Hàn Quốc xây dựng sáng kiến chính sách thống nhất 2 miền Triều Tiên

Thứ bảy, ngày 28/01/2023

(BDO)

Ranh giới giữa hai miền Triều Tiên.

Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày 27/1 đã báo cáo lên Tổng thống Yoon Suk-yeol kế hoạch công tác năm 2023, đặt trọng tâm triển khai đề xuất nhằm phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, cải thiện quan hệ liên Triều và hướng tới xây dựng sáng kiến chính sách trung và dài hạn, nhằm thống nhất hai miền Triều Tiên.

Bộ Thống nhất Hàn Quốc nhận định trong năm 2023, trật tự thế giới có xu hướng ngày càng bất ổn hơn trong bối cảnh cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine vẫn tiếp diễn, Triều Tiên vẫn kiên định đường lối cứng rắn, theo đó việc triển khai chính sách thống nhất sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Phương hướng chính sách trọng tâm trong năm 2022 được xác định là thiết lập mối quan hệ liên Triều đúng đắn, triển khai đề xuất, xúc tiến bình thường hóa quan hệ liên Triều...

Bộ Thống nhất cũng sẽ đề ra các biện pháp cụ thể để triển khai các đề xuất trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự; kêu gọi sự đồng thuận và phối hợp ở cả trong và ngoài nước; chủ trương tìm kiếm cơ hội đối thoại liên Triều thông qua các tổ chức dân sự, tổ chức quốc tế để tạo bước đột phá cho quan hệ liên Triều.

Bộ Thống nhất sẽ xây dựng sáng kiến chính sách trung và dài hạn, nhằm thống nhất hai miền Nam-Bắc trong trật tự quốc tế mới. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Bộ sẽ thu thập ý kiến của các nhân vật kỳ cựu và người dân ở trong và ngoài nước, công bố “Sáng kiến tương lai thống nhất mới” (tên tạm thời) trong năm 2023.

Một quan chức Bộ Thống nhất cho biết sáng kiến này sẽ đề ra phương hướng xây dựng một Bán đảo Triều Tiên hòa bình, thịnh vượng và thống nhất.

Dự kiến trong năm 2024, Bộ Thống nhất Hàn Quốc sẽ công bố “phương án thống nhất dân tộc," thành lập Ủy ban hoạch định tương lai thống nhất, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ trưởng, với sự tham gia cố vấn của hơn 10 chuyên gia dân sự danh tiếng.

Bên cạnh đó, Bộ Thống nhất sẽ khởi động các dự án hợp tác quốc tế, chú trọng vai trò của các quốc gia đã thực hiện thành công quá trình thống nhất đất nước như Đức và Việt Nam./.

Theo TTXVN