Hấp dẫn với những làn điệu âm nhạc dân tộc

Thứ hai, ngày 15/06/2020

(BDO) Hòa mình vào các chương trình biểu diễn của Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh, chúng tôi đã có dịp thưởng thức nhiều tiết mục hòa tấu nhạc cụ dân tộc rất độc đáo. Các nhạc công say sưa bên những chiếc đàn đá, đàn kìm, đàn nhị, đàn tranh, đàn tứ, đàn tứ đại, sáo trúc, trống… như thể được trải lòng cùng những làn điệu ngọt ngào của quê hương.


Tiết mục hòa tấu “Bài ca đất phương Nam” do dàn nhạc dân tộc Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh biểu diễn

Tâm đắc với tiết mục vừa xem xong, chị Hoàng Thị Cẩm Vân quê ở Hậu Giang đang ngụ tại xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo cho biết: “Tôi rất thích ca khúc “Bài ca đất phương Nam” do nhạc sĩ Lư Nhất Vũ sáng tác. Nay được thưởng thức bởi dàn nhạc hòa tấu nhạc cụ dân tộc do Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh biểu diễn, những cảm xúc và những kỷ niệm ùa về trong tôi. Hình ảnh làng quê thân quen cứ hiển hiện và cảm giác nhớ nhà, nhớ quê như được xoa dịu thật êm đềm”.

Chia sẻ với chúng tôi, Lê Anh Tùng, Đội trưởng Đội nhạc Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh cho biết, dàn nhạc dân tộc vừa thành lập được 2 năm, gồm 8 nhạc công. Đây là những nhạc công vừa chơi được nhạc điện tử, vừa chơi được nhạc cụ dân tộc và rất tâm huyết với âm nhạc dân tộc. Tính đến nay, dàn nhạc đã cùng nhau hòa tấu biểu diễn hơn 100 tác phẩm. Trong đó có nhiều ca khúc quen thuộc, như: Bài ca đất phương Nam, Lý ngựa ô, Mấy nhịp cầu tre, Tàu anh qua núi… và một số sáng tác mới đang được yêu thích như Giai điệu quê hương, Mùa trái chín, Dòng sông quê hương…

Theo Lê Anh Tùng, mỗi khi chơi nhạc cụ dân tộc anh thấy yêu và tự hào về ngôn ngữ âm nhạc cũng như âm sắc của các loại nhạc cụ dân tộc. Bởi chúng vừa thể hiện được sự sâu lắng, vừa thể hiện được sự vui tươi. Hy vọng rằng, Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh sẽ dần phát triển nguồn nhạc công và biên chế nhạc cụ ngày càng lớn hơn, để gìn giữ và phát huy nền âm nhạc dân tộc.

Những âm điệu vừa du dương vừa réo rắt của các nhạc cụ dân tộc luôn khơi gợi trong mỗi người về những kỷ niệm êm đềm của quê hương. Qua đó, nhắc nhở chúng ta cần sống và phấn đấu để có thể góp phần làm cho quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân, thiết nghĩ những ban nhạc nhạc cụ dân tộc như Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh cần được phát triển nhiều hơn, các nhạc công cũng cần nâng tầm ngón nghề của mình nhiều hơn để có thể hướng tới các sân chơi nghệ thuật toàn quốc trong những năm tới đây.

 THỤC VĂN