phát triển các KCN tập trung thể hiện sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng bộ và chính quyền tỉnh. Môi trường đầu tư thông thoáng và thuận lợi, sự quan tâm tháo gỡ khó khăn kịp thời đã làm cho các nhà đầu tư an tâm khi đầu tư vào Bình Dương.
Người lãnh đạo trong sáng, mẫu mực
Năm 1933, đồng chí Võ Minh Đức (Võ Văn Đợi), dạy học tại trường tư thục tiểu học, sau là trường Trung học Tân Ánh Mai tại ấp Bộng Dầu (nay là khu vực đường Thích Quảng Đức, phường Phú Cường, TP.TDM). Trong những năm dạy học, ngoài truyền đạt kiến thức, ông thường hướng học sinh vào các hoạt động yêu nước và tham gia các phong trào đấu tranh đòi quyền tự do dân chủ.
Năm 1944, Nhật - Pháp âm mưu dùng văn hóa đồi trụy để trụy lạc hóa thanh niên. Trước tình hình đó, ta chủ trương thành lập Hội truyền bá quốc ngữ để vận động trí thức và các tầng lớp trung lưu yêu nước làm nòng cốt trong phong trào đấu tranh chống lại âm mưu đó của Nhật - Pháp. Đồng chí Võ Minh Đức là hạt nhân hoạt động trong phong trào này. Ngày 15-1-1945, đồng chí Võ Minh Đức, nhà giáo đầu tiên của tỉnh TDM vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Từ đây, đồng chí trở thành một cán bộ cách mạng của Đảng, dấn thân cống hiến cho sự nghiệp xây dựng Đảng, lãnh đạo nhân dân đấu tranh.
Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí được giao nhiệm vụ Chủ nhiệm Tỉnh bộ Việt Minh, Ủy viên Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh. Suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp (1945-1954), đồng chí lãnh đạo thực hiện nhiều chủ trương, chính sách phù hợp với tình hình địa phương, tập hợp đủ các thành phần trong xã hội như công nhân, nông dân, tiểu tư sản, trí thức, địa chủ yêu nước, đủ cả lương, giáo, kinh, thương vào hàng ngũ kháng chiến.
Sau Hiệp định Giơnevơ (1954), đồng chí được Đảng chỉ thị ở lại miền Nam lãnh đạo phong trào cách mạng địa phương. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt chống Mỹ, đồng chí Võ Minh Đức với trách nhiệm là Bí thư Tỉnh ủy Thủ Dầu Một (1956-1960), Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng Thủ Dầu Một (1974-1975), đã cùng với các đồng chí cán bộ, đảng viên trong tỉnh bám trụ để góp phần lãnh đạo quân và dân trong tỉnh đánh bại các chiến lược chiến tranh tàn bạo của kẻ thù. Sau khi đất nước thống nhất, trong những năm tháng khó khăn, với cương vị là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sông Bé, đồng chí tiếp tục cùng với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tổ chức thực hiện nhiệm vụ khôi phục kinh tế, chăm lo đời sống nhân dân, ổn định xã hội và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
(Nguồn: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)
Bài 12: Phát triển nhanh và bền vững
TRÍ DŨNG