Hàng hóa sản xuất trong nước: Giá cả cần cạnh tranh hơn

Thứ ba, ngày 06/12/2016

(BDO) Thời gian qua, các doanh nghiệp (DN) trong nước đã có nhiều nỗ lực xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã… để thu hút khách hàng. Tuy vậy, để đứng vững trên thị trường, các DN sản xuất trong nước cần quan tâm nhiều hơn đến vấn đề giá cả.

Giá thành nhiều sản phẩm sản xuất trong nước vẫn còn cao nên sức cạnh tranh chưa cao. Trong ảnh: Một điểm kinh doanh giày dép tại chợ Dĩ An (TX.Dĩ An) Ảnh: TRÚC HUỲNH

Nhiều mặt hàng giá còn cao

Đánh vào tâm lý người tiêu dùng (NTD) ưa hàng rẻ, mẫu mã đẹp, thời gian qua hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn len lỏi vào thị trường trong nước. Chị Phượng, tiểu thương quầy giày trên đường Cô Bắc, phường Dĩ An, TX.Dĩ An cho hay, các sạp hàng bán giày dép ở chợ hiện có tới 60% là hàng Trung Quốc. Sở dĩ tỷ lệ hàng Trung Quốc được bày bán nhiều ở đây là do các sản phẩm này có mẫu mã đẹp, giá lại rất rẻ. Cụ thể, đôi giày thể thao hiệu Mike sản xuất tại Trung Quốc giá nhập vào chỉ 100.000 đồng, trong khi cùng mặt hàng này sản xuất trong nước, mẫu mã cũng tương tự nhưng giá cao gấp 3 - 4 lần nên ít người mua.

Ghi nhận tại khu chợ đêm ở TP.Thủ Dầu Một cho thấy, từ đôi dép, trang sức, hàng gia dụng, hàng điện tử… đa số có xuất xứ từ Thái Lan, Trung Quốc. Chị Yến, chủ gian hàng đồ chơi trên đường Đoàn Trần Nghiệp cho biết, hàng nhập giá rẻ đánh trúng tâm lý của nhóm đối tượng thu nhập trung bình và thấp nên được tiêu thụ nhiều. Cửa hàng chị cũng bán đồ chơi trong nước nhưng khó cạnh tranh với hàng Trung Quốc.

Có thể nói, những năm gần đây khi cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được phát động, sự thay đổi thói quen, nhận thức của NTD đã được nâng lên nhiều, làm cho thị trường tiêu thụ hàng sản xuất trong nước dần mở rộng, tạo ra cơ hội cho các nhà sản xuất trong nước đẩy mạnh lưu thông sản phẩm. Tuy vậy, hàng hóa Trung Quốc vẫn đang có mặt ở nhiều nơi trong cả nước. Nguyên nhân được nhiều chuyên gia xác định là hàng lậu đi qua đường tiểu ngạch, vi phạm quy định về xuất xứ hàng hóa được tuồn vào trong nước; khi đưa ra thị trường tiêu thụ giá cả rất thấp nên đã “chinh phục” được NTD.

Theo ý kiến của nhiều tiểu thương trong tỉnh, mong muốn của họ vẫn là được bán hàng của nhà sản xuất trong nước, nhưng bên cạnh chất lượng sản phẩm tốt, mẫu mã đẹp, giá cả cần phải hợp lý hơn. Cô Năm, tiểu thương kinh doanh mỹ phẩm tại chợ Thủ Dầu Một cho biết, cùng là sản phẩm dầu gội trị gàu nhưng chai dầu gội nhập khẩu hoặc từ công ty liên doanh giá chỉ khoảng 45.000 đồng (loại 200ml), trong khi dầu gội dược liệu do công ty trong nước sản xuất có giá đến 120.000 đồng/chai (200ml). Thực tế này cho thấy, các nhà sản xuất trong nước cần nghiên cứu đưa ra giá bán hợp lý hơn để NTD tin dùng hàng Việt.

Nắm vững thị hiếu khách hàng

Theo ông Hồ Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Công thương, hiện toàn tỉnh có 105 chợ truyền thống. Với thói quen mua sắm ở chợ của nhiều người dân trong tỉnh thì đây là kênh phân phối hàng hóa rất quan trọng. Do vậy, để chiếm thị phần vững chắc tại sân nhà, DN cần nghiên cứu kỹ thị hiếu để đáp ứng yêu cầu khách hàng. Ông Bình cho rằng, để làm được điều này trước hết các DN cần có cái nhìn đúng về vai trò, vị trí, tiềm năng của các chợ truyền thống. Bên cạnh đó, cần nắm bắt tâm lý cũng như thị hiếu của khách hàng để phân khúc thị trường, vừa sản xuất hàng chất lượng cao cho xuất khẩu và cho NTD thu nhập cao nhưng không quên làm ra những sản phẩm phù hợp túi tiền của người thu nhập trung bình và thấp.

Về phía NTD, ông Bình cho rằng nên chọn mua sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được các cơ quan Nhà nước kiểm soát như quầy sạp trong chợ, cửa hàng, siêu thị... Đối với đại lý, tiểu thương, bên cạnh việc quan tâm đến lợi nhuận cũng cần phát huy tinh thần tự hào dân tộc, ý thức công dân, góp sức cùng DN đẩy mạnh việc tiêu thụ hàng hóa, thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển. Mặt khác, cơ quan chức năng cần thực hiện các giải pháp hữu hiệu, đồng thời tăng cường quản lý thị trường, đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái... Có như vậy hàng sản xuất trong nước mới có cơ hội đẩy mạnh tiêu thụ, phát triển bền vững tại thị trường trong nước.

 

 TRÚC HUỲNH

 

 

Từ khóa: