Hạn mặn bủa vây ĐBSCL
Mặn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt của hàng chục ngàn dân ven biển. Ngành nông nghiệp Bến Tre đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân bảo vệ hàng chục ngàn hécta cây ăn trái và hoa kiểng, hạn chế thấp nhất tỷ lệ thiệt hại. Tại Tiền Giang, mặn đã vào đến thành phố Mỹ Tho, cách biển trên 50km. Toàn bộ các cống ngăn mặn ở huyện Chợ Gạo, Gò Công Đông, Gò Công Tây… đã đóng kín, nhưng hàng ngàn hécta lúa đông - xuân muộn vẫn bị giảm năng suất do thiếu nước.
Đáng lo ngại là 20.000 nhân khẩu thuộc 2 huyện Tân Phú Đông và Gò Công Đông đang bị thiếu nước sinh hoạt. Chi cục thủy lợi Tiền Giang “chữa cháy” bằng cách mở 19 vòi nước công cộng cho dân sử dụng. Nếu những ngày tới tình hình căng thẳng, tỉnh Tiền Giang sẽ đưa phương tiện chở nước ngọt từ thành phố Mỹ Tho xuống cung cấp miễn phí cho dân.
Do nắng nóng kéo dài nhiều ngày nên toàn bộ 37.000ha rừng ở Vườn quốc gia Phú Quốc (Kiên Giang) khô hạn gay gắt, báo động cháy cấp 5. Khoảng 36.000ha rừng ở Cà Mau cũng đã kiệt nước hoàn toàn, nguy cơ cháy chực chờ. Trên 46.000ha rừng tràm ở Long An và hàng chục ngàn hécta rừng ở Đồng Tháp, Tiền Giang cũng chịu chung số phận.
Thống kê sơ bộ của ngành kiểm lâm, chỉ riêng An Giang, Cà Mau và Kiên Giang đến thời điểm này đã xảy ra khoảng 20 vụ cháy rừng lớn nhỏ, thiệt hại khoảng 8.500ha rừng và đồng cỏ.
Từ nay đến tháng 5-2010, khô hạn gay gắt hơn, UBND các tỉnh ĐBSCL yêu cầu lực lượng kiểm lâm và các chủ rừng tăng cường canh gác, hạn chế thấp nhất tình trạng cháy rừng xảy ra.
(Theo SGGP)