Hải Vân, biệt thự và cái quán nước!
Câu chuyện cấp phép đầu tư của Thừa Thiên - Huế cho một dự án du lịch lớn của các doanh nhân đến từ Trung Quốc tại vị trí “nhạy cảm về quốc phòng” ngay đỉnh đèo Hải Vân chưa kịp lắng xuống thì trong tuần qua lại có câu chuyện trái khoáy khác cũng liên quan đến ngọn đèo được mệnh danh là “đệ nhất hùng quan” này. Lần này, sự “gay cấn” không đến từ bên ngoài mà lại chính những công dân trong nước. Đó là câu chuyện hàng loạt biệt thự nguy nga mọc lên ở những vị trí không được phép xây dựng, bởi đó là đất quốc phòng, đất rừng phòng hộ, chỉ được cất nhà tạm.
(BDO)
Những căn biệt thự không khác gì những tòa lâu đài được báo chí đăng tải và làm “nóng” công luận những ngày qua được xây dựng hoàn toàn trái phép là điều đã rõ. Vấn đề đáng nói chính là chủ nhân của những căn biệt thự này là ai? Vì sao họ có thể xây dựng một cách thoải mái mà không gặp sự cản trở nào? Vì sao khi trả lời báo chí, các vị lãnh đạo ở địa phương này, từ cấp thành phố đến xã, phường và các đơn vị chức năng đều cho rằng đó là “chuyện khó nói lắm”?
Khó nói và không tiện để trả lời nhưng qua báo chí cũng đã cho thấy, chủ nhân những căn biệt thự đó không ai khác mà chính là của những người có chức, có quyền và chắc chắn là có nhiều tiền! Tiêu biểu trong số đó là biệt thự của một vị tướng vừa nghỉ hưu đã được nêu đầy đủ họ tên và chức tước từng nắm giữ. Phải chăng vì chủ nhân những căn biệt thự chức quyền quá lớn nên lực lượng chức năng cơ sở và chính quyền địa phương không tiện, hoặc không dám “đụng đến”? Nếu đúng vậy thì đây là một vấn đề đáng suy nghĩ trong quản lý địa bàn, mà cụ thể là quản lý đầu tư xây dựng ở địa phương này!
Cũng ở ngọn đèo này, ngay cạnh những căn biệt thự nguy nga kia, có câu chuyện một người dân, nói đúng hơn là một đảng viên có kinh tế gia đình khó khăn, dựng lên một cái quán nước ngay vườn nhà để làm kế sinh nhai cũng phải tháo dỡ ngay lập tức theo “lệnh” của chính quyền địa phương. Trả lời báo chí, người chủ quán nước kia bộc bạch rằng: “Mình là đảng viên, làm cái quán nước có xin phép hẳn hoi, địa phương đồng ý. Nhưng sau đó bảo phải tháo dỡ ngay, mình phải chấp hành, dù cũng tiếc tiền của bỏ ra”.
Những căn biệt thự, một cái quán nước nêu ra trong bài viết ngắn này thật chẳng “ăn nhập” gì với nhau, bởi có sự chênh lệch quá lớn nếu nói về quy mô đầu tư. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ ý thức chấp hành pháp luật của công dân. Một đảng viên - nông dân ý thức rất rõ trách nhiệm của mình và thật đáng trân trọng. Tại sao một cái quán nước cũng yêu cầu tháo dỡ, nhưng những căn biệt thự vẫn cứ hiên ngang tồn tại? Và, những chủ nhân của các căn biệt thự, trong đó có cả một vị tướng, tại sao ý thức pháp luật lại không bằng người nông dân kia? Câu trả lời xin dành cho chính quyền sở tại và những người trong cuộc vậy!
TRIỆU PHONG