Hàng Việt tại chợ nông thôn: Nhiều lựa chọn cho người dân
Tại các vùng nông thôn, chợ từ lâu được coi là nét đẹp đặc trưng trong văn hóa thương mại của người Việt. Với sự giao thoa, hội nhập kinh tế sâu rộng và sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế nước ta, nhiều mặt hàng đã có mặt tại chợ nông thôn, trong đó các mặt hàng Việt đã dần chiếm phần lớn tại đây.
Người dân chọn mua hàng Việt Nam chất lượng cao tại chợ Lai Uyên. Ảnh: H.PHẠM
Sản phẩm đa dạng
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được các cấp, các ngành và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai rộng khắp; các mặt hàng do doanh nghiệp trong nước sản xuất đã được phân phối đến các chợ truyền thống tại khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa đáp ứng được yêu cầu của người dân. Người dân cũng đã nhận biết và lựa chọn các sản phẩm hàng Việt cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.
Chị Thu ở xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, cho biết trước đây gia đình chị thích dùng hàng ngoại nhập, nhưng hiện nay hàng Việt chất lượng ngày càng cao, mẫu mã đa dạng và không thua kém gì hàng ngoại nhập nên gia đình thường chọn sản phẩm sản xuất trong nước để sử dụng như thực phẩm, bột giặt, nước rửa chén, giày dép...
Ghi nhận tại chợ Lai Uyên (huyện Bàu Bàng) cho thấy các mặt hàng Việt chiếm đến 90%, trong đó những mặt hàng có tem chứng nhận “hàng Việt Nam chất lượng cao” chiếm hơn 60%. Cô Ánh, chủ tiệm tạp hóa ở đây cho biết trước đây các mặt hàng ngoại nhập thường chiếm số lượng lớn, nhưng gần đây hàng Việt được bà con lựa chọn mua nhiều hơn do sản phẩm đa dạng, chất lượng tốt, giá cả lại phù hợp. Tại tiệm tạp hóa của cô Ánh, đa số là hàng Việt. Đối với những sản phẩm văn phòng phẩm hàng Việt cũng chiếm phần lớn từ vở, bút, viết, ba lô đến cục gôm, đồ gọt bút chì... Chị Nhàn, chủ cửa hàng văn phòng phẩm chia sẻ, hầu hết mặt hàng văn phòng phẩm Việt bán rất chạy, người tiêu dùng đánh giá cao, ít có phàn nàn về chất lượng, mẫu mã.
Sức mua “theo mùa”
Thu nhập chính của người dân khu vực nông thôn hiện nay chủ yếu là từ nông nghiệp nên việc mua sắm cũng “theo mùa”. Cô Ánh cho biết từ sau Tết Nguyên đán Ất Mùi đến nay sức mua giảm mạnh. Ở đây chủ yếu người dân trồng cao su, gần tết là hết mùa cạo nên mọi người mua sắm nhiều mặt hàng để sử dụng trong dịp tết và sau tết. Từ đầu tháng 6 sức mua có tăng đôi chút do bắt đầu mùa cạo mới, các mặt hàng bán chủ yếu là nhu yếu phẩm dùng hàng ngày.
“Đối với các mặt hàng như vở, bút bán được nhưng số lượng không nhiều do chưa vào thời điểm năm học mới. Ngoài ra do mủ cao su năm nay chưa được giá nên phụ huynh chỉ hỏi giá cả, thậm chí một số phụ huynh còn đặt vấn đề mua lại sách giáo khoa cũ để giảm bớt chi phí”, chị Nhàn cho biết thêm.
Nhiều tiểu thương ở chợ Lai Uyên đều có chung nhận xét, hiện tại tình hình buôn bán gặp nhiều khó khăn, người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu và chỉ mua sắm nhiều vào các dịp lễ. Cô Thêm, chủ ki-ốt tạp hóa cho biết trong dịp tết buôn bán được, còn thời điểm này khách đến mua không nhiều như những năm trước. Hy vọng dịp vào năm học mới sắp tới việc buôn bán sẽ khá lên.
Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bàu Bàng, cho biết thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hệ thống Mặt trận các cấp trong huyện đã phối hợp với các tổ chức thành viên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân sử dụng hàng Việt Nam. Ngoài ra Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện còn phối hợp với các doanh nghiệp đưa hàng về chợ nông thôn, khu dân cư để người dân có thể lựa chọn được những sản phẩm Việt có chất lượng cao, từ đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc ủng hộ, sử dụng hàng Việt và doanh nghiệp trong việc tự đổi mới công nghệ để có những sản phẩm hàng hóa chất lượng cao. Tới đây Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện sẽ làm việc với các doanh nghiệp để có kế hoạch phân phối hàng hợp lý và xây dựng các chương trình để phục vụ nhu cầu của người dân.
HOÀNG PHẠM