Hạn chế và cấm xe gắn máy: Cần phải có lộ trình
(BDO) Nhiều năm nay, bài toán giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông (UTGT) tại các thành phố lớn, mà chủ yếu là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, luôn là vấn đề nóng và làm đau đầu các nhà quản lý. Mặc dù, thời gian qua, cả 2 thành phố này đã có nhiều biện pháp như phân luồng, phân làn, mở rộng lòng đường, tăng cường lực lượng cảnh sát giao thông để điều tiết nhưng tình trạng UTGT không được cải thiện là mấy. Với xu hướng đô thị hóa, trong khi phương tiện cá nhân ngày càng tăng thì vấn đề UTGT trong tương lai không chỉ là vấn đề của riêng Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh.
Giải pháp đầu tiên để tránh UTGT là hạn chế và tiến tới cấm xe gắn máy đi vào nội ô. Tuy nhiên khi cấm đi xe máy vào nội ô thì người dân phải có được phương tiện thay thế, đó chính là giao thông công cộng (GTCC). Về lâu dài, GTCC là đường sắt đô thị, tàu điện ngầm… nhưng trước mắt, chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài xe buýt. Hiện nay người dân đã có thay đổi nhận thức về giao thông. Điều đó chứng tỏ người dân thực sự mong muốn có một hệ thống GTCC thuận tiện, kết cấu hạ tầng phát triển. Nhu cầu giao thông của người dân bằng xe gắn máy hiện nay chiếm phần lớn. Nếu bị cấm mà không có lựa chọn phương tiện thay thế, thì việc phản đối gay gắt của người dân là lẽ đương nhiên.
Hiện nay xe buýt đang vận hành trong hệ thống giao thông hỗn độn thì không thể hiện tính ưu việt gì hơn so với xe máy hay ô tô cá nhân được. Để xe buýt có thể trở thành một phương tiện ưu việt, việc có thể làm ngay, là lập ra làn đường dành riêng cho xe buýt. Ai cũng biết đi xe máy, ô tô cá nhân sẽ gây UTGT; khi UTGT người dân phải nghĩ đến việc chọn xe buýt làm phương tiện đi lại, như vậy UTGT do xe máy, ô tô cá nhân sẽ giảm.
Tuy nhiên, khi cấm xe máy sẽ thúc đẩy người dân sở hữu ô tô khi thu nhập khá lên. Như thế tình trạng UTGT còn phức tạp hơn. Vì vậy, nên thận trọng với việc hạn chế và cấm sử dụng xe máy khi chưa phát triển phương tiện GTCC đủ để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Và nếu không quan tâm đầu tư và thực hiện các giải pháp cho GTCC ngay từ bây giờ, thì chỉ khoảng 3 - 5 năm nữa, chúng ta sẽ phải đối mặt với “thảm họa” UTGT. Về vấn đề này, các chuyên gia lĩnh vực giao thông vận tải vẫn khẳng định muốn giảm UTGT bền vững phải hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, song song đó là đầu tư phát triển hệ thống GTCC. Tuy nhiên, với 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, nếu thực hiện đúng kế hoạch đặt ra thì trong 5 năm nữa, mạng lưới xe buýt cũng chỉ mới đáp ứng được 20 - 25% nhu cầu đi lại của người dân. Vì vậy việc hạn chế và cấm xe máy vào nội ô cần phải có lộ trình chứ không thể muốn là cấm ngay được.
NHẬT HUY