Hàng xuất khẩu Việt Nam mới chiếm 1,4% nhu cầu nhập khẩu của Brazil
(BDO) Trong 2 năm qua, mặc dù dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến nền kinh tế nhưng hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Brazil vẫn có sự tăng trưởng, doanh nghiệp hai bên vẫn còn nhiều cơ hội nâng cao kinh ngạch thương mại trong thời gian tới vì cơ cấu hàng hóa trong trao đổi giữa hai nước mang tính bổ sung cho nhau.
Ông Ngô Xuân Tỵ, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Brazil cho biết, Brazil là thị trường tiêu thụ lớn nhất khu vực Nam Mỹ với quy mô dân số lên đến 200 triệu người. Trung bình mỗi năm, Brazil nhập khẩu hơn 236 tỷ USD hàng hóa; trong đó có 30% hàng hóa đến từ khu vực châu Á.
“Hiện Brazil là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Nam Mỹ, ngược lại Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Brazil tại Đông Nam Á. Tuy nhiên, quan hệ thương mại giữa 2 nước vẫn còn khiêm tốn, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này chỉ chiếm 1,4% nhu cầu nhập khẩu của Brazil. Các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như da giày, quần áo chỉ đáp ứng khoảng 6% -7% nhu cầu tiêu thụ của Brazil. Vì vậy Brazil vẫn là thị trường giàu tiềm năng cho hàng hóa Việt Nam”, ông Tỵ đánh giá.
3 tháng đầu năm 2022, sản phẩm mây, tre, cói và thảm của Việt Nam xuất khẩu sang Brazil đạt 609,79 nghìn USD, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm trước.
Thời gian gần đây, nhiều mặt hàng của Việt Nam rất được người tiêu dùng Brazil quan tâm. Mặc dù vậy, thị phần hàng hóa Việt Nam tại thị trường này còn rất khiêm tốn, chỉ ở mức 1,5% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa mỗi năm của Brazil.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 3 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Brazil đạt 1,7 tỷ USD, tăng 11,9% so với năm 2021. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Brazil đạt 533,2 triệu USD, tăng 3,5%; Việt Nam nhập khẩu từ Brazil đạt 1,175 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2021.
Các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang Brazil trong 3 tháng đầu năm 2022 tăng mạnh ở một số mặt hàng, như sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ đạt 242.4 nghìn USD, tăng 333%; sản phẩm mây, tre, cói và thảm đạt 609,79 nghìn USD, tăng 25,6%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 40,58 triệu USD, tăng 52,93%; hàng thủy sản đạt 32,16 triệu USD, tăng tới 73%; cao su đạt 6,85 triệu, tăng 66,81%, điện thoại các loại và linh kiện đạt 191 triệu USD, tăng 39,54% so với cùng kỳ năm trước.
Dự báo thời gian tới xuất khẩu các mặt hàng tiêu dùng sang Brazil tăng cao khi các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội được gỡ bỏ toàn bộ và chiến dịch tiêm vaccine được thực hiện trên toàn quốc với tốc độ nhanh với tỷ lệ phủ sóng vaccine cao. Các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam có thể thúc đẩy phát triển thị trường Brazil khi nhu cầu tiêu dùng rất cao và Brazil không phải là thị trường khó tính./.
Theo VOV