Hạn chế sử dụng túi nilon: Góp phần bảo vệ môi trường

Thứ sáu, ngày 15/06/2012

Đã hơn 4 tháng trôi qua, kể từ khi việc đánh thuế đối với túi nilon được áp dụng, nhằm hạn chế thói quen sử dụng túi nilon của người dân. Tuy nhiên, việc sử dụng túi nilon thoải mái của người bán và người tiêu dùng tại Bình Dương vẫn phổ biến và mỗi ngày lượng túi nilon thải ra môi trường vẫn  còn nhiều.

 Người tiêu dùng và người bán vẫn sử dụng túi nilon thoải mái

Theo quan sát của người viết tại một số khu chợ trên địa bàn TX.TDM như: Chợ Đình, Phú Hòa, Cây Dừa, thị xã... không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc túi nilon được treo đầy trên xe của người đi chợ. Cô Mai (ngụ tại phường Hiệp Thành), cho biết: “Tôi rất ít khi xem tivi, báo chí nên không biết việc đánh thuế túi nilon để người dân hạn chế sử dụng. Từ trước đến nay tôi không có thói quen mang theo giỏ xách đi chợ, bởi dùng túi nilon gọn nhẹ, tiện treo trên xe và không dùng nữa thì bỏ sọt rác, chứ mang theo giỏ rắc rối”.

Dạo một vòng trong chợ, cảnh người bán, người mua sử dụng túi nilon rất phổ biến. Người bán không những không dè dặt, tiết kiệm túi nilon mà thậm chí còn cho thêm nếu thấy người tiêu dùng cần. Một vài quả ớt, một vài củ hành cũng bỏ vào từng túi riêng.

Túi nilon có tác hại rất lớn. Bởi chưa thấy được tác hại lâu dài của nó, cho nên nhiều người vẫn cứ vô tư dùng. Theo khoa học nghiên cứu, nguyên liệu để sản xuất túi nilon là dầu mỏ và khí đốt, do đó trong quá trình sản xuất nó sẽ tạo ra khí CO2 làm tăng hiệu ứng nhà kính, thúc đẩy biến đổi khí hậu toàn cầu. Bên cạnh đó, túi nilon sau khi sử dụng, thải ra môi trường phải mất hàng trăm năm mới bị phân hủy hoàn toàn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước. Cụ thể, túi nilon lẫn vào đất sẽ ngăn cản ôxy đi qua đất, làm cho đất bạc màu, kém chất dinh dưỡng làm cây trồng chậm phát triển. Ngoài ra, việc sử dụng túi nilon sẽ gây tác hại xấu tới sức khỏe của con người. Vì trong quá trình sản xuất người ta còn cho thêm các chất phụ gia như chất hóa dẻo, kim loại nặng, phẩm màu... để cho túi có độ mềm, dẻo... đây là những chất cực kỳ nguy hiểm, có thể làm tổn thương và làm thoái hóa thần kinh ngoại biên và tủy sống. Túi nilon sau sử dụng, bị vứt bừa bãi, làm mất mỹ quan đô thị, làm tắc nghẽn cống rãnh, gây ứ đọng nước thải, ô nhiễm môi trường, là tác nhân gây ra những mầm bệnh truyền nhiễm.

Được biết hiện nay, để hạn chế sử dụng túi nilon khó phân hủy, các nhà khoa học đã nghiên cứu thành công túi nilon sinh học, tuy nhiên giá thành cao nên chưa phổ biến. Bởi vậy, để túi nilon không còn là nỗi đe dọa đến cuộc sống con người, các ngành chức năng cần nghiên cứu, khuyến khích người dân sử dụng sản phẩm khác thay thế tiện dụng, rẻ, hợp vệ sinh...  đồng thời, tuyên truyền ý thức tự giác hạn chế sử dụng túi nilon trong cộng đồng vì một môi trường xanh - sạch - đẹp, chúng ta hãy chung tay góp sức bảo vệ môi trường cũng chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta và con em chúng ta.

HỒNG LỢI