Hành trang quý cho những người lầm lỗi trở về
Họ đã biết đọc chữ, biết yêu thương có lý tưởng, có mơ ước, có khát vọng... Những giá trị tốt đẹp đó tưởng chừng như bị đánh mất, nhưng rồi họ đã tìm lại được trong những ngày tháng bị cách ly khỏi xã hội vì hành động sai trái của mình tại Trại giam Bến Lớn của Công an tỉnh. Một lần nữa, pháp luật trao cho họ cơ hội hưởng thụ những giá trị mới của cuộc sống. Nhân dịp Quốc khánh 2-9, chúng tôi muốn nói đến 95 phạm nhân đang được xét đặc xá tại trại giam này...
Giúp họ nhận ra sai lầm
Phạm nhân tại Trại giam Bến Lớn của Công an tỉnh đang chấp hành án phạt bởi trước đây, ngoài xã hội, họ có thể là những tên cướp giật, trộm cắp, đâm thuê, chém mướn, lưu manh chuyên nghiệp... Họ không từ một thủ đoạn nào để thực hiện hành vi phạm tội và luôn “coi trời bằng vung”. Họ là những học sinh, sinh viên đang ngồi học tập trên ghế nhà trường; những cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước nghiêm trang, đạo mạo; những nông dân lam lũ, thật thà, chất phác vì những giây phút thiếu suy nghĩ phải nhận án phạt thích đáng của pháp luật.
P.V Báo Bình Dương phỏng vấn các phạm nhân chuẩn bị được đặc xá
Để giáo dục, cảm hóa được những con người đã một thời “ngang dọc”, quen lối sống tự do, phóng túng hoặc những con người chuyên tìm kẻ hở của luật pháp để làm lợi cho bản thân, suốt ngày quanh quẩn chạy lo cơm áo gạo tiền, không quan tâm gì đến pháp luật, Phó Giám thị Trại giam Bến Lớn Hà Tấn Phú, cho biết: “Mục đích cuối cùng là khi trả họ về với gia đình, cộng đồng xã hội, họ là một người lương thiện, một công dân tốt, sống có ích cho gia đình và xã hội”.
Nhiều năm nay, cùng với những “giáo án” thích hợp, Trại giam Bến Lớn đã xây dựng một đội ngũ cán bộ quản giáo có khả năng giáo dục, truyền đạt tốt; giỏi về nghiệp vụ, nắm chắc kiến thức pháp luật, có kiến thức xã hội sâu rộng, am hiểu được tâm lý của từng thành phần, độ tuổi; có lòng kiên nhẫn, kiên trì trong giáo dục phạm nhân; có tấm lòng yêu thương bao la, rộng mở đối với những con người đã lầm lỗi và kiên trì “gieo mầm thiện” cho họ; giúp họ nhận ra những giá trị chân, thiện, mỹ trong cuộc sống và tích cực cải tạo, sửa chữa bản thân để trở thành một người tốt”.
Mỗi buổi sáng sau khi tiếng kẻng báo thức vang lên là bắt đầu một ngày làm việc mới của các cán bộ quản giáo, như tổ chức cho phạm nhân nghe chương trình phát thanh pháp luật hình sự, nội quy, quy chế trại giam; đọc báo sáng để thu thập nắm bắt thông tin, kiến thức; kiểm tra trật tự nội vụ, vệ sinh của từng buồng giam; kiểm tra, nhắc nhở, chấn chỉnh về tư thế tác phong của từng phạm nhân; xử lý những phạm nhân vi phạm nội quy trại giam; gặp gỡ, giáo dục những phạm nhân cá biệt; tổ chức lao động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân với các hoạt động gia công đan lát, đan lồng lưới...
Mọi hoạt động của phạm nhân đều diễn ra dưới sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ và sự hướng dẫn, giúp đỡ tận tình của các cán bộ quản giáo; những thắc mắc, cự cãi nhỏ nhặt giữa các phạm nhân đều được cán bộ quản giáo kịp thời có mặt giải quyết ổn thỏa; những phạm nhân có biểu hiện chểnh mảng trong lao động lập tức được cán bộ quản giáo kêu gọi, nhắc nhở.
Nhìn những bàn tay tỉ mỉ khâu, đan từng sợi dây nhựa, dây lục bình để làm nên từng lồng lưới, bình cắm hoa, chậu hoa... ít ai nghĩ rằng những bàn tay này trước kia đã từng thực hiện những hành vi trộm cắp, cướp giật, đâm thuê, chém mướn, lừa đảo... để kiếm những đồng tiền tội lỗi phục vụ cho nhu cầu tiêu khiển thấp kém của bản thân.
Bài học đối nhân xử thế
Bên cạnh các hoạt động giáo dục hàng ngày, để giúp phạm nhân nhận thức được những giá trị chân, thiện, mỹ trong cuộc sống, trại còn tổ chức nhiều lớp học tập trung để giáo dục phạm nhân những bài học về cách thức đối nhân, xử thế; tình yêu đối với quê hương, đất nước; bồi dưỡng tình cảm, lòng tự hào dân tộc; phổ biến những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước... những điều mà trước kia ít có phạm nhân nào quan tâm tới và cũng không cần quan tâm tới. Nhưng nay, qua những bài học cán bộ quản giáo truyền đạt, họ mới thấu hiểu, mới biết trân trọng các giá trị của tình người, sức lao động chân chính, những hành vi, nghĩa cử cao đẹp... Họ cảm nhận được tình thương yêu, sự quan tâm sâu sắc của toàn xã hội, gia đình dành cho họ. Tấm lòng bao dung, rộng mở của người thân, gia đình, bạn bè và cộng đồng xã hội luôn mong ngóng, đợi chờ sự trở về của những con người từng lầm lỗi nhưng đã biết hối hận và phục thiện. Từ đó giúp họ chuyển biến về nhận thức, xóa bỏ tâm lý tự ti, mặc cảm để cố gắng vươn lên trong học tập, lao động và cải tạo bản thân.
Phạm nhân lao động trồng thêm rau sạch
Để tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh cho phạm nhân và làm phong phú đời sống tinh thần cho phạm nhân, thông qua những ngày nghỉ hay lễ, tết, cán bộ quản giáo còn tổ chức cho phạm nhân tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, cụ thể như hội thi tiếng hát karaoke, tìm hiểu pháp luật, tìm hiểu lịch sử dân tộc; sáng tác thơ, ca, làm báo tường; các giải bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn... Thông qua tất cả các hoạt động đó giúp cho phạm nhân cảm thấy tự tin, lạc quan hơn trong cuộc sống, cùng đoàn kết, gắn bó với nhau để thi đua, phấn đấu trong quá trình học tập, lao động, cải tạo tốt tại trại.
Những phạm nhân lầm lỗi, sai phạm, không tuân thủ sự giáo dục, hướng dẫn của cán bộ được cán bộ tìm hiểu kỹ nguyên nhân, gặp gỡ hàng ngày và kiên trì phân tích cho họ cái đúng - sai, thiện - ác; đồng thời động viên, thuyết phục họ tiếp tục phấn đấu trong học tập, cải tạo bản thân. Để thể hiện sự quan tâm thiết thực đến từng phạm nhân, Ban giám thị và tập thể cán bộ chiến sĩ của Trại giam Bến Lớn luôn quan tâm, chăm lo đến việc thực hiện các chế độ chính sách cho phạm nhân một cách công bằng và đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật. Tất cả những hành động đó làm cho phạm nhân nhận thức sâu sắc được chân lý, lẽ phải, cảm nhận được sự quan tâm, chăm lo của cán bộ dành cho họ từ đó biến nhận thức thành hành động, ra sức phấn đấu trong học tập, cải tạo để trở thành một người lương thiện để không phụ lòng mong mỏi, kỳ vọng của cán bộ, người thân, gia đình và xã hội.
Có người nói, phạm nhân là những “con bệnh” với những “căn bệnh tâm hồn”, còn người cán bộ quản giáo là những “bác sĩ” điều trị những “căn bệnh tâm hồn” đó. Với những gì mà tập thể cán bộ, chiến sĩ của trại đã làm, đang làm và sẽ làm trong công tác giáo dục phạm nhân, chắc chắn những phạm nhân này khi trở về với cộng đồng xã hội sẽ là những công dân tốt, sống có ích cho gia đình, xã hội.
PHAN TUẤN VŨ ngụ Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP.HCM: Em phạm tội “cướp giật tài sản”. Với hành động sai trái đó, em bị tuyên án 38 tháng tù. Những ngày ở trong tù chấp hành hình phạt, nhờ cán bộ trong trại động viên và dạy chữ, em đã lấy lại tự tin cho bản thân mình. Sau khi ra tù, em sẽ cố gắng làm lại cuộc đời.
LÊ THỊ TUYẾT HỒNG ngụ xã Đồng Sơn, Gò Công Tây, Tiền Giang: Tôi phạm tội chứa mại dâm, tòa tuyên án 5 năm 6 tháng tù giam. Thời gian ở trại, tôi học được nhiều bài học quý, ân hận với hành vi sai trái của mình. Nếu được Nhà nước đặc xá, tôi sẽ cố gắng làm ăn, tham gia hoạt động để trở thành một công dân tốt.
TRẦN VĂN LƯ ngụ Phú Giáo: Do vô ý trong lúc chạy xe tải, tôi gây tai nạn giao thông chết người. Tòa tuyên án 2 năm tù. Trong những ngày chấp hành hình phạt, tôi buồn lắm và tự khuyên nhủ mình cũng như các tài xế khác nên có ý thức về an toàn giao thông, đừng quá nôn nóng, ảnh hưởng tính mạng con người. Nếu được đặc xá, tôi sẽ cố gắng hòa nhập nhanh với cộng đồng, trở thành một công dân có ích và thành viên gương mẫu của gia đình.
Hòa Nhân - Hồ Văn