Hải quan Bình Dương: Khai thác hiệu quả hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường sắt

Thứ tư, ngày 27/12/2023

(BDO) Trong quy hoạch của tỉnh Bình Dương, ga liên vận quốc tế Sóng Thần sẽ trở thành trung tâm logistics quy mô lớn của khu vực phía Nam, mở ra phương thức vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mới hiệu quả hơn, an toàn hơn, tiết kiệm chi phí, có thể dễ dàng tiếp cận đi và đến các trung tâm công nghiệp, sản xuất hàng hóa, nguyên liệu phụ trợ… của Trung Quốc và các nước thứ ba.

Khai thác hiệu quả

Tận dụng vị trí địa lý thuận lợi của ga Sóng Thần, nằm trên Quốc lộ 1A, vị trí ngay tại trung tâm Khu công nghiệp (KCN) Sóng Thần, có khả năng kết nối tốt với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh miền Đông Nam bộ, nên ngay sau khi lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam làm việc với UBND tỉnh Bình Dương đề nghị mở điểm kiểm tra, giám sát, thông quan hàng hóa, hướng dẫn các nhân viên hải quan kiểm tra giám sát các đoàn tàu có chuyển đổi phương tiện do thay đổi khổ đường sắt… để nhanh chóng triển khai hoạt động liên vận quốc tế tại ga Sóng Thần.


Các đại biểu thực hiện nghi thức ra mắt đoàn tàu liên vận quốc tế vận chuyển hàng hóa xuất khẩu từ ga Sóng Thần đi Trung Quốc

Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các cơ quan chức năng của tỉnh nhanh chóng hoàn thiện các yêu cầu về mặt bằng và an ninh, phối kết hợp với ngành đường sắt để sớm triển khai phương thức này. 

Vừa qua, Cục Hải quan Bình Dương phối hợp với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức lễ ra mắt đoàn tàu liên vận quốc tế vận chuyển hàng hóa xuất khẩu từ ga Sóng Thần đi Trung Quốc. Đoàn tàu đầu tiên gồm 19 toa, vận chuyển tinh bột sắn với khối lượng gần 500 tấn đã xuất phát tại ga Sóng Thần (Bình Dương) vào ngày 27-9, đến ga Phổ Điền, TP.Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) vào ngày 5-10.

Trong quy hoạch của tỉnh Bình Dương, ga liên vận quốc tế Sóng Thần sẽ trở thành trung tâm logistics quy mô lớn của khu vực phía Nam, mở ra phương thức vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mới hiệu quả hơn, an toàn hơn, tiết kiệm chi phí, có thể dễ dàng tiếp cận đi và đến các trung tâm công nghiệp, sản xuất hàng hóa, nguyên liệu phụ trợ… của Trung Quốc và các nước thứ ba. Với việc tổ chức hoạt động liên vận quốc tế tại ga Sóng Thần, thay vì phải vận chuyển hàng hóa đến các cảng biển tại TP.Hồ Chí Minh, Vũng Tàu để làm thủ tục xuất nhập khẩu, doanh nghiệp (DN) có thể làm thủ tục ngay tại ga, từ đó vận chuyển bằng đường sắt sang thị trường Nga, Liên minh châu Âu, rút ngắn được thời gian vận chuyển bằng 2/3 so với đường biển truyền thống. Khi thời gian được rút ngắn, chi phí chắc chắn sẽ giảm.

Ông Nguyễn Trần Hiệu, Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương, đánh giá Bình Dương xác định đưa ngành dịch vụ logistics trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đến năm 2025. Do đó, việc mở rộng phát triển phương thức vận chuyển bằng đường sắt, đặc biệt là đường sắt liên vận quốc tế đi Trung Quốc sẽ giúp cho DN logistics tiếp cận dễ dàng hơn đối với các trung tâm sản xuất hàng hóa, nguyên liệu phục vụ quá trình phát triển, đồng thời tạo ra cơ hội cho các DN dịch vụ logistics phát triển. 

Việc đưa hoạt động liên vận vào khai thác tại ga Sóng Thần cũng sẽ tạo thuận lợi để Bình Dương trở thành trung tâm hàng nhập khẩu, phân phối đi các địa phương khác trong khu vực.

Với vị trí địa lý thuận lợi, ga Sóng Thần hoàn toàn có thể đóng vai trò là nơi tập kết và phân phối hàng hóa xuất nhập khẩu đi các cửa khẩu biên giới phía Bắc và phía Nam vừa cho các DN tỉnh Bình Dương, vừa cho các DN cả vùng Đông Nam bộ, Tây Nam bộ. Điều này tạo điều kiện hình thành trung tâm logistics của tỉnh và cả vùng Nam bộ, giúp gia tăng cung ứng các dịch vụ kèm theo, tạo việc làm cho người lao động, tăng thu ngân sách và tăng trưởng kinh tế cho các địa phương.

 (Ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương)

Kỳ vọng thành trung tâm logistics của cả vùng 

Theo ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc điều hành Công ty TBS Logistics, việc vận hành đoàn tàu liên vận quốc tế vận chuyển hàng hóa xuất khẩu từ ga Sóng Thần đi Trung Quốc là tin vui cho DN xuất khẩu nói chung và DN làm dịch vụ xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc nói riêng. Bởi trước đây, muốn đưa hàng sang Trung Quốc, DN phải vận chuyển bằng đường bộ ra ga Yên Viên (Hà Nội) hoặc ga Đồng Đăng (Lạng Sơn), sau đó mới làm thủ tục mở tờ khai để xuất khẩu hàng hóa. Nay DN có thể mở tờ khai trực tiếp tại Cục Hải quan Bình Dương và ga Sóng Thần đưa thẳng hàng hóa sang nước bạn. Điều này rút ngắn được thời gian, chi phí cho DN rất nhiều.

Kỳ vọng lớn về hoạt động liên vận quốc tế tại đây, lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, cho biết ga Sóng Thần nằm trên Quốc lộ 1A, vị trí ngay tại trung tâm KCN Sóng Thần, có khả năng kết nối tốt với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như Long An, Cần Thơ, Đồng Tháp… và các tỉnh miền Đông Nam bộ như Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước.

Trong khi đó, Bình Dương hiện là một trong những địa phương phát triển năng động nhất của khu vực phía Nam và cả nước với sự hình thành và phát triển 35 KCN, 12 cụm công nghiệp tập trung gắn kết với việc thu hút các DN, đặc biệt là các DN đầu tư nước ngoài. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của các DN trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện đứng vị trí thứ 4 trên cả nước. Trong đó, kim ngạch xuất nhập khẩu từ riêng thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 40%, chủ yếu đi bằng đường biển và một phần nhỏ đi bằng đường bộ.


Đoàn tàu liên vận quốc tế vận chuyển hàng hóa xuất khẩu từ ga Sóng Thần đi Trung Quốc tại lễ ra mắt

Hiện tại, các Chi cục Hải quan trực thuộc Cục Hải quan Bình Dương đang tạo điều kiện thuận lợi tối đa trong giải quyết thủ tục xuất khẩu cho các DN xuất khẩu hàng vận chuyển bằng đường sắt qua ga Sóng Thần đi Trung Quốc. Bên cạnh đó, công tác hướng dẫn, tuyên truyền đã được các chi cục thực hiện tốt. Do đó, hiện tại các DN chưa phát sinh vướng mắc khi làm thủ tục đối với hàng hóa xuất nhập khẩu với phương thức vận chuyển mới này.

Ông Nguyễn Trần Hiệu, Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương, chia sẻ trong tương lai, trong quy hoạch của Bình Dương, ga liên vận quốc tế Sóng Thần sẽ trở thành trung tâm logistics quy mô lớn của khu vực phía Nam, mở ra phương thức vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mới hiệu quả hơn, an toàn hơn, tiết kiệm chi phí, có thể dễ dàng tiếp cận đến các trung tâm công nghiệp, sản xuất hàng hóa, nguyên liệu phụ trợ... của Trung Quốc.

NGỌC THANH