Hàn Quốc: Phép thử trước cuộc bầu cử tháng tư
(BDO) Nhu cầu việc làm tại Hàn Quốc đang là một vấn đề nan giải. Từng là một thành phố công nghiệp phồn thịnh nhưng Gunsan chao đảo kể từ khi một nhà máy đóng tàu của tập đoàn công nghiệp nặng Hyundai đóng cửa vào năm 2017 và một nhà máy chi nhánh của General Motors ở đây bị đóng cửa vào năm 2018.
Ở trung tâm Gunsan, nằm giữa các cửa hàng bán máy móc phủ đầy bụi, các cửa hàng mặt tiền đóng cửa im ỉm và các quán ăn không có khách, là một tòa nhà 3 tầng sáng sủa. Tòa nhà này là một trung tâm giới thiệu việc làm đặc biệt do chính phủ tài trợ, được thành lập gần 2 năm trước để giúp những người lao động ở thành phố này tìm đường thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài. Bên trong tòa nhà là nơi hoạt động của 30 nhân viên cung cấp dịch vụ giới thiệu việc làm và tư vấn tâm lý.
Tuy nhiên, những người đến trung tâm giới thiệu việc làm và các tư vấn viên cố gắng giúp đỡ hợ đều vấp phải cùng một trở ngại: Không có đủ việc làm, đặc biệt là những công việc lâu dài được trả lương cao để thay thế cho những công việc đã mất. Những công việc duy nhất được niêm yết trên bảng là 2 việc làm tại các trung tâm chăm sóc trẻ em, 2 việc làm tại các cơ sở chăm sóc người già và 2 việc làm trong ngành xây dựng.
Nhà máy đóng tàu của Hyundai ở Gunsan đóng cửa gây thiệt hại lớn.
Lee Wan-kyu, hiện là đại diện chính thức của Gunsan trong công đoàn ngành kim loại Hàn Quốc, từng làm việc tại nhà máy của General Motors từ năm 2006 đến khi bị sa thải năm 2015 cho hay có rất ít trường hợp công nhân mất việc tìm được việc làm mới trong ngành chế tạo ở Gunsan. “Một số người làm công nhật ở các công trường xây dựng hoặc chuyển đến các vùng khác để tìm việc, nhưng họ chỉ có thể tìm được các công việc tạm thời”, Lee nói.
Cuối năm 2018, Gunsan trở thành thành phố công nghiệp từng phồn thịnh thứ 6 bị chính phủ thêm vào chương trình “các khu khủng hoảng công nghiệp”, một chương trình với ngân sách thường niên là 1.000 tỷ won (khoảng 801 triệu USD). Chính sách này vốn là một trụ cột trong kế hoạch của chính quyền Tổng thống Moon Jae-in nhằm cứu trợ tầng lớp trung lưu thông qua các gói kích thích tài chính mạnh mẽ, cho phép các công ty chế tạo ở các thành phố được tiếp cận với các khoản vay chính phủ lãi suất thấp và hỗ trợ tài chính cho những người lao động mất việc.
Tuy nhiên, Lee cho biết ông và các đồng nghiệp không nhận được các hiệu quả hỗ trợ của chính phủ. Thành phố Gunsan trong nhiều thế kỷ là một cảng thương mại và trung tâm công nghiệp lớn, đã trở thành mô hình thu nhỏ của tình trạng bất ổn kinh tế Hàn Quốc. Bất bình đẳng gia tăng, thu nhập hộ gia đình đang suy giảm, tiêu dùng thấp hơn. Tình hình này khác xa với tầm nhìn mà ông Moon Jae-in được cho là đã hứa hẹn khi đắc cử vào năm 2017.
Thống kê vào tháng 1-2020 cho biết tỷ lệ thất nghiệp lại tăng trong tháng thứ 5 liên tiếp. Đại dịch COVID-19 bùng phát toàn cầu, đặc biệt tác động mạnh đến Hàn Quốc, sẽ còn khiến tiêu dùng sụt giảm hơn nữa.
Cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 4 này được cho sẽ là một “cuộc khảo thí” quan trọng đối với những thách thức mà chính phủ của Tổng thống Moon Jae-in phải đối mặt. Kinh tế luôn là một trong những vấn đề quan trọng nhất đối với cử tri. Vòng xoáy mất việc làm và suy giảm thu nhập hộ gia đình cũng đã tác động đến các lĩnh vực liên quan chẳng hạn như ngành bán lẻ.
Lee In-kyu, Giám đốc điều hành của công ty may đồ thể thao Volvik cho biết: “Trong 30 năm kinh doanh tại Gunsan, đây là giai đoạn tồi tệ nhất tôi từng thấy! Khi các nhà máy của Hyundai và GM đóng cửa, tình hình đã thực sự thay đổi. Chúng tôi mất nhiều khách hàng. Hầu hết các doanh nghiệp nhỏ đã phá sản”. Lee còn nói thêm rằng ông đang xem xét đóng cửa doanh nghiệp của mình vào cuối năm nay.
Nhiều công nhân mất việc đã rời Gunsan. Dữ liệu của chính phủ cho thấy dân số thành phố này là 269.779 người trong tháng 1-2020, giảm so với 283.041 người năm 2016, trước khi nhà máy đóng tàu của Hyundai đóng cửa.
Trong nhiều năm, Hàn Quốc đã phải vật lộn với tăng trưởng thấp dai dẳng và tình trạng thiếu công ăn việc làm kéo dài. Các gia đình Hàn Quốc đầu tư một khoản tiền lớn cho con cái đi học và sau khi tốt nghiệp, những thanh niên đó bước vào một cuộc cạnh tranh khốc liệt để giành được một vị trí tại vài công ty lớn thống trị nền kinh tế.
Ở các thành phố lớn, giá căn hộ đang tăng vọt vì mọi người đều quan niệm rằng sở hữu tài sản là con đường đáng tin cậy duy nhất để làm giàu. Ngày càng nhiều thanh niên Hàn Quốc vỡ mộng, thậm chí coi việc tạo tiếng tăm trên YouTube là một lựa chọn nghề nghiệp thực tế hơn là giành được một vị trí việc làm tại một “chaebol” - tập đoàn gia đình quyền lực.
Trọng tâm của chính sách khắc phục khủng hoảng công nghiệp của Hàn Quốc hiện nay là hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và người lao động bị mất việc, cũng như các dịch vụ giới thiệu việc làm do nhà nước điều phối mà trung tâm ở Gunsan được nhắc tới ở trên là một ví dụ. Chính sách này phân bổ ngân sách cho công ty chế tạo đang gặp khó khăn để đầu tư nghiên cứu các sản phẩm mới, dùng nhiều công nghệ hơn. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng chính phủ chỉ đơn thuần là đang chống đỡ các ngành công nghiệp mũi nhọn đã hết thời.
Munseob Lee, phó giáo sư kinh tế học tại Khoa Chính sách và Chiến lược toàn cầu của Đại học California ở San Diego cho rằng điều này phản ánh “các công việc truyền thống đã hết thời, giống như ở Detroit, Mỹ. Trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Trung Quốc đang thay thế vài trò của Hàn Quốc và Gunsan cũng như các thành phố tương tự khác không có lợi thế so sánh toàn cầu trong các ngành công nghiệp như đóng tàu và sản xuất ôtô”.
Theo ông Lee, Hàn Quốc có lẽ nên “nhằm vào các công ty mới hơn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện có. Các công ty mới sẽ là nguồn tạo ra việc làm và tăng năng suất. Bất kỳ khoản trợ cấp bù đắp hiện tại nào dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng chỉ nên là tạm thời nếu mục tiêu là thúc đẩy tăng trưởng”.
Theo CAND