Hàng Việt chinh phục thị trường nông thôn
(BDO) Nhiều năm qua, Bình Dương đã đẩy mạnh phát triển thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh, quảng bá sản phẩm đến người dân khu vực vùng nông thôn, vùng xa. Hoạt động đó giúp người tiêu dùng xa khu vực trung tâm được tiếp cận, hiểu biết, sử dụng hàng Việt Nam chất lượng cao, giá thành hợp lý, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Người tiêu dùng vùng nông thôn, vùng xa được tiếp cận với các sản phẩm chất lượng sản xuất trong nước. Trong ảnh: Tiểu thương bày bán hàng Việt tại chợ KCN Bàu Bàng
Ưu tiên hàng Việt
Đến chợ Lai Khê (xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng) chúng tôi thấy nhiều cửa hàng tạp hóa bày bán các sản phẩm hàng hóa được sản xuất ở Việt Nam với tem, nhãn, ngày tháng sản xuất và hạn sử dụng được ghi đầy đủ thông tin. Nhiều mặt hàng từ quần, áo mang thương hiệu Việt Tiến, giày dép Bitis, mỹ phẩm Sắc Ngọc Khang, thực phẩm công nghệ chế biến Vissan, gà tươi CP… được trưng bày bắt mắt với giá cả phù hợp.
Chị Lê Hồng Phượng, tiểu thương quầy bánh kẹo tại chợ Lai Khê, chia sẻ mặc dù là địa phương xa với khu vực trung tâm tỉnh, thị trường có nhiều mặt hàng xuất xứ từ các nước lân cận kiểu dáng bắt mắt, giá cũng khá rẻ, nhưng thường không có hạn sử dụng, chất lượng không ổn định… nên người dân nơi đây thường không lựa chọn. “Nhiều năm trở lại đây, hàng hóa do Việt Nam sản xuất ngày càng được người dân vùng nông thôn tin tưởng, lựa chọn nhiều. Do vậy, theo xu hướng thị trường, các cửa hàng tạp hóa tại đây đã lựa chọn những mặt hàng từ máy móc nông nghiệp, dụng cụ lao động, đồ sinh hoạt cá nhân, thực phẩm từ các thương hiệu trong nước sản xuất để bày bán, phục vụ cho nhu cầu của người dân”, chị Lê nói.
Tại chợ Khu công nghiệp (KCN) Bàu Bàng, hoạt động mua bán khá nhộn nhịp với hàng hóa phong phú. Bà Nguyễn Thị Hải, chủ cửa hàng tiện lợi Hải Phượng, tâm sự: “Giờ hàng hóa giả mạo nhiều thương hiệu của nước ngoài, ăn theo nhãn hiệu nổi tiếng, mà giá thành cao nên tôi chỉ nhập hàng Việt về bán. Tôi cũng thường xuyên khuyên bà con trong khu vực không sử dụng hàng nhái, không rõ thành phần, xuất xứ. Vì vậy hàng Việt được người lao động rất tin dùng”.
Tương tự, chủ Cửa hàng Điện gia dụng Lâm tại chợ Đông Hòa, TP.Dĩ An, cho biết mấy năm gần đây nhờ có các chương trình tuyên truyền, tập huấn về cách nhận biết hàng gian hàng giả nên người kinh doanh ngày càng hiểu biết về hàng Việt và chỉ bán hàng Việt. Cửa hàng Lâm nhập nhiều đồ dùng, thiết bị điện tử do các DN trong nước sản xuất. Theo người chủ cửa hàng này, ưu điểm của hàng Việt là giá thành hợp lý, chất liệu tốt, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng nên khi khách hàng đến lựa mua sắm luôn ưu tiên giới thiệu để người tiêu dùng lựa chọn.
Sức lan tỏa mạnh
Ông Nguyễn Văn Thương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng cho biết huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chỉ đạo các đơn vị, hội đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến đoàn viên, hội viên và nhân dân về vai trò, ý nghĩa của cuộc vận động đối với việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho các DN Việt. Ngoài việc giới thiệu quảng bá sản phẩm trong nước, huyện cũng đẩy mạnh triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương, tạo điều kiện cho các DN, HTX, cơ sở sản xuất trên địa bàn có môi trường kinh doanh thuận lợi, khuyến khích mở rộng quy mô sản xuất. “Tại địa bàn, với sự tuyên truyền của các cấp, các ngành, những năm gần đây, người dân ngày càng ưa chuộng và tích cực sử dụng hàng hóa được sản xuất trong nước”, ông Nguyễn Văn Thương cho biết thêm.
Bà Trần Thị Hồng Hạnh, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cho biết trong 10 tháng năm 2022, các ngành thành viên BCĐ tỉnh, BCĐ các huyện, thị, thành phố đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về cuộc vận động dưới nhiều hình thức. MTTQ cấp cơ sở, các khu phố đã phối hợp vận động các tổ chức, cá nhân nhập hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm để bán cho nhân dân, từ đó hỗ trợ sức tiêu thụ hàng Việt. Thông qua việc tổ chức các hoạt động này đã cung cấp thêm nhiều cách nhận biết để người tiêu dùng nhận diện được các dấu hiệu hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc... Từ đó nâng cao nhận thức trong việc mua các sản phẩm chính hãng, rõ nguồn gốc xuất xứ. Cùng với đó, các ngành, địa phương cũng tăng cường triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ DN phát triển, phân phối, tiêu thụ hàng Việt về nông thôn, khu cụm công nghiệp để người tiêu dùng có điều kiện sử dụng.
THANH HỒNG