Hành trình đến chân lý cách mạng của thời đại
(BDO) Cách đây 110 năm, ngày 5-6-1911 đã trở thành một dấu mốc không thể nào quên đối với người dân Việt Nam, đó là ngày Bác Hồ kính yêu của chúng ta ra đi tìm đường cứu nước. Không cam tâm nhìn cảnh nước mất, nhà tan, nhân dân lầm than, cực khổ, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã rời xa Tổ quốc, bắt đầu cuộc hành trình 30 năm tìm đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Từ bến cảng Nhà Rồng, Bác đã lên chiếc tàu mang tên Amiral Latouche Tréville với hai bàn tay trắng cùng khát vọng: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”.
Bản đồ Hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Bác Hồ do Nhà xuất bản Trẻ ra mắt nhân Kỷ niệm 110 năm ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước
Đi tìm hình cho đất nước
Vào những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, nước ta bị thực dân Pháp thống trị. Không cam chịu nô lệ, nhiều nhà yêu nước như Phan Chu Trinh, Nguyễn Thái Học, Hoàng Hoa Thám, Lương Văn Can... đi tìm đường cứu nước, nhưng kết cục đều thất bại. Sớm thấu hiểu tình cảnh nước mất, nhà tan và nỗi thống khổ của nhân dân, người thanh niên Nguyễn Tất Thành cũng ngưỡng mộ và kính trọng lòng yêu nước, dũng cảm, kiên cường của các bậc tiền bối. Nhưng Người cũng sớm nhận ra rằng con đường do những người đi trước mở ra không phải là hướng đi phù hợp mà cần thiết phải có con đường mới phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc; phải ra nước ngoài xem nước Pháp và các nước độc lập phát triển như thế nào để trở về giúp đồng bào ta, đất nước ta thoát khỏi cảnh áp bức, nô lệ.
Nung nấu quyết tâm đi tìm đường cứu nước mới, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã đi bộ từ Phan Thiết, vượt qua những khó khăn trở ngại, nhiều khi lả đi vì đói, vì mệt, vì khát để tới Sài Gòn, tìm cơ hội thực hiện ý định của mình. Đến Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành nhanh chóng tìm được một trường kỹ thuật do Pháp quản lý, ở đó thủy thủ Việt Nam được dạy về hàng hải, về giao thông vận chuyển hàng… Trong những ngày đó, Người thường xuyên đến bến cảng Nhà Rồng và hình ảnh những chiếc tàu neo bến gợi trong lòng Người bao suy nghĩ. Và, ngày 5-6-1911, trên con tàu Amiral Latouche Tréville từ bến cảng Nhà Rồng, tự giới thiệu là Văn Ba xin làm phụ bếp, Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc, bắt đầu cuộc hành trình 30 năm tìm con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước.
“Luận cương
của Lênin theo Người về quê Việt”
Trong vòng 10 năm, từ năm 1911-1920, Người đã tận dụng mọi cơ hội để được đến nhiều nơi trên thế giới. Bàn chân của Người đã từng in dấu qua gần 30 nước thuộc các đại lục Âu, Á, Phi, Mỹ. Đặc biệt, Người đã dừng chân khảo sát khá lâu ở 3 nước đế quốc lớn nhất thời đó là Mỹ, Anh và Pháp. Với những chuyến đi, Người tranh thủ mọi thời cơ để học hỏi, nghiên cứu các học thuyết cách mạng, hòa mình vào thực tiễn đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước tư bản và thuộc địa, từ đó Người đã bổ sung được cho mình những kiến thức vô cùng phong phú với một tầm nhìn hết sức rộng lớn và bao quát.
Từ hành trình qua các châu lục của mình, Người rút ra kết luận là chủ nghĩa đế quốc, thực dân là cội nguồn của mọi đau khổ cho giai cấp công nhân và nhân dân ở các nước chính quốc cũng như thuộc địa. Cũng từ đấy, Người đã tìm đến chủ nghĩa Mác - Lênin, tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp cuối năm 1920 và xác định con đường cứu nước, con đường giải phóng dân tộc: Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ. “Luận cương đến với Bác Hồ. Và Người đã khóc/Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin/Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp/ Tưởng bên ngoài, đất nước đợi mong tin/Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc: Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi!”
Từ năm 1921-1930, Nguyễn Ái Quốc ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị về lý luận cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” và “Đường Kách mệnh”, đặc biệt là việc xuất bản tờ Báo Thanh Niên ra ngày 21-6-1925, Người đã chuẩn bị về đường lối chính trị để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong thời gian này, Người cũng tập trung cho việc chuẩn bị về tổ chức và cán bộ, lập ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (năm 1925), tổ chức nhiều lớp đào tạo cán bộ và gửi đi học ở Liên Xô... Khi điều kiện thành lập Đảng đã chín muồi, ngày 3-2-1930, dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc tại Hương Cảng (Trung Quốc), hội nghị hợp nhất 3 tổ chức cộng sản đã nhất trí thành lập một đảng thống nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản có ý nghĩa như là một đại hội thành lập Đảng. Sự ra đời của Đảng là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin, phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong cách mạng Việt Nam, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối chính trị, về con đường cứu nước, cứu dân, thống nhất đất nước, thoát khỏi ách áp bức của thực dân, phong kiến, thoát khỏi bần cùng, lạc hậu.
Sau 30 năm bôn ba nước ngoài, qua 3 đại dương, 4 châu lục và 30 quốc gia, bằng sự kiên trì, bản lĩnh và trí tuệ, Bác Hồ đã tìm ra con đường giải phóng dân tộc Việt Nam: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Mùa xuân năm 1941, Người về nước cùng với Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã thành công, ngày 2-9-1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đánh dấu một mốc son trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Từ đó đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng theo con đường của Bác đã chọn, đất nước ta đã giành được những thắng lợi to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Chính trị, xã hội ổn định, an ninh, quốc phòng được giữ vững. Vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng nâng cao.
ĐÀM THANH (tổng hợp)