Hàng hóa phục vụ dịp Tết: Nguồn cung dồi dào, giá cả bình ổn

Thứ năm, ngày 08/12/2022

(BDO)

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị về Công tác chuẩn bị Tết và bình ổn thị trường dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Với nhiều phương án và sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ các bộ, ngành, địa phương và đơn vị cung ứng, nguồn hàng hóa thiết yếu phục vụ dịp Tết năm nay sẽ cơ bản được cung ứng đầy đủ với giá cả bình ổn.

Đặc biệt, với hàng loạt các chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng, người dân khu vực vùng sâu, vùng xa và công nhân, lao động các khu công nghiệp có thể yên tâm mua sắm để đón năm mới được đủ đầy, sung túc, không lo về giá.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị “Công tác chuẩn bị Tết và bình ổn thị trường dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023,” do Bộ Công Thương tổ chức sáng 8/12 tại Hà Nội.

Lượng hàng dự trữ tăng 20-30%

Chia sẻ tại hội nghị, ông Lê Mạnh Phong, Giám đốc điều hành chuỗi Big C và Go! miền Bắc thuộc Tập đoàn Central Retail Việt Nam cho rằng, mặc dù giá cả thị trường biến động do ảnh hưởng của thế giới, nhưng nhìn chung, sức mua đã phục hồi và tăng trưởng liên tục trong suối thời gian vừa qua, thậm chí tăng cao hơn so với 2 năm trước đại dịch.

Đơn vị này cũng dự báo từ nay tới cận Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 sức mua sẽ tiếp tục xu hướng tích cực, thị trường sẽ sôi động ngang hoặc hơn so với các dịp cuối năm trước đại dịch.

"Doanh nghiệp đã làm việc chặt chẽ với tất cả các nhà cung cấp để dự báo số lượng sản xuất từ quý 2/2022 và  đã dự trữ hàng từ đầu tháng 10 năm nay, để cung cấp dịch vụ tốt nhất cho tất cả khách hàng của mình,” ông Phong chia sẻ.

Cùng với sự chuẩn bị của doanh nghiệp, các thành phố lớn, như: Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh... là nơi tập trung đông dân cư và nhu cầu tiêu dùng rất lớn cũng xây dựng chi tiết các phương án đảm bảo hàng Tết, nhằm phục vụ cao nhất nhu cầu mua sắm của người dân.

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho hay, dự báo dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán 2023, nhu cầu mua sắm sẽ tăng cao (dự kiến tăng từ 15-30% đối với tùy từng mặt hàng), vì vậy các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn sẽ đẩy mạnh sản xuất, mua bán, dự trữ hàng hóa để sẵn sàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng đa dạng của người dân.

Cùng đó, Hà Nội cũng triển khai Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu năm 2022 (thời gian thực hiện từ tháng 7/2022 đến hết tháng 5/2023) với sự tham gia của 32 đơn vị sản xuất, kinh doanh, thực hiện cung ứng hàng hóa tới hơn 12.000 điểm bán trên toàn thành phố Hà Nội, trong đó có 132 siêu thị, trên 8.000 cửa hàng kinh doanh tổng hợp và chuyên doanh; 1.269 sạp hàng tại các chợ truyền thống và 517 bếp ăn tập thể.

Nhằm hỗ trợ các đơn vị có nhu cầu vay vốn sản xuất, kinh doanh đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu, Thành phố đã tổng hợp và gửi thông tin nhu cầu vay vốn của 9 đơn vị tham gia Chương trình với tổng số vốn là 889 tỷ đồng tới các tổ chức tín dụng để chủ động kết nối vay vốn ngân hàng.

“Các doanh nghiệp đã đẩy mạnh bán hàng qua kênh online, triển khai thanh toán điện tử, giao hàng tận nơi cho khách hàng và chủ động kết nối với các tỉnh, thành phố, sẵn sàng cung ứng đưa ngay hàng về Hà Nội khi có nhu cầu sử dụng cao và có biến động xảy ra,” bà Trần Thị Phương Lan cho hay.

Tương tự, với Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện Sở Công Thương thông tin, để đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho các kênh phân phối, các doanh nghiệp đã dành nguồn vốn 22.000 tỷ đồng để chuẩn bị hàng hóa trong 2 tháng Tết, trong đó, tập trung vào các loại hàng hóa như trứng, lương thực thực phẩm, thực phẩm chế biến…

Thành phố hiện có 46 trung tâm thương mại, 227 siêu thị và 3000 cửa hàng tiện ích. Dự báo nguồn hàng tăng khoảng 2-3 lần so với các tháng bình thường.

“Thành phố Hồ Chí Minh đã ký kết 600 biên bản ghi nhớ với doanh nghiệp. Riêng doanh nghiệp bình ổn thị trường cam kết trước và sau tết không điều chỉnh tăng giá bán với hàng hóa thiết yếu. Đồng thời thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi để người dân được mua hàng hóa với giá ổn định,” đại diện Sở Công Thương thông tin thêm.

Với Đà Nẵng, ông Nguyễn Hữu Hạnh, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng cho hay, đơn vị này đã làm việc, trao đổi với một số đơn vị cung ứng hàng hoá thiết yếu trên địa bàn, các Trung tâm thương mại, diêu thị, các chợ lớn, đặc biệt là các đơn vị cung ứng thịt gia súc, gia cầm về chuẩn bị hàng hoá phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết nguyên đán Quý Mão 2023.

“Qua tổng hợp, nhìn chung, lượng hàng hóa chuẩn bị phục vụ Tết của doanh nghiệp năm nay so với năm trước có tăng, nhằm đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tổng giá trị dự trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm phục vụ Tết dự kiến khoảng 1.850 tỷ đồng,” Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng cho hay.

Đảm bảo bình ổn thị trường

Ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, trong năm 2022, thời tiết khí hậu cơ bản thuận lợi cho ngành nông nghiệp nên hoạt động sản xuất từ diện tích, năng suất sản lượng cơ bản vượt kế hoạch đề ra.

Ông Duy cũng khẳng định kế hoạch đáp ứng lương thực thực phẩm cho người tiêu dùng trong dịp Tết cơ bản là đảm bảo. Cụ thể, về lúa gạo, ước tính năm 2022, tổng sản lượng cả nước đạt 43,1 triệu tấn thóc, nếu tính về cung-cầu thì cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước gồm 9,3 triệu tấn gạo; xuất khẩu 6,3-6,5 tấn gạo; sản lượng dành cho chế biến, chăn nuôi, dự phòng giống…

Bên cạnh đó, báo cáo từ các địa phương cũng cho thấy, lượng rau củ quả đạt 19 triệu tấn, tăng 670.000 tấn so với cùng kỳ năm 2021. Diện tích cây ăn quả tăng lên, ngoài đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng đảm bảo cho nhu cầu xuất khẩu, trong khi lượng thịt gia súc, gia cầm tăng 4% so với năm trước; sữa tươi 1,16 triệu tấn và trứng gia cầm là 18,4 tỷ quả…

Liên quan tới tình hình kiểm soát giá cả, bà Phùng Ánh Ngọc, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) chia sẻ, hiện nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tương đối dồi dào, đảm bảo ổn định thị trường trong nước và xuất khẩu.

“Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành địa phương điều hành giá các mặt hàng thiết yếu, phối hợp với Bộ Công Thương quản lý, điều hành đối với mặt hàng xăng dầu theo quy định. Đồng thời, đề xuất các giải pháp để ổn định thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là hoạt động quan trọng vì tháng 12 và cuối năm, việc kiểm soát giá cả sẽ tạo dư địa kiểm soát lạm phát năm 2023,” bà Phùng Ánh Ngọc nói.

Trong số các mặt hàng thiết yếu thì xăng dầu là mặt hàng được đặc biệt được quan tâm. Ông Trịnh Quang Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam chia sẻ, thời gian gần đây, thị trường xăng dầu đã cơ bản trở lại bình thường. Thời tiết vừa qua đảm bảo cho tàu ra vào cảng. Nhà máy Bình Sơn tăng công suất 10-20%, về cơ bản đã đáp ứng hợp đồng đã ký với thương nhân đầu mối

Đối với nguồn nhập khẩu, hiện nay, các hội viên đã đáp ứng được nhu cầu phân giao của Bộ Công Thương. Công ty Nam Sông Hậu đã kết nối với hải quan để tái hoạt động kho Trà Nóc và Cái mép, đảm bảo cung ứng xăng dầu cho miền Tây Nam bộ. Nhìn chung, nguồn hàng đáp ứng đủ nhu cầu cho trước, trong và sau Tết.

“Hiện nay, không còn tình trạng xếp hàng ở các cửa hàng xăng dầu. Có những cửa hàng thời điểm vừa qua bán tăng trưởng đến 70%. Đây là nỗ lực lớn của doanh nghiệp trong đảm bảo nguồn cung xăng dầu,” ông Khanh nhấn mạnh.

Đánh giá cao sự chuẩn bị của các bộ, ngành, địa phương trong việc đảm bảo hàng hóa dịp Tết, song để chủ động trong mọi tình huống, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo ngành nông nghiệp các địa phương có kế hoạch, giải pháp đẩy mạnh sản xuất (nhất là sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng) bảo đảm cân đối cung-cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm để ổn định giá cả.

Cùng đó, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện các biện pháp kiểm soát các hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm liên quan, nhất là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, trong đó chú trọng tới mặt hàng thịt lợn để phục vụ nhu cầu người dân trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Ông cũng đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường nhất là hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá; Phối hợp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các Ngân hàng thương mại tại các địa phương triển khai các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường trong dịp Tết Nguyên đán với lãi suất ưu đãi để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng nguồn vốn dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường.

Ngoài ra, ông cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phối hợp với Chính quyền địa phương tạo điều kiện, thông thoáng về giao thông giúp lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ được xuyên suốt trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão./.

Theo TTXVN