Hai cô học trò nhỏ không lùi bước

Thứ sáu, ngày 03/10/2014

(BDO) Hai cô học trò nhỏ ở ngoại thành TP.HCM đồng cảnh ngộ nghèo khó và cùng một niềm lạc quan vươn lên.

Linh bó số củi vừa nhặt được để mang đi bán trong những ngày hè

Kỷ lục... nợ học phí

Trưa tan học, cô học trò Trương Nguyễn Hồng Sương (lớp 9/4 Trường THCS Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP.HCM) vội vã chạy về nhà nấu bữa trưa cho người em trai mắc chứng bệnh trầm cảm.

Lùa vội chén cơm, Sương lại tất tả chạy ra chợ cho kịp giờ bán hàng buổi chiều. Sương đang trông quầy quần áo thuê cho người ta đã được hai tuần.

Sương cho biết mỗi cái áo bán ra em được chủ trả từ 3.000-5.000 đồng. Em hi vọng sự siêng năng của mình sẽ kiếm đủ tiền đóng học phí và phụ mẹ tiền chợ.

Sương cười khi “khoe” sự nổi tiếng do... nợ học phí ở trường. Mới năm rồi, đến sát ngày thi học kỳ mà gia đình xoay chưa ra tiền đóng, em đành hỏi mượn cô giáo. Sau ngày thi em lao vào làm thêm để kiếm tiền trả lại.

Cô Trần Thu Trang, giáo viên chủ nhiệm lớp 8 của Sương, tâm sự rằng cô rất cảm phục đứa học trò tự lập, giỏi giang.

Càng thương hơn khi bên cạnh việc đỡ đần cho mẹ, Sương còn là “cô giáo” kiên trì với đứa em trầm cảm. Sương dạy em viết chữ, học toán với ước mơ em sớm được sống một cuộc đời bình thường.

Nhà chỉ có mẹ và một em trai. Thu nhập ít ỏi của mẹ phải vừa gánh gồng sinh hoạt phí, vừa lo thuốc men cho em nên từ nhỏ, chị hai là Sương đã tranh thủ làm đủ việc ngoài thời gian học để tự trang trải học phí, mua dụng cụ học tập.

Lớp 5 em bán vé số, bán dừa dạo cùng mẹ. Lớn hơn chút, em chạy bàn quán cơm. Mỗi dịp hè Sương lại mở hàng bán trà chanh, cá viên chiên, rồi tranh thủ bán quần áo qua mạng. Ngoài ra ai thuê gì em làm nấy.

Chiếc xe cũ kỹ hằng ngày em đạp đến trường là kết quả của sự chắt bóp bằng tiền mồ hôi nước mắt em kiếm từ việc làm thêm.

Chín năm đi học, Sương chưa bao giờ được ôm vào lòng bộ sách mới. Những quyển sách cũ mượn lại và chồng vở lãnh thưởng hằng năm là bạn đồng hành suốt con đường học vấn của cô học trò chịu khó.

Tuổi còn nhỏ nhưng em đã vạch sẵn những hướng đi cho tương lai:

“Từ nhỏ em đã tập tành buôn bán, nên ước mơ lớn nhất đời em là học đại học ngành kinh tế và làm kinh doanh. Em sẽ quyết tâm thực hiện ước mơ trở thành nhà kinh doanh tài giỏi. Em muốn có tiền lo cho gia đình và sau đó là giúp được những học sinh có cảnh ngộ giống như em” - Sương tâm sự.

Đến trường nhờ học bổng

Cô học trò Lê Thị Ánh Linh (lớp 12A1 Trường THPT An Nhơn Tây, huyện Củ Chi) được nhiều người dân ở ấp Xóm Chùa, xã An Phú, huyện Củ Chi gọi là “cô bé chuyên lãnh học bổng”. Bởi vì con đường học vấn của Linh được duy trì đến ngày hôm nay là nhờ vào rất nhiều suất học bổng từ địa phương, trường học, tổ chức.

Biến cố ập đến vào 12 năm trước khi chị gái Linh mắc phải căn bệnh viêm khớp cấp tính dẫn đến liệt hai chân. Để có tiền chạy chữa cho chị trong suốt một năm, mẹ Linh phải bán đi căn nhà với đầy ắp kỷ niệm ấu thơ của Linh, vay mượn khắp nơi và cầu cứu thầy thuốc tứ phương.

Phép mầu xảy ra, chị Linh khỏi bệnh. Nhưng Linh chưa kịp vui thì đến lượt bà ngoại cũng mắc bệnh như chị gái.

Nợ nần chồng chất, một mình mẹ Linh lao lực quá sức, dần sinh bệnh đủ thứ bệnh nay ốm mai đau. Chị Linh bỏ học đi làm công nhân, nhường suất đi học cho em và đỡ phụ mẹ gánh nặng gia đình.

Riêng Linh, cứ vào mùa hè lại cùng mẹ đi nhặt củi bán, ai thuê gì cũng làm. Hè rồi Linh nhờ chị xin vào làm chung công ty. Người ta nhận nhưng ai cũng ái ngại khi thấy cô bé dáng gầy gò, mảnh khảnh, 18 tuổi mà chỉ nặng 32kg...

Cơ cực là vậy nhưng nhiều năm liền Linh luôn chứng minh được năng lực với bạn bè khi liên tục là học sinh khá giỏi. Biết tình cảnh của cô học trò nghèo ham học nên thầy cô, làng xóm đều cố gắng tìm và giới thiệu cho Linh những chương trình học bổng.

Linh nói tấm lòng đó của mọi người là nguồn động lực tiếp thêm sức mạnh cho em.

Ước mơ của Linh cũng như những cô cậu học trò nghèo có người thân lao đao vì cái nghèo và tật bệnh: ước mơ trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho những người thân trong gia đình và giúp được những người nghèo như mình.

Ánh mắt của Linh khi nói về ước mơ, cũng như ánh mắt của Sương, đều khiến người đối diện tin tưởng rằng các em sẽ làm được.

Chương trình “Viso - Áo trắng mới, khởi đầu mới” do Công ty Unilever Việt Nam - nhãn hàng Viso phối hợp thực hiện cùng Thành đoàn TP.HCM, Vụ Trung học - Bộ GD-ĐT sẽ được triển khai trong ba năm từ nay đến năm 2017 với mục đích vận động tổng cộng 100.000 áo trắng, áo dài trắng, tổ chức giặt sạch tặng lại cho học trò nghèo.

Quỹ “Viso - Áo trắng mới, khởi đầu mới” cũng cam kết trao tặng 2 tỉ đồng học bổng cho học sinh, sinh viên vượt khó học giỏi.

Trong hơn một tháng qua, chương trình đã tổ chức các buổi giặt áo, trao học bổng tại các tỉnh thành Bình Dương, Tây Ninh, TP.HCM, Tiền Giang, Bình Phước. Những chuyến xe mang áo trắng và học bổng sẽ tiếp tục đi đến nhiều tỉnh thành cả nước.

(Theo TTO)

Từ khóa: