Hành trình không có điểm dừng
(BDO) Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của Bình Dương có sức lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp, được cả hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia. Chương trình đã tạo động lực cho kinh tế nông thôn phát triển, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được quan tâm đầu tư, bộ mặt nông thôn của tỉnh ngày càng “xanh - sạch - đẹp”. Đến cuối năm 2022 toàn tỉnh có 29/41 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người ở các xã NTM đạt 72 triệu đồng/người/năm.
Trong giai đoạn 2021-2025, chương trình được thiết kế không chỉ là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, các thiết chế cứng, mà chú trọng nhiều đến phát triển kinh tế. Trong đó, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm là yếu tố quyết định tăng thu nhập cho người nông dân ở nông thôn. Song song đó, phát triển du lịch nông thôn cũng được khuyến khích, góp phần thay đổi nếp sống nông thôn theo hướng văn minh.
Bình Dương đang tiến tới hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thành 100% xã đạt chuẩn NTM nâng cao, có ít nhất 10 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 100% huyện đạt chuẩn NTM nâng cao, tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; hoàn thành xây dựng thí điểm “Làng thông minh” trên địa bàn xã Bạch Đằng và nhân rộng đối với các xã còn lại, phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, thu nhập tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.
Hiện nay, các ngành chức năng cũng như các địa phương liên quan đang nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp để hoàn thành mục tiêu đề ra. Theo đó, các địa phương xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu theo kế hoạch năm 2023 đang nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu về cung cấp nước sạch tập trung, môi trường cảnh quan xanh sạch, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia…
Với những yêu cầu mới đặt ra trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM nâng cao và kiểu mẫu, các địa phương cần tiếp tục tập trung và ưu tiên dành nguồn lực đầu tư để bảo đảm hoàn thành các tiêu chí; đồng thời, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, bảo đảm đa dạng, thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm, nhằm huy động nội lực, khơi dậy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và sự đồng thuận trong nhân dân trong quá trình xây dựng NTM. Đặc biệt, với đặc thù xây dựng NTM gắn với phát triển đô thị, các địa phương cần tích cực xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, quan tâm quy hoạch xây dựng các vùng chuyên canh tập trung, khu bảo tồn làng nghề, phát triển dịch vụ gắn với du lịch nông thôn, du lịch sinh thái...
Xây dựng NTM là hành trình không có điểm dừng. Trên hành trình đó cần thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở với phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
PHƯƠNG ANH