Hàng Việt đã đến“gần hơn” với người tiêu dùng

Thứ năm, ngày 17/11/2022

(BDO) Cơ hội tiếp cận

Sản phẩm lạp xưởng tươi Cô Giáo Phượng (xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng) được vừa được chứng nhận OCOP 3 sao năm 2022. Đơn vị mạnh dạn đem sản phẩm đi trưng bày, quảng bá, bán hàng tại một số tỉnh, thành, đặc biệt mới đây là Hội chợ triển lãm “Bình Dương EXPO 2022”.

Chị Bùi Thị Đoan Phượng, đại diện hộ kinh doanh này cho biết: “Là đơn vị kinh doanh nhỏ nên khâu tiếp thị, quảng bá sản phẩm của chúng tôi còn yếu. Từ khi được công nhận sản phẩm OCOP đến nay, mỗi khi có hội chợ là chúng tôi tham gia. Tại hội chợ lần này, chúng tôi rất vui mừng vì sự đón chào sản phẩm lạp xưởng của người tiêu dùng Bình Dương và các DN bán lẻ như Aeon Mall, Lotte Mart, MM Mega Market. Chúng tôi có thêm các đơn hàng mới, có thêm kênh tiêu thụ, đại lý phân phối tiềm năng không chỉ trên địa bàn mà còn ở các tỉnh, thành phố lân cận”.

Lượng khách hàng tiềm năng tiếp cận tăng cao trong thời gian tham gia hội chợ dẫn đến xác suất mua, số đơn hàng thành công sẽ cao hơn cho nhà sản xuất. Trong ảnh: Người tiêu dùng dùng thử sản phẩm giò lụa Phú Mỹ A

Tương tự, Cơ sở Chế biến thực phẩm Phú Mỹ A (phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một) đã có mặt trên thị trường Bình Dương từ 10 năm về trước. Các sản phẩm của cơ sở gồm chả lụa, nem, giò thủ, nước chấm, bánh… Anh Vũ Minh Vương, chủ cơ sở chia sẻ: “Phú Mỹ A là cơ sở kinh doanh nhỏ nên gặp nhiều khó khăn khi phát triển sản phẩm. Hiện mỗi ngày chúng tôi xuất ra thị trường hàng trăm kg sản phẩm đến các siêu thị mini, cung cấp cho các đơn vị sản xuất suất ăn công nghiệp. Mặc dù rất tự tin về khâu sản xuất, tuy nhiên, khâu tiếp thị của chúng tôi còn hạn chế. Tham gia Hội chợ triển lãm Bình Dương EXPO 2022, chúng đã được rất nhiều người tiêu dùng biết đến và ủng hộ”.

Những năm qua, công tác hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, công nghiệp nông thôn tham dự hội chợ, triển lãm nhằm tìm kiếm thị trường, liên doanh, liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm được các ban, ngành, địa phương rất quan tâm và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Nhiều DN, cơ sở công nghiệp nông thôn đã quảng bá, mở rộng được thị trường tiêu thụ hàng hóa và ký được các hợp đồng kinh tế có giá trị cao.

Thông tin từ đại diện các nhãn hàng Việt trong và ngoài tỉnh như rượu nếp Năng lượng (huyện Dầu Tiếng), V-Food của Công ty TNHH thực phẩm Hương Vị Việt (TP.Dĩ An), đông trùng hạ thảo Hector, Công ty TNHH Lavite (TP.Hồ Chí Minh) hay mật ong Sông Bé (Bình Phước), mật hoa dừa SokFarm (Trà Vinh)… cho biết hội chợ đã mang đến cơ hội cho các nhà sản xuất củng cố thông tin về nguồn gốc xuất xứ, đưa đến những sản phẩm có giá trị tốt phù hợp với nhu cầu chung của người tiêu dùng. Các đơn vị khẳng định, hội chợ không chỉ giúp họ tìm được nhiều khách hàng hơn mà còn học hỏi được cách làm từ nhiều nơi khác trong việc thu hoạch, bảo quản, chế biến, đóng gói hàng nông sản, thực phẩm. Sau các chuyến hội chợ, nhiều DN đã tiếp tục giao dịch với các nhà phân phối, mua hàng, đi đến những hợp đồng cụ thể để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu.

Quảng bá mạnh mẽ

Được tổ chức từ năm 2018 đến nay, Bình Dương EXPO đã trở thành một sự kiện xúc tiến thương mại thường niên, uy tín đối với DN trong và ngoài nước, người tiêu dùng trên địa bàn và các tỉnh lân cận. Bình Dương EXPO là điểm đến của các DN sản xuất, nhà cung ứng sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng của các vùng miền, góp phần xây dựng văn hóa tiêu dùng và niềm tin của người Việt vào hàng Việt.

Hàng Việt chất lượng cao đang “phủ sóng” khắp các hệ thống phân phối hiện đại trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: Khách hàng chọn mua thực phẩm xanh tại siêu thị Co.opMart Bình Dương I. Ảnh: THANH HỒNG

Ghi nhận thực tế cho thấy, thông qua hội chợ, triển lãm, hàng hóa của các DN, các sản phẩm địa phương được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn. Đây còn là cơ hội để các nhà sản xuất ghi dấu ấn về thương hiệu sản phẩm, dịch vụ trong tâm trí người tiêu dùng. Mặt khác, người tiêu dùng có nhiều cơ hội xem xét, lựa chọn hàng hóa dựa trên tiêu chí chất lượng, mẫu mã và giá cả, được DN giới thiệu và tư vấn về sản phẩm một cách chi tiết.

Ông Phạm Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Phát triển công nghiệp Sở Công thương, cho biết hiểu rõ vai trò của xúc tiến thương mại, ngành công thương luôn theo dõi và nắm bắt sát thông tin, định hướng thị trường và các chương trình hoạt động xúc tiến thương mại cấp quốc gia, cấp tỉnh để kết nối cho các DN trên địa bàn tham gia. Thông qua các hội chợ, DN, nhà sản xuất có dịp gặp gỡ, giao lưu, kết nối DN với DN, DN với người tiêu dùng, góp phần đổi mới tư duy của DN trong việc nâng cao chất lượng và phát triển sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. 

Theo đánh giá của ông Phạm Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Phát triển công nghiệp, việc đưa các hộ kinh doanh sản phẩm nông nghiệp tham gia các kỳ hội chợ, xúc tiến thương mại góp phần hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tạo cơ hội cho các đơn vị quảng bá và nắm bắt nhu cầu người tiêu dùng. Từ đó nâng cao chất lượng hàng hóa, vươn ra thị trường ngày càng sâu, rộng và hiệu quả hơn.

THANH HỒNG