Hàng hóa phục vụ tết: Bảo đảm chất lượng, giá ổn định

Thứ hai, ngày 02/12/2019

(BDO)

 Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa tại các chợ trên địa bàn huyện Dầu Tiếng. Ảnh: HỒNG NGA

Các địa phương xây dựng kế hoạch sớm

Để lành mạnh hóa thị trường, ngay từ đầu tháng 11- 2019, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) huyện Dầu Tiếng đã xây dựng kế hoạch, tăng cường lực lượng kiểm tra, kiểm soát tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Trong đó, Ban Chỉ đạo chú trọng kiểm tra việc thực hiện các quy định về niêm yết giá, bán theo giá niêm yết, an toàn vệ sinh thực phẩm của một số mặt hàng thường tăng mạnh vào dịp cuối năm như rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá, bánh kẹo...

Cùng với công tác kiểm tra, kiểm soát, các ngành, địa phương trong huyện đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và hộ kinh doanh trong chống hàng lậu, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại; khuyến cáo người dân nên mua hàng ở những nơi có uy tín, không mua hàng trôi nổi, hàng giá rẻ không rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó, các ngành liên quan, địa phương trong huyện thực hiện ký cam kết với các cơ sở sản xuất, kinh doanh bảo đảm cung ứng sản phẩm kịp thời phục vụ nhu cầu của nhân dân.

Trên cơ sở dự báo, phân tích tình hình, diễn biến của thị trường vào thời điểm cuối năm, Ban Chỉ đạo 389 huyện, mà đơn vị thường trực là Đội Quản lý thị trường số 3, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp quản lý, bình ổn thị trường dịp cuối năm. Cùng với đó, Ban Chỉ đạo phân công cán bộ, nhân viên trực thường xuyên trong những ngày tết để theo dõi diễn biến tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, phát hiện những vấn đề nổi cộm để có biện pháp chỉ đạo kịp thời.

Bà Nguyễn Thị Lan, Trưởng phòng Y tế huyện Dầu Tiếng, khuyến cáo người dân nên kiểm tra kỹ nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng sản phẩm được in trên bao bì. Vì thực tế, để tiêu thụ những sản phẩm hết hạn sử dụng, một số người bán thường đóng thành những gói quà bắt mắt để đánh lừa người mua. Bên cạnh đó, người dân nên chọn mua sản phẩm từ những nhà sản xuất có uy tín, bởi tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm đang diễn biến khá phức tạp, không ít cơ sở chế biến thực phẩm sử dụng hóa chất phụ gia bảo quản không thuộc danh mục cho phép của Bộ Y tế.

Tại huyện Phú Giáo, bà Trần Hồng Dung, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết nhằm tạo điều kiện cho người dân đón tết vui tươi, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, ngay từ đầu tháng 10 âm lịch UBND huyện đã chỉ đạo ngành chức năng xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động mừng Đảng, mừng xuân. Trong đó, huyện đặc biệt chú trọng đến công tác quản lý thị trường, chất lượng, giá cả hàng hóa. Trên cơ sở kế hoạch chung, UBND huyện chỉ đạo các ngành kinh tế, công an, quản lý thị trường, y tế, các địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể, phối hợp tổ chức các hoạt động quản lý giá cả hàng hóa, tình hình buôn bán hàng hóa trên địa bàn huyện.

Theo ông Phạm Văn Chớ, Trưởng ban Quản lý chợ Phước Vĩnh (thị trấn Phước Vĩnh, Phú Giáo), dịp cuối năm đơn vị thường xuyên có thông báo đến tiểu thương trong chợ về việc bảo đảm nguồn hàng hóa phục vụ tết, cũng như chất lượng hàng hóa, giá cả. Đơn vị cũng tăng cường kiểm tra hoạt động buôn bán hàng hóa của tiểu thương, yêu cầu các tiểu thương thực hiện đúng quy định trong hoạt động mua bán hàng hóa và xử lý nghiêm đối với tiểu thương vi phạm cam kết.

Thực hiện tốt chương trình bình ổn thị trường

Ông Hồ Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết sở đã làm việc với các đơn vị cung ứng hàng hóa trên địa bàn tỉnh, các địa phương về việc bảo đảm nguồn hàng hóa đáp ứng nhu cầu của người dân dịp Tết Nguyên đán sắp tới và cả năm 2020. Theo đó, sở yêu cầu hàng hóa dự trữ để bình ổn thị trường phải bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc thực hiện kế hoạch dự trữ và cung ứng hàng hóa phải gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Bên cạnh đó, sở đã và đang phối hợp với các ngành, doanh nghiệp, địa phương tổ chức tốt hệ thống phân phối từ tỉnh xuống cơ sở nhằm kích thích tiêu dùng của nhân dân. Sở cũng đã có kế hoạch kết nối các công ty, doanh nghiệp lớn, siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống có kế hoạch dự trữ hàng hóa, có phương án hỗ trợ trực tiếp hệ thống cửa hàng, hợp tác xã phân phối hàng hóa.

Sở Công thương cũng yêu cầu các doanh nghiệp kiểm soát giá cả nhằm giữ vững mặt bằng giá các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm giá cả luôn giảm từ 5 - 10% so với giá thị trường theo từng thời điểm. Sở cũng yêu cầu các doanh nghiệp tham gia chương trình xây dựng và đăng ký giá bán của từng mặt hàng cụ thể thuộc nhóm hàng hóa thực hiện bình ổn thị trường gửi đến Sở Tài chính, Sở Công thương với giá thấp hơn của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng tại thời điểm đăng ký. Trong trường hợp thị trường biến động tăng hoặc giảm đối với giá nguyên liệu, chi phí đầu vào làm ảnh hưởng đến cơ cấu giá thành sản xuất, doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh giá bán bình ổn thị trường và thực hiện đăng ký lại giá gửi đến Sở Tài chính, Sở Công thương.

Doanh nghiệp chỉ được điều chỉnh tăng giá bán hàng bình ổn khi được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận và chủ động điều chỉnh giảm giá bán bình ổn, thông báo đến Sở Tài chính, Sở Công thương trong thời gian 3 ngày kể từ ngày được chấp nhận điều chỉnh giảm giá bằng văn bản. Trường hợp thị trường có biến động ảo do có hiện tượng làm giá, tạo khan hiếm giả, làm biến động thị trường, doanh nghiệp phải chấp hành việc cung ứng hàng hóa theo sự điều phối của Sở Công thương.

Theo kế hoạch, sẽ có 12 doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại, 9 sở, ngành tham gia chương trình bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Thời gian thực hiện chương trình bắt đầu từ 1-12-2019 đến tháng 2-2020. Tổng giá trị hàng hóa bình ổn dịp này dự kiến trên 1.463 tỷ đồng.  

T.MY - T.HUỲNH - H.NGA - H.PHƯƠNG