Hành trình đi tìm các anh về
Với ý nghĩa đi tìm đồng đội, những năm qua, Ban Chỉ đạo 1237 về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ tỉnh đã khắc phục khó khăn làm tốt công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Việc làm này không chỉ thể hiện tấm lòng “Đền ơn đáp nghĩa” đối với các thế hệ cha anh mà còn giáo dục thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống anh hùng của dân tộc
(BDO)
Người dân và các cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh tham gia tìm hài cốt liệt sĩ tại xã Định An, huyện Dầu Tiếng
Gian nan tìm kiếm
Chúng tôi gặp bác Nguyễn Văn Hạnh, bộ đội biệt động huyện Dầu Tiếng, người đã có nhiều năm tham gia tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Tuy tuổi đã cao nhưng bác Hạnh vẫn tích cực tham gia công tác này. Hàng ngày, bác rong ruổi trong những lô cao su, khu ấp nghi vấn có hài cốt liệt sĩ để xác định vị trí chôn cất. Với tâm niệm đi tìm các anh về, bác Hạnh không quản ngại gian khó khảo sát thực địa, đào bới, tìm kiếm đến cùng. Bác Hạnh cho biết: “Vì nền độc lập tự do của dân tộc hôm nay, nhiều anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống, hy sinh thân mình để bảo vệ quê hương, đất nước. Họ mất đi nhưng tinh thần yêu nước luôn sáng ngời. Để tri ân công lao to lớn đó, tôi luôn tâm niệm góp sức nhỏ của mình để tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn huyện Dầu Tiếng”.
Nhớ lại hành trình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, Thiếu úy Trần Chí Dũng, Trợ lý Ban Chính sách, Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh kể lại: “Tham gia công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đã lâu nhưng tôi nhớ nhất là hành trình tìm hài cốt liệt sĩ của Trung đoàn 165, Sư 7, Quân đoàn 4. Sau hơn một ngày cật lực tìm kiếm, 15 vị trí nghi vấn trong lô 73, ấp An Lộc, Nông trường Trần Văn Lưu, xã Định An, huyện Dầu Tiếng đã được đội tìm kiếm đào bới nhưng vẫn chưa tìm được. Trước đây, lô 73 này là bãi cát trắng nhưng thực tế hiện trường là đất trộn giữa đất cát và đất thịt. Cuối cùng, đội tìm kiếm cũng phát hiện có dấu vết hài cốt ở vị trí số 9 nằm giữa lô 73. Các chiến sĩ đã tiến hành đào hết phần đất trộn với chiều sâu khoảng 40 đến 50 cm thì phát hiện hình dáng xương cánh tay của liệt sĩ đã bị phân hóa. Đang mở rộng phương án tìm kiếm thì trời đổ mưa ào ào, mây đen bao phủ bầu trời. Các chiến sĩ hối hả căng bạt che mưa bảo vệ hiện trường nhưng mưa lớn, nước đổ xối xả gây khó khăn cho việc tìm kiếm. Mưa tạnh, trời tối, đội tìm kiếm đành ra về. Sáng hôm sau, các chiến sĩ trong đội dùng thùng 25 lít múc nước lên để tiếp tục tìm kiếm nhưng hiện trường đã bị xóa sạch, dấu vết không còn nhưng họ vẫn kiên trì làm lại gần như từ đầu”.
Xung quanh những câu chuyện tìm kiếm đầy khó khăn, vất vả, điều bác Nguyễn Văn Hạnh băn khoăn nhất là nhiều anh hùng của dân tộc đã dũng cảm hy sinh qua 2 cuộc kháng chiến nhưng đến nay vẫn chưa xác định được mộ phần. Đó là trường hợp của ông Dương Danh Thắng, tham gia Ban Chấp hành Tỉnh ủy Thủ Dầu Một nhiều khóa trong thời kháng chiến chống Pháp nhưng người thân của ông không biết ông hy sinh ở đâu, năm nào, mồ mả chôn ở đâu. Hay ông Vũ Duy Hanh, Bí thư Tỉnh ủy Thủ Dầu Một từ tháng 5-1948 đến tháng 9-1949, quê Nam Định. Hiện gia đình ông Hanh vẫn đang tiếp tục tìm kiếm hài cốt. Hay gia đình anh Phạm Quang Tý, ở Hà Nội là em ruột của liệt sĩ Phạm Quang Tư và liệt sĩ Phạm Đình Lợi. 40 năm qua, gia đình anh Tý vẫn đi đi về về từ Bắc chí Nam, miệt mài theo đuổi công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ nhưng địa hình, địa vật đã thay đổi nên rất khó trong công tác khảo sát, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.
Tiếp tục đi tìm các anh
Theo số liệu thống kê của BCĐ 1237 tỉnh, trong năm 2016 đã tổ chức xác minh thông tin, khảo sát thực địa, tìm kiếm, quy tập 12 bộ hài cốt liệt sĩ, trong đó phường Vĩnh Phú (TX.Thuận An) 1 bộ; huyện Dầu Tiếng 10 bộ, TX.Bến Cát 1 bộ có họ tên, quê quán đã bàn giao cho gia đình đưa về nghĩa trang địa phương an táng, số hài cốt đã quy tập được đã bàn giao cho Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội đưa vào an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ theo quy định. Đặc biệt trong tháng 3-2016, Bộ CHQS tỉnh tiếp tục tổ chức lực lượng phối hợp khảo sát tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ tập thể của Trạm phẫu Quân y đơn vị Sư đoàn 7 hy sinh năm 1969 tại ấp Hiệp Lộc, xã Định Hiệp, huyện Dầu Tiếng kết quả chưa phát hiện được hài cốt. Một số cán bộ, chiến sĩ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ cho biết, hiện nay, số lượng hài cốt liệt sĩ phải tìm kiếm, quy tập còn nhiều trong khi đó, thông tin về mộ liệt sĩ ít dần. Hơn nữa, các lực lượng tham gia chiến đấu nay đã tuổi cao sức yếu, trí nhớ kém, sinh sống chủ yếu ở khu vực miền Bắc, một số đã từ trần nên gặp rất nhiều khó khăn trong công tác khảo sát, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Công tác thu thập, kết nối, xử lý thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu về liệt sĩ, mộ liệt sĩ cũng được Bộ CHQS tỉnh đặc biệt quan tâm. Năm qua, bộ phận giúp việc BCĐ 1237 tỉnh đã tiếp nhận và xử lý 36 thông tin do nhân dân cung cấp về khu vực chôn cất liệt sĩ, trong đó có 6 thông tin xác định được vị trí chôn cất liệt sĩ.
Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Lê Ngọc Hà, Trưởng ban Chính sách, Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh cho biết: “Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và BCĐ 1237 tỉnh Bình Dương, bằng tình cảm trách nhiệm với quyết tâm cao của các cấp, các ngành, các đoàn thể xã hội cùng các cựu chiến binh, năm 2016 đã tổ chức khảo sát, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả. Do đặc điểm tính chất của chiến tranh nên các mộ liệt sĩ nằm phân tán trên địa bàn, địa hình, địa vật có nhiều thay đổi. Trong khi đó hồ sơ, tài liệu lưu giữ còn nhiều hạn chế, thông tin về mộ liệt sĩ chưa nhiều và không cụ thể rõ ràng, thiếu chính xác. Tại các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Bình Dương còn 4.319 hài cốt liệt sĩ chưa biết danh tính. Qua các nguồn tin từ cựu chiến binh trực tiếp tham gia chiến đấu và các nguồn tin từ nhân dân cung cấp, hiện nay trên địa bàn tỉnh còn một số khu vực được cho là có mộ liệt sĩ cần phải tìm kiếm. Do vậy, nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trong thời gian tới sẽ rất nặng nề, khó khăn hơn nhưng các cán bộ, chiến sĩ BCĐ 1237 tỉnh vẫn luôn miệt mài tìm kiếm, mong sao tìm được các anh về”.
KIM HÀ