Hàng hóa xuất khẩu “tăng tốc” dịp cuối năm

Thứ tư, ngày 01/11/2023

(BDO) Xuất khẩu hàng hóa “thông đường’’ bằng các tín hiệu tích cực trong quý IV-2023. Các doanh nghiệp (DN) đang tập trung thực hiện các giải pháp để tăng tốc xuất khẩu trong những tháng cuối năm.

Tín hiệu tích cực

Tháng 10-2023, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước tăng 20% so với tháng trước và tăng 10,1% so với cùng kỳ. Đây là con số tăng trưởng cao theo đà tăng từ giữa quý III. Mới đây, Cục Thống kê tỉnh cho biết qua khảo sát 409 DN thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, cho thấy có 18,3% số DN đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh (SXKD) quý III- 2023 tốt hơn so với quý II, 35,4% số DN cho rằng tình hình SXKD ổn định. Các DN cũng nỗ lực hết sức tìm đường vượt khó mong muốn giữ vững đơn hàng.

Hàng hóa xuất nhập khẩu tập kết tại Cảng tổng hợp Bình Dương. Ảnh: NGỌC THANH

Theo ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, việc thị trường Hoa Kỳ, châu Âu mở cửa trở lại là cơ hội cho ngành gỗ mở rộng thị trường sau thời gian khó khăn. Tuy nhiên, thách thức cho các DN hiện nay là phải thực hiện giải trình nguồn gốc hợp pháp của gỗ và lâm sản theo quy định của EU về cơ chế điều chỉnh biên giới carbon, Luật Chống phá rừng…

Kế hoạch hành động đưa ra mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 8 - 9%/năm trong thời kỳ 2021-2030, trong đó giai đoạn 2021-2025 tăng trưởng xuất khẩu bình quân 9 - 10%/năm; giai đoạn 2026-2030 tăng trưởng bình quân 7 - 8%/năm. Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa bình quân 7 - 8%/ năm trong thời kỳ 2021-2030, trong đó giai đoạn 2021-2025 tăng trưởng nhập khẩu bình quân 8 - 9%/năm; giai đoạn 2026-2030 tăng trưởng bình quân 5 - 6%/năm. Phấn đấu đến năm 2030, một số hàng hóa xuất khẩu của tỉnh có mặt tại các chuỗi phân phối truyền thống và trực tuyến tại tất cả quốc gia có Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Việt Nam.

“Để hỗ trợ các DN đẩy mạnh xuất khẩu lâm sản sang thị trường châu Âu, cần có các ngành, các cấp hỗ trợ về cơ sở pháp lý truy xuất nguồn gốc lâm sản, phát triển nguồn nguyên liệu hợp pháp và xúc tiến thương mại. Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương thường xuyên cập nhật thông tin đến DN thành viên những quy định pháp luật mới nhất để thuận lợi trong việc sản xuất và phát triển thị trường”, ông Nguyễn Liêm cho biết.

Với rất nhiều DN, điều quan trọng nhất là hướng đến năm 2024 bằng sự tin tưởng. Bà Phạm Thị Mai Lan, Phó Tổng giám đốc Công ty Kettle Interiors Asia (TP.Tân Uyên), cho biết hiện đơn hàng đang dần hồi phục. “Thị trường Mỹ, châu Âu đang dần hồi phục, nhu cầu mua sắm tăng lên cuối năm, chúng tôi đang nỗ lực hết sức để bảo đảm đơn hàng. Năm 2023 doanh thu của chúng tôi đạt 70% năm 2022. Chúng tôi kỳ vọng thị trường tươi sáng hơn trong năm 2024”.

Tiếp tục tinh thần đồng hành cùng DN, trong quý IV- 2023, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng tập trung giải quyết các khó khăn còn tồn đọng trong SXKD cho DN. Cùng với đó, tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý trong các dự án đầu tư, khơi thông thị trường, cải cách thủ tục hành chính, thu hút các dự án FDI có vốn lớn gắn với quá trình chuyển giao công nghệ hiện đại.

“Cùng với sự nỗ lực, chủ động của các DN trong việc mở rộng sản xuất, tìm kiếm thị trường xuất khẩu, để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, Sở Công thương bám sát theo dõi diễn biến của thị trường để có chính sách linh hoạt, kịp thời, tăng cường kết nối giao thương để tìm kiếm thị trường mới, trong cũng như ngoài nước”, bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết.

Tính chuyện đường dài

Theo ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu (XNK) tỉnh, trong giai đoạn này các DN mong muốn tỉnh có kế hoạch hỗ trợ phát triển xuất khẩu bền vững theo hướng liên kết, hợp tác quốc tế. Tỉnh cần tạo điều kiện tối đa để các DN XNK tăng cường hợp tác, hình thành chuỗi cung ứng lớn toàn cầu.

Đầu tháng 10-2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động số 5094/ KH-UBND về việc thực hiện chiến lược XNK hàng hóa và thúc đẩy DN Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2030. Kế hoạch bảo đảm phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển công nghiệp, đô thị, thương mại - dịch vụ của tỉnh thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050 và điều kiện, tình hình SXKD, XNK hàng hóa thực tế trên địa bàn tỉnh.

Tập kết hàng hóa phục vụ xuất khẩu tại Công ty Cổ phần may mặc Bình Dương

Theo đó, Bình Dương hướng tới mục tiêu phấn đấu duy trì tốc độ, giá trị tăng trưởng XNK của tỉnh bền vững với cơ cấu cân đối, hài hòa, phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, phát triển thương hiệu hàng hóa Việt Nam. Khai thác các thị trường, lĩnh vực mới, có tiềm năng, nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Từng bước gia tăng kim ngạch xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối nước ngoài, chủ động hội nhập kinh tế thế giới.

Theo lãnh đạo Sở Công thương, để thực hiện mục tiêu trên, kế hoạch đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu, phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN xuất khẩu, tổ chức các hoạt động kết nối, giao thương với các mạng phân phối nước ngoài, hỗ trợ DN xây dựng năng lực tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển xuất khẩu, nâng cấp cơ sở hạ tầng kho vận, giảm chi phí logistics, quản lý và kiểm soát nhập khẩu đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất trong nước và hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý. Nâng cao vai trò của hiệp hội ngành hàng và các DN, thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị xuất khẩu quy mô lớn…

TIỂU MY

Từ khóa: