Hai huyện Bến Cát, Tân Uyên: Sẽ trở thành thị xã

Thứ ba, ngày 20/11/2012

Đó là một trong những nội dung quan trọng sẽ được bàn bạc thông qua tại kỳ họp lần thứ 6 - HĐND tỉnh khóa VIII diễn ra trong tháng 12-2012. Tại phiên họp mới đây do Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung chủ trì, các đại biểu của tỉnh và 2 huyện Bến Cát, Tân Uyên đều cho rằng: Việc đề nghị “nâng tầm” Bến Cát, Tân Uyên lên thị xã và thành lập mới hai huyện Bàu Bàng, Chiến Khu Đ sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý đô thị, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội (KT-XH) tỉnh Bình Dương phát triển đồng bộ.   Đô thị thị trấn Mỹ Phước (Bến Cát) ngày càng sầm uất, khang trang, hiện đại Ảnh: Q.CHIẾN

 Bến Cát, Tân Uyên đủ “tầm đô thị”

Ông Mai Sơn Dũng, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh cho rằng, khu vực phía Nam huyện Bến Cát hiện nay gồm thị trấn Mỹ Phước và các xã Tân Định, Thới Hòa, Chánh Phú Hòa, Hòa Lợi, An Điền, An Tây, Phú An đã hình thành và phát triển các KCN Mỹ Phước 1, 2, 3, 4, Rạch Bắp, An Tây và các cụm công nghiệp thu hút số đông lực lượng lao động trong và ngoài tỉnh đến làm việc, sinh sống. Có thể nói, tốc độ đô thị hóa khu vực này diễn ra nhanh, lao động nông nghiệp và tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế giảm mạnh và chuyển dần sang công nghiệp, dịch vụ. Do đó hiện nay, khu vực phía Nam huyện Bến Cát về cơ bản đáp ứng tiêu chí đô thị loại IV, hội đủ điều kiện “nâng tầm” thành TX.Bến Cát gồm 8 đơn vị hành chính với diện tích 23.442,24 ha, dân số trên 169.000 nhân khẩu. Trong đó, sẽ hình thành 5 phường: Mỹ Phước, Tân Định, Thới Hòa, Hòa Lợi, Chánh Phú Hòa và 3 xã ngoại ô An Điền, An Tây, Phú An. “Xét về 6 tiêu chuẩn, 49 tiêu chí theo Nghị định Chính phủ về việc phân loại đô thị thì khu vực Nam Bến Cát đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV với thang điểm tự đánh giá về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đạt 89/100 điểm” - ông Mai Sơn Dũng cho biết.

Bên cạnh việc nâng cấp Bến Cát lên thị xã thì sẽ hình thành thêm huyện mới Bàu Bàng. Trong đó, một phần xã Lai Uyên sẽ “nâng cấp” thành thị trấn Bàu Bàng - nơi đặt cơ sở hành chính huyện lỵ và 7 xã: Long Nguyên, Lai Hưng, Lai Uyên, Trừ Văn Thố, Cây Trường II, Tân Hưng, Hưng Hòa. Diện tích tự nhiên tổng thể của huyện Bàu Bàng là 33.915,69 ha với dân số trên 75.000 nhân khẩu. Trong đó, Long Nguyên có diện tích tự nhiên nhiều nhất với 7.593,86 ha, dân số trên 15.000 nhân khẩu; Lai Uyên 4.868,68 ha với dân số gần 9.000 nhân khẩu; Lai Hưng 4.779,76 ha, dân số trên 12.000 nhân khẩu… Theo lãnh đạo các sở ngành và huyện Bến Cát, việc nâng tầm Bến Cát thành thị xã và thành lập huyện mới Bàu Bàng là phù hợp với điều kiện phát triển KT-XH của khu vực này theo phân định rõ chức năng của chính quyền đô thị đối với TX.Bến Cát và chính quyền nông thôn đối với huyện Bàu Bàng, tạo điều kiện trong công tác quản lý Nhà nước về KT-XH của địa phương.

Ở Tân Uyên, theo UBND tỉnh, cũng đủ “tầm” đô thị loại IV với phía Nam của huyện đã hình thành các KCN Nam Tân Uyên, Hội Nghĩa và các cụm công nghiệp, thu hút lượng lớn lao động trong và ngoài tỉnh. So với TX.Bến Cát tương lai thì TX.Tân Uyên tương lai sẽ có dân số đông hơn với trên 187.000 nhân khẩu, diện tích tự nhiên là 19.249,50 ha, gồm 12 đơn vị hành chính (3 thị trấn và 9 xã), trong đó đề nghị “nâng cấp” 3 thị trấn và 3 xã thành 6 phường: Uyên Hưng, Tân Phước Khánh, Thái Hòa, Thạnh Phước, Khánh Bình, Tân Hiệp và 6 xã ngoại ô: Vĩnh Tân, Phú Chánh, Thạnh Hội, Bạch Đằng, Hội Nghĩa, Tân Vĩnh Hiệp. Xét về 6 tiêu chuẩn, 49 tiêu chí của Trung ương, TX.Tân Uyên đạt 83,18/100 điểm về hiện trạng hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng tiêu chí đô thị loại IV. Riêng huyện mới mang tên Chiến Khu Đ có 10 đơn vị hành chính, trong đó có thị trấn Tân Thành và 9 xã: Tân Bình, Bình Mỹ, Tân Lập, Tân Định, Lạc An, Hiếu Liêm, Đất Cuốc, Thường Tân và Tân Mỹ. Diện tích tự nhiên trên 40.087,67 ha với dân số khoảng trên 60.000 người. Cái tên của huyện này cũng mang nhiều ý nghĩa về vùng chiến khu Đ oai hùng, bất khuất.

Cán bộ, người dân hồ hởi

Tại phiên họp mới đây, Chủ tịch UBND huyện Tân Uyên Nguyễn Thành Phương đã không giấu được niềm vui và xen lẫn những âu lo trước khi huyện Tân Uyên chia tách thành TX.Tân Uyên và huyện mới Chiến Khu Đ. Ông Phương cho rằng, kế hoạch chia tách huyện Tân Uyên đã sẵn sàng và đông đảo cán bộ, người dân khi hay tin này đều vui mừng, hồ hởi. Hiện nay, lãnh đạo tỉnh và 2 huyện Bến Cát, Tân Uyên đang gấp rút lên kế hoạch, phương án, mời nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng huyện lỵ cho 2 thị xã mới là Bến Cát, Tân Uyên và 2 huyện mới là Bàu Bàng, Chiến Khu Đ.

Chỉ đạo vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung đã giao cho lãnh đạo 2 huyện và các sở ngành nhanh chóng hoàn thành kế hoạch, phương án xây dựng hạ tầng kỹ thuật trung tâm huyện lỵ. Ông Lê Thanh Cung đã đề nghị lãnh đạo các sở liên quan và 2 huyện Bến Cát, Tân Uyên cần mời gọi đấu thầu công khai và giao trọn gói cho nhà thầu có năng lực, có uy tín để họ tư vấn, thiết kế và xây dựng cơ sở hạ tầng đạt chuẩn đô thị cho 2 thị xã mới và trung tâm huyện lỵ 2 huyện mới.

Tại thị trấn Mỹ Phước (Bến Cát) và thị trấn Uyên Hưng (Tân Uyên), khi biết tin chuẩn bị lên thị xã, thành lập phường, nhiều cán bộ hưu trí và người dân rất phấn khởi, vui mừng. Ông Nguyễn Minh Hiếu, một cán bộ hưu trí sống tại khu phố 4, thị trấn Mỹ Phước, Bến Cát cho hay: “Từ khi hay tin sắp tách huyện lên thị xã, cả khu phố ai nấy cũng vui mừng. Gia đình tôi ở Mỹ Phước 2 đã gần 10 năm nay, cảm nhận Mỹ Phước 1, 2 chẳng thua kém nơi nào, nhà cửa khang trang, sầm uất, đường sá rộng thênh thang, công nhân tấp nập, chỉ thiếu chữ phường. Giờ chuẩn bị có chữ phường rồi, gia đình và bà con khu phố tôi ai cũng phấn khởi”. Bà Bùi Thị Nam, một người dân ở TP.HCM lên Uyên Hưng lập nghiệp hơn 5 năm nay cũng hồ hởi: “Lên phường, bà con làm ăn chúng tôi ai cũng vui. Tuy nhiên, tôi đề nghị nếu lên phường thì cũng cần xây dựng được đội ngũ cán bộ quản lý và bộ máy quản lý đạt chuẩn của đô thị theo hướng gần dân, hiểu dân hơn để cùng nhân dân xây dựng một Tân Uyên ngày càng văn minh, giàu đẹp”.

HỒ VĂN