Hành trình đến với vùng đất Tây nguyên

Thứ hai, ngày 05/08/2013
10 ngày, quãng thời gian không dài nhưng đủ để 30 sinh viên tình nguyện (SVTN) trường Trung cấp Nông Lâm nghiệp Bình Dương (TCNLNBD) có nhiều trải nghiệm về cuộc sống ở vùng đất của sử thi huyền thoại. Ở đó, các sinh viên đã đem sức trẻ, bầu nhiệt huyết của mình làm nên những công trình mang đậm dấu ấn tình nguyện…Tạm xa Bình Dương, tạm biệt một thành phố sầm uất với những khu công nghiệp, những con phố và dòng người náo nhiệt, vượt qua chặng đường dài hơn 400km, 30 bạn SVTN trường TCNLNBD đều mang trong mình bầu nhiệt huyết của những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi đến với bà con xã Đắc Nuê, huyện Lắk, tỉnh Đắc Lắc. Đồng bào vùng xa vui khi có sự hỗ trợ của SVTN Những ngày tháng 7, trời mưa nhiều khiến quốc lộ 14 dường như thử thách lòng bạn trẻ. Tuy nhiên, “đường tuy dài không đi không bao giờ tới”, sau một ngày rong ruổi trên con đường gập ghềnh, mảnh đất Tây nguyên bao la, hùng vĩ dần hiện ra chào đón đoàn. Khung cảnh núi rừng trầm mặc, yên bình dần hiện ra trước mắt. Con đường nhỏ nằm giữa cánh đồng lúa xanh mơn mởn, những dãy núi chập chùng và xa xa là hồ Lắc huyền thoại, tạo nên khung cảnh sơn thủy hữu tình tuyệt đẹp… Đặt chân tới xã Đắc Nuê, đoàn SVTN được lãnh đạo xã và Ban chỉ huy chiến dịch Hè tình nguyện (HTN) đón tiếp rất nhiệt tình. Sau khi ổn định nơi ăn chốn ở, 30 bạn chia làm 2 nhóm phụ trách địa bàn buôn Kđiê 1 và buôn Kđiê 2. Đội hình tình nguyện (ĐHTN) đã thực hiện các công trình, phần việc đầu tiên như phát tờ rơi, tuyên truyền pháp luật an toàn giao thông, vệ sinh môi trường… Đặc biệt, trong đợt tình nguyện này, ĐHTN đã trao 500 cuốn vở, 68 bộ sách giáo khoa cho các em học sinh và hơn 800 bộ quần áo, 200 tạp chí, tài liệu cho bà con nhân dân, 10 suất quà nhân ngày 27-7 cho gia đình chính sách trị giá 400.000 đồng/phần. Không thể không kể đến những niềm vui của các bạn SVTN khi cùng góp sức với thanh niên của buôn làng cùng làm sân bóng chuyền, làm đường nội bộ, xóa mù chữ, sơn sửa nhà tình nghĩa cho hộ gia đình chính sách… Thật khó để quên hình ảnh các bạn SVTN sáng sáng dậy sớm ăn vội tô mì gói, uống nhanh ly trà nóng chống lại cái lạnh buổi sáng Tây nguyên rồi hăm hở cùng các thanh niên tình nguyện địa phương thực hiện các công việc trong chiến dịch. Sau mỗi chuyến đi, hành lý của các sinh viên mang về là rất nhiều những câu chuyện. Đó là hình ảnh về những mái nhà sàn, những em bé khao khát biết con chữ… Đó không phải là những câu chuyện bâng quơ mà là sự trăn trở của những nhân cách đang được hình thành. Bạn Nguyễn Hùng Hậu, (sinh viên năm 2, khoa Địa Chính) tâm sự: “Các em đã cùng ăn, cùng ở, cùng đổ mồ hôi với đồng bào miền núi. Với em, mỗi giọt mồ hôi đổ xuống vùng đất này là một nấc thang trưởng thành về nhận thức. Từ bàn tay vốn quen cầm bút giờ trở nên rắn rỏi hơn khi lăn xả vào những công việc đắp đường, đào đất, trộn vữa, đổ bê tông, xây, sửa trường học, trạm xá, ủy ban...”. Và cũng chính những bàn tay ấy lại dịu dàng tắm gội, dạy học cho những em thơ lem lút bởi đất, bụi và nhựa cây rừng. Những ngày mưa tháng 7, lầy lội nơi vùng đất núi rừng hùng vĩ, màu áo xanh vẫn như rực sáng một khát vọng chinh phục chính mình và chinh phục khó khăn. Anh Niê Y Chiến, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên huyện Lắk, cho biết: “Thời gian ĐHTN tỉnh Bình Dương tới thực hiện HTN tại xã Đắc Nuê đã tạo ra một sân chơi bổ ích cho thanh niên tại địa phương, đồng thời thực hiện các phần việc hết sức nhanh gọn, chỉ trong vòng 10 ngày, khối lượng công việc thực hiện đã đạt 95% kế hoạch. Dù thời tiết xấu, xã Đắc Nuê lại là địa bàn phức tạp với 93% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn hạn chế, nhưng các bạn SVTN đã để lại ấn tượng tốt với người dân, cụ thể bằng các phần việc thiết thực như: làm sân bóng chuyền, thăm gia đình chính sách, dạy học cho trẻ, chuyển giao khoa học công nghệ với kỹ thuật trồng cây cà phê, chăn nuôi heo… góp phần giúp địa phương hoàn thành quá trình xây dựng nông thôn mới”. “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, những câu nói ấy chưa bao giờ sáo rỗng bởi những “chất” mà thanh niên tạo nên. Nhìn mỗi gương mặt trẻ thơ lam lũ ngời lên niềm vui khi được đón nhận những món quà nhỏ bé, những ánh mắt người già ánh lên khi buôn làng khang trang hơn, các em đã thực sự xúc động và trân trọng hơn hạnh phúc giản dị của cuộc đời. Thầy Nguyễn Bá Biên, Bí thư Đoàn trường TCNLNBD, nói: “Dù chuyến đi gặp không ít khó khăn, nhưng bằng những phần việc cụ thể, bằng những nỗ lực từ mỗi cá nhân, tôi tin rằng đây là một bài học vô cùng quý về cuộc sống mà không trường lớp nào dạy được đối với mỗi bạn sinh viên”. Hành trình đến với miền đất Tây nguyên tạm khép lại và một hành trình mới đang mở ra với mỗi bạn sinh viên. Chúng tôi tin rằng, sau hành trình ấy mỗi cá nhân đều có riêng những trăn trở, những kỷ niệm không bao giờ quên về một mùa hè xanh nhiều ý nghĩa.THANH LÊ