Hàn Quốc kêu gọi họp khẩn về hạt nhân Triều Tiên
Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak hôm nay (29-12) kêu gọi hội đàm khẩn cấp về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Ông nhấn mạnh, giải trừ hạt nhân chỉ thành công thông qua biện pháp ngoại giao.
Ông Lee đưa ra lý do cho động thái này bằng việc cho rằng, Triều Tiên sẽ thúc đẩy việc xây dựng một quốc gia hùng mạnh vào năm 2012 trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh người sáng lập đất nước, Kim Nhật Thành.
Tổng thống Lee Myung-bak trong một bài phát biểu về chính sách ngoại giao Hàn Quốc.
Tổng thống Hàn Quốc khẳng định, cần có “tiến triển lớn” trong nỗ lực phi hạt nhân của Triều Tiên vào năm tới, và việc này cần được thực hiện thông qua các cuộc hội đàm sáu bên từ bây giờ.
Chưa rõ là liệu tuyên bố của ông Lee có thể hiện “sự linh hoạt” mới với đề xuất đàm phán sáu bên hay không. Trước đó, Seoul tỏ ra miễn cưỡng với việc này và khẳng định Bình Nhưỡng cần thể hiện hành động cụ thể trong nỗ lực phi hạt nhân.
Ông Lee cũng kêu gọi hội đàm giữa hai miền Triều Tiên, nói rằng một chính sách quân sự cứng rắn của Seoul trong khi có thể có hiệu quả ngăn chặn, nhưng sẽ không tháo gỡ được căng thẳng.
Đàm phán sáu bên (mà Triều Tiên đã rút khỏi hai năm trước) là diễn đàn duy nhất chấm dứt chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng để đổi lại viện trợ kinh tế và công nhận về mặt ngoại giao, ông Lee nói.
"Tôi nghĩ việc xóa bỏ chương trình hạt nhân Triều Tiên cần được hoàn thành qua hội đàm sáu bên năm tới, khi Triều Tiên đặt mục tiêu 2010 để thành một quốc gia hùng mạnh”, Tổng thống Hàn Quốc cho hay.
Quân đội Bình Nhưỡng đã nã pháo vào hòn đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc ngày 23-11 làm bốn người thiệt mạng. Họ cũng bị Mỹ và Seoul đổ lỗi gây ra vụ chìm tàu chiến Cheonan hồi tháng 3 làm 46 thủy thủ tử nạn.
Cũng giống như Mỹ, Hàn Quốc từng rất miễn cưỡng trong đề xuất khởi động tiến trình ngoại giao, có sự tham gia của hai miền Triều Tiên, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Mỹ cho tới khi nước láng giềng có bước đi cụ thể tiến tới giải trừ chương trình hạt nhân.
Trung Quốc đã kêu gọi nối lại hội đàm sáu bên vô điều kiện.
Trong bài phát biểu của mình, ông Lee khẳng định vẫn củng cố quân đội bảo vệ đất nước, chống lại hành động khiêu khích từ Bình Nhưỡng. "Đảm bảo hòa bình trên bán đảo Triều Tiên là một sứ mệnh quan trọng tiếp tục phía trước nhưng không thể chỉ làm bằng con đường ngoại giao. Tôi nghĩ, những khả năng phòng thủ mạnh mẽ và sự đoàn kết giữa mọi người là điều kiện cần thiết để thực hiện sứ mệnh ấy”.
Tổng thống Hàn Quốc cũng đưa ra lời kêu gọi rõ ràng đàm phán giữa hai miền: "Phải có những nỗ lực để cố gắng thiết lập hòa bình thông qua hội đàm Nam và Bắc”.
Trước đó, nội các của ông Lee đã bị chỉ trích mạnh mẽ vì phản ứng yếu ớt sau vụ tấn công pháo vào đảo Yeonpyeong từ phía Triều Tiên, đặt căng thẳng trên bán đảo ở mức cao nhất kể từ sau chiến tranh chấm dứt năm 1953.
Tuần trước, ông Lee đã thề “đáp trả không nao núng” trước bất kể sự gây hấn nào khác của Bình Nhưỡng. Quân đội Hàn Quốc đã thực hiện cuộc tập trận bắn đạn thật lớn chưa từng có ở gần biên giới.
Ở một tin tức khác, cựu quan chức quốc phòng Mỹ William Perry trong một cuộc phỏng vấn đưa ra hôm nay cho hay, Triều Tiên có khả năng chế tạo một quả bom nguyên tử mỗi năm, và Washington nên cân nhắc hội đàm cấp cao để tháo gỡ căng thẳng.
Ông Perry, từng là Bộ trưởng Quốc phòng thời Bill Clinton, trong cuộc phỏng vấn của nhật báo Nikkei cho biết, chính phủ Mỹ nên xem xét lại các chính sách với Bình Nhưỡng và áp dụng các biện pháp cấm vận kinh tế để khẳng định quan điểm phản đối chương trình hạt nhân Triều Tiên.
Sau đó, Washington nên phối hợp các chính sách với Seoul và Tokyo trước khi điều một đặc phái viên đảm nhận đàm phán trực tiếp với Bình Nhưỡng, ông Perry khuyến cáo.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đề xuất cựu Ngoại trưởng Madeleine Albright và nguyên thượng nghị sĩ Sam Nunn, một chuyên gia về giảm bớt vũ khí hạt nhân, có thể là các ứng viên cho những cuộc hội đàm trên.
Theo ông Perry, nếu Triều Tiên quyết tâm theo đuổi khả năng làm giàu uranium mà gần đây đã công bố, họ có thể có được một quả bom nguyên tử mỗi năm. Ông khẳng định vẫn tin tưởng vào các giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Triều Tiên.
Theo VNN