Hạn chế gia tăng số người nghiện ma túy, nhiễm HIV

Thứ hai, ngày 13/08/2012

Theo Bộ Công an, hiện nay trên toàn quốc có khoảng 170.000 người nghiện ma túy, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng nghĩa với số người nhiễm HIV cũng gia tăng; trong đó có những địa phương tăng khá nhanh như TP.HCM, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 49,3%.

Đặc biệt, số lượng người tái nghiện cũng có xu hướng tăng lên. Tại Cần Thơ, số tái nghiện lần 2 được đưa vào trung tâm chiếm 50%, tái nghiện lần 3 chiếm 15%, chỉ có 35% là số người nghiện mới… Đây là những con số đáng báo động, nếu không có những biện pháp hiệu quả hơn trong công tác phòng chống ma túy nói chung, cai nghiện nói riêng, chắc chắn trong tương lai số người nghiện sẽ cao hơn và số người nhiễm HIV gia tăng.

Xây dựng môi trường cai nghiện thân thiện tại các trung tâm

Cai nghiện tại các trung tâm cai nghiện được xem là phương pháp truyền thống và hoạt động khá hiệu quả. Vì không chỉ là cai nghiện mà ở trung tâm, người cai nghiện còn được đào tạo nghề, giáo dục văn hóa, lối sống…. Nhờ vậy, không có học viên nào đang cai nghiện tại trung tâm tái nghiện. Tuy nhiên, người nghiện vẫn rất "sợ" các trung tâm, không tự nguyện vào cai nghiện, khi vào có người muốn trốn ra. Bởi, không phải trung tâm nào cũng xây dựng được môi trường cai nghiện thân thiện giữa cán bộ với học viên; giữa học viên với học viên và chương trình giáo dục vẫn còn khắt khe cứng nhắc.

 Bệnh nhân uống Methadone tại cơ sở điều trị cai nghiện ma túy.  Theo bà Đỗ Thị Ninh Xuân, Phó Cục Trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, nhiều trung tâm có cách làm tốt, sáng tạo trong quá trình chữa bệnh, giáo dục, dạy nghề cho học viên. Chẳng hạn, Trung tâm Giáo dục-Lao động xã hội tỉnh Long An nhờ thực hiện đề án dạy nghề và giải quyết việc làm cho học viên trung tâm nên đã làm thay đổi tinh thần, khí thế học tập của học viên. Trước khi học nghề, trung tâm tiến hành đánh giá nhu cầu học của học viên, sau đó phối hợp với trường cao đẳng nghề của tỉnh tổ chức dạy các nghề mà học viên mong muốn học như: kỹ thuật hàn, sửa chữa xe máy, trang điểm… Qua đó, có đến 95,5% học viên tham gia học nghề, đạt giấy chứng nhận và hơn 2/3 số học viên đạt loại giỏi.

Tại TP.HCM, các trung tâm đã từng bước chuyên môn hóa trong cai nghiện ma túy. Giai đoạn đầu: học viên sẽ được cắt cơn, chăm sóc sức khỏe; tiếp đó học viên được học văn hóa, rèn luyện nhân cách; sau đó là giai đoạn đào tạo nghề, tư vấn tâm lý. Không chỉ thế, các trung tâm còn tăng cường gắn kết với cộng đồng, khuyến khích chính quyền các quận, huyện, kết nghĩa với các trung tâm cai nghiện. Quận nào có người nghiện thì đưa người nghiện vào trung tâm kết nghĩa để vừa theo dõi, nhắc nhở vừa thăm hỏi, hỗ trợ các học viên. Nhờ vậy, sau khi học viên kết thúc thời gian cai nghiện vẫn được chính quyền địa phương giúp đỡ tại cộng đồng…

Mặc dù vậy, chương trình cai nghiện ở các trung tâm vẫn chỉ ở mức trung bình. Các trung tâm chưa thật sự nâng cao chất lượng công tác cai nghiện và đang đứng trước những khó khăn, thách thức của nhu cầu đổi mới về quan điểm cũng như biện pháp thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Minh, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội nhận định, thời gian tới cần cải tiến hoạt động của các trung tâm. Phải làm sao để người cai nghiện đến với trung tâm cảm thấy như đến với một gia đình lớn. Nghĩa là, phải xóa bỏ được các rào cản tâm lý của các học viên khi cai nghiện ở trung tâm. Bên cạnh đó, trung tâm cần thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, thể thao, giao lưu văn nghệ. Đặc biệt, trung tâm cũng phải thông thoáng với cây xanh, ao cá...

Đẩy mạnh cai nghiện tại cộng đồng

Cai nghiện tại cộng đồng là mô hình đang được triển khai ở một số địa phương và bước đầu mang lại nhiều tác động tích cực đến việc khuyến khích các đối tượng tự nguyện cai nghiện. Thế nhưng, mô hình này lại chưa được nhân rộng trong cả nước vì còn gặp nhiều bất cập.

Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết, ngoài việc cai nghiện tập trung tại các trung tâm, cai nghiện bằng Methadone, thành phố cũng tiến hành đa dạng hóa các mô hình cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng và gia đình. Trên cơ sở đó, Sở tiến hành lựa chọn một số trung tâm cai nghiện cả tư lẫn công để chuyển sang cai nghiện mang tính dịch vụ, đồng thời tiến hành xây dựng các cơ sở cai nghiện tự nguyện tại các xã, phường.

Tuy nhiên, việc xây dựng các cơ sở cai nghiện tại xã, phường gặp nhiều khó khăn vì thiếu kinh phí, nhân lực, địa điểm do mô hình này cần có sự tham gia của chính quyền địa phương, nhưng không phải xã phường nào cũng đủ thực lực tài chính để triển khai. Bên cạnh đó, cũng không thể “mượn” trung tâm y tế xã, phường làm nơi cai nghiện vì vẫn còn nhiều kỳ thị từ chính đội ngũ nhân viên và người dân đến khám bệnh. Đặc biệt, muốn cai nghiện phải có bác sĩ, vì cai nghiện không đơn thuần chỉ là cắt cơn mà còn nhiều vấn đề khác liên quan đến sức khỏe, tâm lý…. Rất ít bác sỹ tình nguyện về xã làm việc.

Hỗ trợ hiệu quả sau cai nghiện

Sau khi cai nghiện thành công, người cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng với một công việc ổn định và được sống trong môi trường xã hội không kỳ thị, phân biệt, sẽ góp phần giúp họ không tái nghiện. Thế nhưng, không phải địa phương nào cũng làm tốt công tác hỗ trợ sau cai.

Bà Nguyễn Bảo Yến, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang chia sẻ, thực tế, chính quyền địa phương nơi có người cai nghiện tại các trung tâm vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc giúp họ hòa nhập cộng đồng. Các địa phương chỉ quan tâm tới việc đưa người nghiện vào trung tâm, khi họ cai nghiện tốt được trả về địa phương, thì lại không nhận về.

Không chỉ vậy, có xã dù đã được UBND tỉnh gửi văn bản mời lên nhận người cai nghiện về quản lý, nhưng vẫn không hợp tác. Có địa phương nhận người đã cai nghiện về, nhưng lại không có chính sách hỗ trợ họ vay vốn, tạo việc làm. Và một khi người cai nghiện (được dạy nghề tại các trung tâm) đi xin việc không được, hay tự tạo nghề mà không có vốn, thì công tác cai nghiện xem như chưa đạt hiệu quả, thậm chí dễ dẫn đến tái nghiện sau một thời gian trở về cộng đồng. Do đó, các cấp chính quyền cần quan tâm hỗ trợ vay vốn, tư vấn việc làm cho nhóm đối tượng này.

Ông Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang cho biết thêm, vấn đề chính trong công tác cai nghiện ma túy là làm sao phải chấm dứt tình trạng mua bán ma túy. Điều này có nghĩa, ngành công an cũng cần phải đấu tranh mạnh đối với việc mua bán ma túy. Vì dù rằng, trung tâm có làm tốt công tác cai nghiện, địa phương hết mình giúp đỡ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng, nhưng việc mua bán ma túy vẫn còn thì việc người đã cai nghiện quay lại tái nghiện là điều có thể diễn ra.

Theo TTXVN