Hàng Việt chiếm lĩnh thị trường
(BDO) Sau 10 năm thực hiện, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tạo được niềm tin trong phần lớn người tiêu dùng Việt Nam đối với hàng Việt. Đến nay, hàng Việt đã chiếm tỷ lệ từ 80% đến trên 90% tại các kênh phân phối hiện đại và từ 60% trở lên tại các kênh bán lẻ truyền thống trên thị trường nội địa. Tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước duy trì ở mức cao, từ 90% trở lên.
Thực tế đó cho thấy, cuộc vận động đã tác động lan tỏa đến đời sống xã hội, không chỉ chuyển biến về nâng cao nhận thức mà còn tạo chuyển biến về hành động, thành thói quen mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam của người tiêu dùng. Có thể nói, việc cổ súy, khuyến khích dùng hàng Việt vừa góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp (DN) và hàng hóa Việt Nam, vừa đẩy lùi hàng kém chất lượng, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, các DN trong nước vẫn bỏ ngỏ thị trường vùng nông thôn. Điều này sẽ tạo điều kiện cho hàng ngoại, chưa kể nạn hàng nhái, hàng giả và hàng nhập lậu chia nhau thao túng. Dù chúng ta đã có nhiều cố gắng tổ chức bằng nhiều hình thức để đưa hàng Việt về nông thôn như thời gian vừa qua nhưng vẫn chưa đủ. Vì thế, DN trong nước cần đẩy mạnh bán hàng ở nông thôn và cũng là để tìm hiểu thị trường, thói quen mua sắm của người dân. Thay vì chỉ bán hàng, DN nên tổ chức những buổi tọa đàm về cách bán hàng, tổ chức quầy kệ, trưng bày hàng hóa cho các chủ tiệm tạp hóa. Đây là lực lượng nòng cốt trong kênh phân phối của DN ở vùng sâu, vùng xa. Chính tiệm tạp hóa là nơi mua sắm hàng hóa chủ yếu của người dân. Khoảng 2/3 dân số Việt Nam đang sống ở nông thôn, đồng nghĩa với một thị trường dồi dào với khoảng 60 triệu người tiêu dùng.
Việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là hành động thiết thực, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các giải pháp để giữ vững ổn định sản xuất, kinh doanh trong nước, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương. Hoạt động đó trước hết cần được các DN hưởng ứng bằng cách thường xuyên đưa hàng hóa tiếp cận người tiêu dùng, tất nhiên hàng hóa phải không ngừng nâng cao chất lượng, giá cả phù hợp với thu nhập người tiêu dùng ở khu vực nông thôn vốn còn thấp. Và với xu hướng, sở thích mua sắm và sự ủng hộ của người tiêu dùng như hiện nay, hy vọng hàng Việt sẽ tiếp tục chiếm lĩnh thị trường.q
NHẬT HUY