Hành lang pháp lý cho BOT

Thứ sáu, ngày 08/09/2017

(BDO) Trong thời gian qua, nhiều dự án BOT giao thông đã gây bức xúc trong dư luận, điển hình như Trạm BOT Cai Lậy, Trạm BOT quốc lộ 5… Trước thực trạng trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu cơ quan chức năng xử lý nghiêm vi phạm, chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong thực hiện các dự án BOT; đồng thời, kiên quyết không để vấn đề BOT tiếp tục gây bức xúc trong dư luận.

Theo các chuyên gia, chủ trương BOT là đúng đắn, tuy nhiên đã có nhiều bất cập xuất hiện trong triển khai thực hiện các dự án BOT thời gian qua như đặt vị trí trạm chưa hợp lý, mức phí còn cao…

Vì vậy, cần phải có hành lang pháp lý chặt chẽ để các dự án BOT thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông còn yếu và thiếu của đất nước. Có như thế mới tạo sự đồng thuận trong nhân dân, bảo đảm quyền lợi cho người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội nói chung. Theo ông Đoàn Huy Vinh, Phó Kiểm toán trưởng Kiểm toán Chuyên ngành 2, Kiểm toán Nhà nước thì ngân sách cho đầu tư phát triển ngày càng hạn hẹp nhưng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ngày càng cao. Nhờ BOT mà đã nâng cấp và cải tạo được hơn 2.500km đường, 500km đường được làm mới. Liên quan vấn đề này, trong buổi tọa đàm về BOT giao thông ngày 7-9, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhận định: Về vĩ mô, BOT là phương án phù hợp với chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tuy nhiên, cần hoàn thiện cơ sở pháp lý về đối tác công - tư. Các cơ sở pháp lý này cần mang tính bao trùm và xử lý được các vấn đề tồn tại để thực hiện công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Các dự án giao thông quan trọng đều là những dự án hàng ngàn tỷ đồng nếu không đa dạng hóa nguồn vốn như BOT, BT… thì rất khó để phát triển hạ tầng, làm động lực cho phát triển kinh tế, xã hội được. Đảng ta đã xác định phải phát triển kết cấu hạ tầng bằng nhiều hình thức khác nhau để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Nhờ đó mà hiện nay về hạ tầng cơ sở của Việt Nam đã được nâng thứ hạng lên vị trí 68/170 nước trong 5 năm qua. Đây chính là một thành công từ huy động nguồn lực nhàn rỗi tham gia phát triển kết cấu hạ tầng, nhiều địa phương đã có đường sá tốt, tạo cú hích cho phát triển kinh tế.

Giải pháp mà các chuyên gia đưa ra là phải hoàn thiện chính sách, cơ chế BOT, phải trình Quốc hội các nghị định về đối tác công- tư, từ đó phát triển thành luật áp dụng vào thực hiện BOT. Song song đó là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, đặc biệt là công tác giám sát của người dân. Minh bạch hóa các công trình BOT, tuyên truyền cho người dân hiểu được mặt tích cực của BOT nhằm tạo sự đồng thuận để góp phần đưa đất nước ngày càng phát triển

T.ĐỒNG

Từ khóa: