Hàng bình ổn giá phải đến tận tay người tiêu dùng
Thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đã triển khai kế hoạch bình ổn giá và được mở rộng đến tận các chợ dân sinh, các siêu thị nhằm phục vụ người dân một cách hiệu quả nhất.
Nhưng để thực hiện tốt việc kiềm chế lạm phát, còn cần sự phối hợp chặt chẽ của nhiều cơ quan chức năng cũng như các doanh nghiệp, từ sản xuất đến phân phối hàng hoá.
Hàng bình ổn về chợ dân sinh
Phục vụ bình ổn giá năm 2011, Sở Công Thương Hà Nội đã đề nghị UBND TP cho các DN tham gia chương trình bình ổn giá vay 476 tỉ đồng với lãi suất 0% (tăng 76 tỉ đồng so với năm 2010) để bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu như: Gạo, dầu ăn, thịt, trứng, giấy vở học sinh. Để giảm bớt gánh nặng chi tiêu cho người dân, năm 2011 ngành công thương Hà Nội triển khai các điểm bán hàng bình ổn giá tại các chợ dân sinh, các siêu thị tiện ích trên toàn thành phố. Chú trọng nhiều đến các vùng nông thôn, xa trung tâm thương mại và phân phối hợp lý các mặt hàng bình ổn tại các địa phương.
Để nâng cao chất lượng việc bán hàng bình ổn giá, Sở Công Thương Hà Nội đã đề ra phương án tăng cường công tác kiểm tra SXKD và dự trữ hàng hóa của các DN tham gia, đồng thời thiết lập đường dây nóng để người dân phản ánh những thông tin về tình hình cung - cầu, giá cả hàng hóa đang bày bán.
Công nhân tại các khu công nghiệp mong chờ hàng bình ổn giá trên các sạp hàng.Tuy nhiên, theo ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội - để hàng bình ổn đến được tay người nghèo thì 80% lượng hàng bình ổn phải được đưa về vùng nông thôn, các KCN có đông CNLĐ, chứ không thể ở các siêu thị lớn trong nội thành. Nhưng thực tế là tại nhiều nơi trong nội thành, hàng bình ổn giá chưa thực sự đến tay những đối tượng cần bình ổn, hỗ trợ giá do hàng hóa bình ổn rẻ hơn thị trường, thu hút được nhiều đối tượng khách hàng.
Trong đó, đã xuất hiện hiện tượng mua trữ hàng hóa, hoặc mua đi bán lại kiếm lời. Nếu không quản lý tốt, sẽ xảy ra tình trạng 2 giá và cũng rất khó khăn cho các đơn vị trong việc quản lý nội bộ. Ông Phú cho rằng, nếu cần thiết có thể phát phiếu mua hàng bình ổn cho người nghèo vì các siêu thị là cạnh tranh và phần lớn phục vụ những người có mức thu nhập từ trung bình trở lên, rất khó cho việc bán hàng bình ổn.
Theo một số chuyên gia kinh tế, để việc bình ổn giá có hiệu quả, các DN cần gắn chuỗi lao động xã hội, cụ thể là đầu tư các vùng nguyên liệu tại một số tỉnh, tạo sự liên kết đồng bộ giữa sản xuất và phân phối, đấy là mấu chốt để bình ổn thị trường.
Cần điều hành linh hoạt
Ngay sau khi kết thúc chương trình bình ổn các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn thành phố năm 2010, ngày 1.4, TPHCM tiếp tục triển khai chương trình bình ổn các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn thành phố năm 2011 và Tết Nhâm Thìn - 2012.
So với năm ngoái, chương trình bình ổn giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu năm 2011 và Tết Nhâm Thìn - 2012 tăng cả về nhóm mặt hàng đến số điểm bán và DN tham gia. Điều này đồng nghĩa với việc người tiêu dùng sẽ có điều kiện thuận lợi hơn để tiếp cận với chương trình bình ổn. Từ hơn 10 DN tham gia, đến năm 2011 này chương trình đã có 22 DN đăng ký tham gia, trong đó 19 DN nhận vốn vay với tổng số tiền hơn 412 tỉ đồng.
Công nhân các khu công nghiệp rất cần hỗ trợ về giá.Các DN sẽ tham gia thực hiện bình ổn 9 nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm bao gồm: Gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau - củ - quả và thủy - hải sản trong giai đoạn từ nay đến ngày 31.3.2012 và Tết Nhâm Thìn - 2012. Số lượng hàng hóa tham gia bình ổn vào những tháng thường trong năm 2011 chiếm bình quân khoảng 20 - 25% so với nhu cầu thị trường, tăng khoảng 15% so với năm ngoái và trong tháng tết sẽ tăng từ 30 - 40% - tăng khoảng 20% so với tết vừa qua.
Không chỉ gia tăng số lượng mặt hàng, đơn vị tham gia, chương trình bình ổn năm nay các DN còn phát triển thêm điểm bán hàng với 2.314 điểm. Lãnh đạo Sở Công Thương đã chỉ đạo các DN cùng với việc nỗ lực tạo nguồn hàng để bình ổn giá nên tích cực mở các điểm bán hàng vào các chợ truyền thống, khu chế xuất, KCN có đông công nhân lao động, nhằm giúp người lao động dễ dàng tiếp cận được với chương trình bình ổn giá của thành phố.
Điểm mới nữa của chương trình bình ổn giá năm 2011 là thay vì chốt giá từ đầu, cơ chế điều hành giá hàng bình ổn 2011 sẽ linh động điều chỉnh giá phù hợp với biến động thị trường, nhưng đảm bảo luôn thấp hơn 10% so với giá thị trường. Điều này nhằm hạn chế chênh lệch giá cao khi thị trường có biến động giá, nảy sinh tình trạng mua gom, DN gặp nhiều rủi ro.
Chiều 1.4, Sở Công Thương và Sở Tài chính TPHCM đã có buổi họp với 22 DN tham gia chương trình bình ổn giá để công bố về lượng hàng và giá bán các mặt hàng bình ổn. So với năm ngoái, giá các mặt hàng bình ổn năm nay có mức tăng từ 15 - 17%.
Theo Lao Động