Hàng Việt “phủ sóng” thị trường nội địa

Thứ sáu, ngày 23/06/2023

(BDO)

Ủy ban MTTQ Việt Nam phường An Thạnh (TP.Thuận An) tổ chức “phiên chợ 0 đồng” và tuyên truyền cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Ảnh: THÀNH CHUNG

Tin dùng hàng Việt

Hiện nay, hệ thống phân phối hàng hóa tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đã phát triển khá toàn diện với 98 chợ, 12 siêu thị, 5 trung tâm thương mại. Các doanh nghiệp (DN) bán lẻ trên địa bàn tỉnh còn phát triển mạng lưới với 222 cửa hàng tiện lợi, vươn tới các địa phương vùng xa, vùng nông thôn của tỉnh. Hệ thống các kênh phân phối hàng hóa với nguồn hàng Việt chiếm tới 80%, trong đó, tại kênh siêu thị, cửa hàng tiện lợi chiếm tới 90%, đã giúp người tiêu dùng (NTD) trên địa bàn, từ thành thị tới nông thôn, vùng xa dễ dàng tiếp cận, mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước.

Thời gian qua, nhằm tạo dựng chỗ đứng cho hàng Việt Nam, các cấp, các ngành trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường. Đặc biệt, các DN bán lẻ có nhiều chương trình khuyến mại quy mô lớn, tạo điều kiện để NTD mua sắm hàng Việt Nam, sử dụng các dịch vụ chất lượng, giá cả phù hợp.

Ngành công thương tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến NTD về chất lượng sản phẩm của các DN Bình Dương hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Từ đó, tạo chuyển biến mạnh ý thức của cộng đồng về sử dụng hàng Việt Nam, khích lệ các đơn vị sản xuất, kinh doanh nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh lành mạnh, hỗ trợ các DN địa phương triển khai các hoạt động quảng bá, kích cầu mua sắm hàng Việt.

Các doanh nghiệp tại Bình Dương đưa sản phẩm tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng tại Hội chợ thương mại, nông sản và máy móc nông nghiệp huyện Phú Giáo vừa được tổ chức

Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh, hàng Việt Nam ngày càng được nhiều NTD lựa chọn, nhất là những sản phẩm được quảng bá, bày bán tại các kỳ hội chợ, triển lãm… Từ đó, hàng Việt do DN Bình Dương sản xuất tạo được uy tín, được NTD lựa chọn.

Chị Đào Ánh Nguyệt, thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo, cho biết hiện địa phương chưa có siêu thị lớn, khi có các hội chợ triển lãm, chị đều tranh thủ tham quan để cập nhật thông tin sản phẩm mới. Mới đây, khi đến mua sắm tại “Hội chợ thương mại, nông sản và máy móc nông nghiệp huyện Phú Giáo năm 2023”, chị thấy các sản phẩm ở đây hầu hết là hàng xuất xứ tại địa phương, chất lượng an toàn, giá cả hợp lý lại còn có những chương trình khuyến mại hấp dẫn. “Tôi cho rằng, việc đưa đặc sản địa phương quảng bá trực tiếp đến NTD là cơ hội tốt cho cả NTD và người sản xuất. Vì vậy, đơn vị sản xuất nên tăng cường các hoạt động tiếp cận với NTD để tạo sức lan tỏa của sản phẩm”, chị Đào Ánh Nguyệt nói.

Bà Trần Thị Kim Lan, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cho biết thời gian qua với sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã lan tỏa và tác động tích cực đến đời sống xã hội. NTD, các cơ quan, đơn vị, tổ chức nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi của NTD đối với sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước, từ đó, làm thay đổi thái độ, hành vi mua sắm và sử dụng hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ thương hiệu Việt. Nhận thức của NTD đã được thay đổi khá rõ theo hướng chuyển từ tâm lý sính hàng ngoại ở một bộ phận NTD sang tin tưởng và ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng sản xuất trong nước, góp phần tạo điều kiện cho các DN sản xuất, kinh doanh và tăng thu ngân sách quốc gia.

Nỗ lực quảng bá

Bà Nguyễn Thới Hòa Bình, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Đông Tây (phường Tân Hiệp, TP.Tân Uyên), cho biết thị trường nội địa không lớn, để thâm nhập DN phải lưu ý tất cả các khâu từ mẫu mã, thiết kế đến nguồn nguyên liệu và kênh bán hàng. Để cạnh tranh, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu với mẫu mã phong phú, việc giới thiệu bán hàng luôn được chú trọng. “Tuy nhiên, có tới 90% DN nhỏ và vừa tiềm lực yếu nên phải tính toán để tồn tại. Cần có sự hỗ trợ nhiều mặt của các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là chống hàng nhập lậu, hàng nhái, hàng giả. Bên cạnh đó, cần có thêm cơ chế chính sách thúc đẩy thị trường nội địa, nhất là lĩnh vực thuế, nguồn vốn hỗ trợ”, bà Nguyễn Thới Hòa Bình chia sẻ.

Theo bà Tăng Thị Hằng, chủ cơ sở sản xuất yến Hiếu Hằng (ấp Bàu Càm, xã An Long, huyện Phú Giáo), đối với các DN, cơ sở nhỏ, thịtrường trong nước lànền tảng đầu tiên để phát triển thương hiệu. Tuy nhiên, việc đưa hàng Việt đến NTD còn chịu sức ép cạnh tranh không lành mạnh. Đáng chú ý, vẫn còn một bộ phận NTD vẫn còn tâm lý sính hàng ngoại nhưng thích giá rẻ, mua hàng nhái, hàng giả.

Bình Dương được đánh giá có nhiều lợi thế trong việc đầu tư, phát triển các sản phẩm tiêu dùng. Ngoài sự đa dạng nguồn nguyên liệu sản xuất còn có rất đông công nhân lao động, là điều kiện để phát triển thị trường tiêu thụ. Để tối ưu hóa những tiềm năng này, tỉnh đang tiếp tục xây dựng những cơ chế ưu đãi đầu tư, nhất là trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, phát triển hàng hóa.

Bà Trần Thị Kim Lan cho biết để tiếp tục thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025, đơn vị đang tích cực phối hợp với các địa phương, các ngành chức năng vận động các DN Việt cải tiến, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, mở rộng mạng lưới cung ứng hàng hóa trên địa bàn tỉnh, cùng với đó là ưu tiên sử dụng các sản phẩm hàng Việt trong mua sắm công. 

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tiếp tục phối hợp với ngành công thương tổ chức các phiên chợ hàng Việt, gian hàng bình ổn giá tại khu vực nông thôn, các khu, cụm công nghiệp. Đồng thời vận động, khuyến khích các DN tham gia vào những phiên chợ, hội chợ triển lãm hàng Việt nhằm tăng sức ảnh hưởng và giới thiệu, quảng bá các sản phẩm của tỉnh… Qua đó, không chỉ gia tăng sự tin cậy của NTD đối với thương hiệu Việt, mà còn thúc đẩy cộng đồng DN tăng cường năng lực, chất lượng sản xuất, kinh doanh, nâng cao uy tín và sức cạnh tranh trên thị trường.

THANH HỒNG

Từ khóa: