Hai Luật quan trọng sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15-8

Thứ sáu, ngày 11/08/2023

(BDO)

Cán bộ Cửa khẩu Quốc tế Ma Lù Thàng làm thủ tục xuất cảnh cho người dân.

Từ ngày 15/8, hai luật sẽ có hiệu lực thi hành, bao gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, Nhập cảnh của Công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, Xuất cảnh, Quá cảnh, Cư trú của Người nước ngoài tại Việt Nam; Luật sửa đổi Luật Công an Nhân dân.

Luật Xuất cảnh, Nhập cảnh: Bổ sung thông tin “Nơi sinh,” tăng thời hạn thị thực

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, Nhập cảnh của Công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, Xuất cảnh, Quá cảnh, Cư trú của Người nước ngoài tại Việt Nam, bổ sung giấy tờ khác theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, là một trong những giấy tờ xuất, nhập cảnh.

Luật đã bổ sung thông tin “nơi sinh” trên giấy tờ xuất, nhập cảnh và bổ sung quy định “Thông tin khác do Chính phủ quy định” để đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với thực tiễn trong từng thời kỳ.

Sau khi sửa đổi, bổ sung, thông tin trên giấy tờ xuất nhập cảnh bao gồm: Ảnh chân dung; Họ, chữ đệm và tên; Giới tính; Nơi sinh, ngày, tháng, năm sinh; Quốc tịch; Ký hiệu, số giấy tờ xuất nhập cảnh, cơ quan cấp, ngày, tháng, năm cấp và ngày, tháng, năm hết hạn; số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân; Chức vụ, chức danh đối với hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ phù hợp với yêu cầu đối ngoại; Thông tin khác do Chính phủ quy định.

Bên cạnh đó, Luật Xuất cảnh, Nhập cảnh của Công dân Việt Nam bỏ quy định thời hạn còn lại của hộ chiếu từ 6 tháng trở lên mới đủ điều kiện xuất cảnh để tạo điều kiện cho công dân khi xuất cảnh.

Luật cũng nâng thời hạn thị thực điện tử từ 30 ngày lên không quá 90 ngày, có giá trị một lần hoặc nhiều lần và quy định tính thời hạn thị thực theo ngày đối với các loại thị thực có thời hạn dưới 1 năm để đảm bảo thống nhất; nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày đối với công dân các nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực và được xem xét giải quyết cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo các quy định khác của Luật.

Luật Công an Nhân dân: Quy định 6 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an Nhân dân quy định sỹ quan được xét thăng cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng phải còn ít nhất đủ 3 năm công tác; trường hợp không còn đủ 3 năm công tác khi có yêu cầu do Chủ tịch nước quyết định.

Luật bổ sung quy định cụ thể 6 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng trong Công an Nhân dân, gồm: 1 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thượng tướng; 5 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng; quy định Trung đoàn trưởng ở các đơn vị trực thuộc Bộ, Công an thành phố Hà Nội, Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, công tác đảng và công tác chính trị, Trưởng Công an thành phố thuộc Công an thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá.

Luật quy định hạn tuổi phục vụ cao nhất của Hạ sỹ quan, Sỹ quan Công an Nhân dân.

Cụ thể, Hạ sỹ quan là 47 tuổi (trước đó quy định là 45 tuổi); cấp úy là 55 tuổi (trước đó quy định là 53 tuổi); Thiếu tá, Trung tá: nam 57 tuổi, nữ 55 tuổi (trước đó quy định là nam 55 tuổi, nữ 53 tuổi); Thượng tá: Nam 60 tuổi, nữ 58 tuổi (trước đó quy định là nam 58 tuổi, nữ 55 tuổi); Đại tá: nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi (trước đó quy định là nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi); Cấp tướng: Nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi (trước đó quy định chung là 60 tuổi).

Sỹ quan Công an Nhân dân là Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, chuyên gia cao cấp được kéo dài tuổi phục vụ hơn 62 tuổi với nam và hơn 60 tuổi với nữ theo quy định của Chính phủ (quy định cũ đang là hơn 60 tuổi với nam và hơn 55 tuổi với nữ)./.

Theo TTXVN