Hàng việt về khu, cụm công nghiệp: Đưa hàng Việt vươn xa

Thứ hai, ngày 28/10/2019

(BDO)  Những năm qua, các sở, ngành liên quan, đoàn thể chính trị - xã hội và doanh nghiệp (DN) trong tỉnh đã quan tâm xây dựng các mô hình cung ứng hàng Việt vào các khu, cụm công nghiệp, vùng nông thôn. Đây là cầu nối hiệu quả giữa DN và người tiêu dùng để tiếp cận, đưa hàng Việt vươn xa.

 Người dân mua sắm tại phiên chợ đưa hàng Việt về khu - cụm công nghiệp ở TX.Bến Cát. Ảnh: TRÚC HUỲNH

 Nhiều mô hình tiêu thụ hàng Việt

Một trong những mô hình thiết thực hiện nay là siêu thị công đoàn. Điển hình như Công ty Cổ phần Sao Việt (Khu công nghiệp Đồng An, TX.Thuận An). Tại đây, hàng ngày từ 15 - 21 giờ tối, cửa hàng bày bán hơn 800 mặt hàng Việt với đủ các mặt hàng thiết yếu như gạo, rau, thịt, dầu ăn, đồ gia dụng… giá bán khuyến mại giảm từ 5 - 40%. Hàng hóa ở đây hầu hết đã được cắt giảm các chi phí nên được bán với giá gốc, chất lượng sản phẩm được Công đoàn công ty giám sát.

Anh Nguyễn Bình Yên, Chủ tịch Công đoàn cơ sở công ty, cho biết công ty có hơn 4.000 lao động, thu nhập bình quân khoảng 7 triệu đồng/người/tháng. Xuất phát từ việc vì sức khỏe của công nhân lao động, tháng 8-2013 công ty đã thành lập siêu thị công đoàn và phát huy hiệu quả.

Chị Nguyễn Thị Thanh Tâm, công nhân tại Khu công nghiệp Đồng An, chia sẻ trước đây chị thường chọn mua hàng ngoại vì cho rằng hàng ngoại tốt hơn hàng nội. Nhưng từ khi công ty có siêu thị nội bộ, chị nhận ra hàng Việt có mẫu mã đa dạng, chất lượng không kém gì hàng nhập khẩu và quan trọng hơn cả là giá bán hợp lý, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nên chị luôn ưu tiên mua hàng Việt.

Trong khi đó, các công ty như Giày Thái Bình, May 3-2, Shyang Hung Cheng, Yazaki, PungKook Sài Gòn II… mở siêu thị mini, cửa hàng nội bộ, cửa hàng tự chọn tại công ty. Các công ty này còn có các mô hình cung ứng theo hình thức phát voucher, mô hình gạo sạch cho công nhân, các điểm bán hàng cố định, các chuyến hàng lưu động theo định kỳ tại các khu công nghiệp... để hỗ trợ công nhân mua hàng Việt, từ đó tạo sự lan tỏa cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”...

Đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, thời gian qua đơn vị đã ký kết thỏa thuận triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với 34 đơn vị, DN trong nước nhằm cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cho người lao động hàng hóa có chất lượng.

Hàng năm, vào Tháng Công nhân (tháng 5), Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, Ngày Pháp luật Việt Nam… các cấp công đoàn trong tỉnh đều tổ chức chuỗi chăm lo cho công đoàn viên, người lao động, như các chương trình lễ hội tết công nhân, bán hàng giá ưu đãi, tặng quà cho người lao động khó khăn với các sản phẩm Việt. Hàng năm, các hoạt động này thu hút trên 400.000 công đoàn viên, người lao động tham gia, tổng giá trị hàng hóa khoảng 100 tỷ đồng.

Để hàng Việt lan tỏa

Trong 10 năm (2009-2019) thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Sở Công thương đã tổ chức thành công 108 phiên chợ tại các khu vực nông thôn, khu, cụm công nghiệp với tổng doanh thu đạt 50,325 tỷ đồng. Bình quân mỗi phiên chợ có 20 - 25 DN tham gia với khoảng 40 - 45 gian hàng, thu hút khoảng 12.000 lượt khách tham quan, mua sắm. Tại mỗi phiên chợ các DN đều bán hàng khuyến mại, giảm giá phục vụ công nhân, nhân dân vùng nông thôn

Bà Trần Thị Hồng Hạnh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cho biết những năm qua cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được các cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, sâu sát. Cuộc vận động có sự tham gia hưởng ứng của đông đảo nhân dân. Các đơn vị đã triển khai thực hiện các nội dung của cuộc vận động bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Từ đó giúp các DN có điều kiện kết nối trực tiếp với người tiêu dùng, sản xuất hàng hóa có chất lượng tốt, mẫu mà phù hợp thị hiếu khách hàng, giá thành hợp lý và có sức cạnh tranh cao. Các DN cũng tích cực hỗ trợ đoàn viên, công nhân lao động mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước chất lượng.

Tuy vậy, theo bà Hạnh, để hàng Việt có chỗ đứng vững chắc trên thị trường cần sự nỗ lực nhiều hơn nữa từ các bên liên quan. Bởi trên thực tế, hàng giả vẫn chưa được kiểm soát triệt để. Đối với các DN, cần chủ động tham gia phiên chợ tổ chức tại các khu, cụm công nghiệp; sản xuất ra các sản phẩm chất lượng, chinh phục lòng tin của khách hàng…

Ông Hồ Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Công thương, nhận xét việc tổ chức các phiên chợ Việt tại các vùng nông thôn, khu, cụm công nghiệp hỗ trợ DN bán lẻ quảng bá thương hiệu, khai thác thị trường nông thôn rộng lớn. Chương trình này đã giúp DN và người dân có cơ hội giao lưu, trao đổi, tương tác nhiều hơn. Qua đó tạo điều kiện để DN nghiên cứu nhu cầu, tập quán, khả năng tiêu dùng tại mỗi địa phương, từ đó điều chỉnh sản xuất để đưa ra thị trường những sản phẩm Việt chất lượng, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng; tổ chức kênh phân phối phù hợp, nâng cao thị phần tại thị trường trong nước.

Hoạt động này còn giúp người tiêu dùng chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng Việt.

Ông Hồ Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết trong thời gian tới sở tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; vận động DN tích cực tham gia chương trình bình ổn thị trường bằng các hình thức tổ chức bán hàng lưu động, phiên chợ vui, hàng Việt về nông thôn, khu, cụm công nghiệp. Sở cũng hỗ trợ DN tham gia hội chợ triển lãm chuyên ngành tổ chức tại các tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm giúp DN quảng bá sản phẩm, mở rộng hệ thống phân phối, nâng cao thị phần nội địa...   

TRÚC HUỲNH