Hành trình “Đi về địa chỉ đỏ”

Thứ bảy, ngày 11/08/2018

(BDO) Nhằm thiết thực tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20.8.1888 - 20.8.2018), Ban Thường vụ Tỉnh đoàn vừa phối hợp với Đảng ủy cơ quan Tỉnh đoàn tổ chức hành trình “Đi về địa chỉ đỏ” tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng.

Trong hành trình “Đi về địa chỉ đỏ”, Tỉnh đoàn đã tổ chức dâng hương, dâng hoa tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng, tham quan các phòng trưng bày truyền thống và được nghe thuyết trình về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng… Qua hành trình nhằm giúp cán bộ, đảng viên của Tỉnh đoàn tìm hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, một nhân cách lớn, được người dân Việt Nam gọi với tên thân mật là Bác Tôn.

Lãnh đạo Tỉnh đoàn và đoàn viên thanh niên chụp hình lưu niệm tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng. Ảnh: T.T

Bác Tôn Đức Thắng đã hiến dâng cả đời mình cho độc lập, tự do của dân tộc và cho lý tưởng cộng sản chủ nghĩa; là một hình ảnh trong sáng của tinh thần cách mạng bất khuất và đạo đức chí công vô tư, tác phong khiêm tốn, giản dị. Ngày 20-8-1958, nhân dịp mừng thọ Bác Tôn Đức Thắng 70 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Lệnh thưởng và đích thân gắn Huân chương Sao vàng đầu tiên của Nhà nước ta cho Bác Tôn. Tại buổi lễ trao tặng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời chúc mừng, ca ngợi: “Đồng chí Tôn Đức Thắng là một người con rất ưu tú của Tổ quốc, suốt 50 năm đã không ngừng hoạt động cách mạng. 17 năm bị thực dân Pháp cầm tù, 9 năm tham gia lãnh đạo kháng chiến, 4 năm phấn đấu để giữ gìn hòa bình thế giới và đấu tranh cho sự nghiệp thống nhất nước nhà. Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng: suốt đời cần, kiệm, liêm, chính; suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân…”.

Thông qua hành trình “Đi về địa chỉ đỏ” nhằm tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên về các di tích, bảo tàng lịch sử, các địa chỉ đỏ; qua đó góp phần nâng cao nhận thức, khơi dậy niềm tự hào, ý thức trách nhiệm của tuổi trẻ trong việc bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử; đồng thời góp phần tuyên truyền trong đoàn viên, thanh niên về truyền thống đấu tranh cách mạng và thể hiện lòng biết ơn, sự tri ân của thế hệ trẻ đối với sự hy sinh anh dũng của thế hệ cha anh.

T.T